Đang tải ...
  
Biết để khỏe Tin sức khỏe

Thứ hai, 21/07/2025, 15:00

Suy giảm thị lực, thính lực là dấu hiệu sớm của chứng mất trí nhớ

Những thay đổi ở giác quan như thính giác, thị lực, khứu giác, vị giác và xúc giác cũng có thể là dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ.

Nghe kém, nhìn mờ, không cảm nhận được mùi vị hay dễ té ngã là những dấu hiệu cho thấy não bộ đang gặp vấn đề - Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tiến sĩ Clive Thomas, bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở xứ Wales (Anh) cho biết, nhiều bệnh nhân làm tốt các bài kiểm tra trí nhớ nhưng vẫn nói rằng họ ''cảm thấy có gì đó không ổn''. Những thay đổi nhỏ trong cảm nhận, như khó nắm bắt thông tin, không còn làm được nhiều việc cùng lúc có thể là dấu hiệu đầu tiên.

Ông cũng là tác giả một cuốn sách mang tên A New Approach to Dementia, tập trung vào mối liên hệ giữa các giác quan và nhận thức. Theo ông, tổn thương các giác quan thường xảy ra trước khi trí nhớ suy giảm rõ rệt và có thể báo hiệu sự thay đổi trong não bộ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị suy giảm khứu giác có nguy cơ cao mắc sa sút trí tuệ. Mất khả năng ngửi, đôi khi là nếm có thể xuất hiện từ 5 đến 10 năm trước khi được chẩn đoán.

Duncan Boak – người sáng lập tổ chức SmellTaste tại Anh – chia sẻ: ''Mẹ tôi ngừng thích những món ăn bà từng yêu thích từ lâu trước khi chúng tôi nhận ra các dấu hiệu của sa sút trí tuệ". Việc kiểm tra khứu giác định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về thần kinh như Alzheimer hay Parkinson.

Hơn 60% người mắc sa sút trí tuệ ở mức trung bình đến nặng bị rối loạn cảm giác tiếp xúc. Họ có thể không cảm nhận được đau, lạnh, nóng hoặc áp lực cơ thể.

Điều này gây khó khăn khi mặc quần áo, đi lại, hoặc nhận biết cảm giác cần đi vệ sinh, dẫn đến tình trạng tiểu tiện không kiểm soát. Nguyên nhân là các vùng não xử lý cảm giác bị tổn thương, khiến người bệnh không phản ứng đúng với thông tin từ cơ thể.

Mất thính lực cũng là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Khi khả năng nghe kém, não phải cố gắng nhiều hơn để hiểu âm thanh, khiến khả năng ghi nhớ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người nghe kém thường ngại giao tiếp, dẫn đến cô lập xã hội, điều này càng làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Các chuyên gia khuyên mọi người nên kiểm tra thính lực, thị lực thường xuyên để kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị - Ảnh minh họa: Shutterstock.

Một số thay đổi về thị lực có thể xuất hiện từ rất sớm, trước cả khi có chẩn đoán chính thức. Ví dụ như nhìn màu sắc không rõ, bước hụt cầu thang, hay lạc đường dù đang ở nơi quen thuộc.

Ông David Knight - chuyên gia nhãn khoa, đồng tác giả cuốn sách A New Approach to Dementia - cho biết: ''Dù điều chỉnh thị lực không chữa được chứng sa sút trí tuệ, nhưng phát hiện và xử lý sớm có thể làm chậm sự suy giảm chức năng và cải thiện chất lượng sống''.

Tiến sĩ Thomas khuyến nghị mọi người nên thường xuyên kiểm tra thính lực, thị lực và chú ý đến những thay đổi nhỏ ở các giác quan. Đây sẽ là cơ hội để phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời.

Ông nhấn mạnh: ''Gần 50% yếu tố gây ra chứng sa sút trí tuệ có thể được thay đổi bằng lối sống lành mạnh. Nếu chúng ta chú ý hơn đến cảm giác và những điều cơ thể đang cố gắng nói với mình, chúng ta có thể làm chậm lại tiến trình của bệnh''.

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/suy-giam-thi-luc-thinh-luc-la-dau-hieu-som-cua-chung-mat-tri-nho-a1555562.html

Chia sẻ

Xem nhiều

9 cách giảm đau lưng nhanh chóng cho dân công sở khi phải ngồi cả ngày

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829