Thứ bảy, 20/07/2024, 11:00
Vì sao Hàn Quốc dẫn đầu về cửa hàng tiện lợi?
Hàn Quốc dẫn đầu toàn cầu về cửa hàng tiện lợi, cả online lẫn offline, nhờ sự tham gia đóng góp hiệu quả của những người ảnh hưởng trên mạng xã hội và các du khách quốc tế. Tại các cửa hàng này, bạn sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu, từ mua sắm đến sử dụng các dịch vụ tiện ích chỉ tại một địa điểm duy nhất.
Cửa hàng tiện lợi GS25 tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: AFP.
Mua sắm “một cửa”
Tại Hàn Quốc, bạn có thể dễ dàng nhận bưu kiện, nạp thẻ metro, ăn trưa và rút tiền mặt ngay tại một cửa hàng tiện lợi gần nhất. Theo Hiệp hội ngành Cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc, đến cuối năm ngoái, nước này có hơn 55.200 cửa hàng tiện lợi trên tổng dân số 52 triệu người, tương đương cứ 950 người lại có một cửa hàng. Con số đó cũng lớn hơn tổng số chi nhánh của McDonald toàn cầu, đưa Hàn Quốc trở thành nước có mật độ cửa hàng tiện lợi cao nhất thế giới, vượt qua cả Nhật Bản.
GS. Chang Woo Cheol chuyên ngành du lịch và công nghệ dịch vụ thực phẩm tại Đại học Kwangwoon ở Seoul nhận định: “Ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc nổi trội hơn với mật độ dày đặc và các chiến lược đổi mới”. Những cửa hàng này trở thành kênh bán lẻ thiết yếu, chiếm thị phần lớn thứ hai trong doanh số bán lẻ trực tiếp tại các cửa hàng trên toàn xứ kim chi.
Theo báo cáo năm 2020 của Deloitte Korea, công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu, các cửa hàng tiện lợi trở thành nơi “nuông chiều khách hàng với sự tiện lợi tối đa”. Các món ăn tại đây rất đa dạng, từ mì miso ăn liền đến các món ăn nhanh như kimbap và onigiri, cùng các bữa ăn chế biến sẵn.
Điểm đáng chú ý nữa là các cửa hàng này không chỉ bán thực phẩm và đồ uống mà còn cung cấp các dịch vụ như sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng. Tại một số điểm, khách còn có thể sạc xe điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế.
Để so sánh, ở Mỹ, cửa hàng tiện lợi thường đặt gần trạm xăng hoặc khu mua sắm nhỏ, hiếm khi nằm trong khu dân cư, một phần do quy định về phân vùng, trong khi tại các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, cửa hàng tiện lợi có mặt ở mọi góc phố, chưa kể nhiều khi có đến mấy cửa hàng của các công ty cạnh tranh nằm trên cùng một con đường.
GS. Chang nói: “Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ một ngày và đóng vai trò thiết yếu trong đời sống bận rộn của chúng tôi”. Ông cho rằng, ngành công nghiệp này của Hàn Quốc là “câu chuyện thành công toàn cầu”.
Nhu cầu ngày càng tăng
Theo GS Chang, quá trình đô thị hóa và sự thay đổi nhân khẩu học là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. Hơn 80% dân số Hàn Quốc sống ở thành phố, và số hộ gia đình chỉ có một người đang ngày càng tăng theo thời gian. Theo báo cáo năm 2021 của McKinsey, công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, khoảng 35% số hộ gia đình ở Hàn Quốc là người độc thân. Những người này thường mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến thay vì nấu ăn tại nhà.
Covid-19 cũng góp phần vào xu hướng này khi người dân thích mua sắm gần nhà hoặc trực tuyến hơn. Các công ty tranh thủ nhu cầu đó bằng cách mở thêm cửa hàng bên trong các điểm kinh doanh hoặc giải trí đã có. Chẳng hạn, Seoul đã có thêm cửa hàng tiện lợi bên trong các quán karaoke và trung tâm nghệ thuật của thành phố, theo báo cáo của Deloitte.
Các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc không chỉ phổ biến trong thực tế mà còn cả trên mạng xã hội, điều này phần nào phản ánh hiện tượng “làn sóng Hàn Quốc”. Trong hai thập niên qua, những gì Hàn Quốc xuất khẩu ra thế giới như K-pop, phim truyền hình và mỹ phẩm đã chinh phục đông đảo “thượng đế” toàn cầu. Giờ đây, sự chú ý bắt đầu dồn về những cửa hàng tiện lợi. Các video trên YouTube, TikTok và Instagram về cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc thu hút hàng triệu lượt xem.
Chị Jiny Maeng, người sáng tạo nội dung tại Úc, cho biết các video về chủ đề này của chị là nội dung được xem nhiều nhất với tổng số 76 triệu lượt xem trên YouTube và hàng triệu lượt xem khác trên TikTok và Instagram.
Chị Maeng nói: “Hàn Quốc đã trở thành một xu hướng… trên mạng xã hội. Tôi đoán đó cũng là lý do tại sao (các cửa hàng tiện lợi) lại nổi tiếng đến vậy, bởi vì mọi người bây giờ rất thích đến Hàn Quốc, và đó chỉ là một trong những địa điểm mơ ước mà mọi người muốn đến. Vì vậy, việc chứng kiến những video này trở nên phổ biến vượt trội trên mạng là một trải nghiệm thực sự thú vị đối với một người Hàn Quốc”.
Không chỉ bùng nổ ở thị trường nội địa, các công ty cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc như CU, GS25 và Emart24 đã mở rộng hoạt động ra các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Malaysia. GS Chang kêu gọi ngành này hãy tiếp tục mở rộng bằng cách tận dụng lợi thế của mạng xã hội và “sức ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc”.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/channel/5408/202407/vi-sao-han-quoc-dan-dau-ve-cua-hang-tien-loi-3978230/