Thứ hai, 21/07/2025, 10:00
Lào phát hiện thêm 70 bức tượng Phật cổ tại tỉnh Champasak
Theo truyền thông Lào, 70 bức tượng Phật cổ mới được phát hiện tại tỉnh Champasak có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 17 hoặc 18, trong đó có 69 bức tượng được chế tác bằng bạc và một bức làm bằng vàng.
Các bức tượng Phật cổ mới được phát hiện ở tỉnh Champasak, Lào (Ảnh: Vientiane Times).
Theo nhà chức trách Lào, trong quá trình trùng tu ngôi chùa Vat Meuang Kang ở tỉnh Champasak (Nam Lào), các công nhân đã phát hiện một chiếc bình lớn chứa nhiều bức tượng Phật linh thiêng, được chôn dưới đất khoảng nửa mét.
Các chuyên gia khảo cổ Lào cho biết, khi nghiên cứu chiếc bình đã phát hiện một bộ sưu tập tượng Phật bao gồm 69 bức tượng được chế tác bằng bạc và một bức tượng làm bằng vàng. Các bức tượng có chiều cao từ 10 đến 18cm với chiều rộng lòng từ 3 đến 5cm, đều mô tả hai tư thế truyền thống trong đạo Phật là tư thế thiền định và tư thế chiến thắng.
Nghiên cứu ban đầu của các chuyên gia cho thấy các hiện vật này có niên đại từ thế kỷ 17 hoặc 18. Điều này phù hợp với ý nghĩa lịch sử của khu vực, bao gồm quần thể đền Vat Phou, một di sản thế giới được UNESCO công nhận có niên đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14.
Trước đó, năm 2024, các chuyên gia đã phát hiện và khai quật được hàng trăm bức tượng Phật cổ ở các tỉnh Bokeo và Xiengkhouang (Bắc Lào). Điều này cho thấy phần nào lịch sử văn hóa và tôn giáo phong phú của Lào.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nghiên cứu sâu hơn về những bức tượng Phật cổ này sẽ giúp hiểu rõ hơn về lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng của khu vực và mối liên hệ của nó với quá trình lịch sử của toàn vùng.
Tại Lào, Phật giáo được coi là tôn giáo chính, gắn liền với đời sống của người dân. Nhà chùa được coi là trường học giảng dạy giáo lý cho người dân để trở thành những người có ích cho xã hội. Ngay khi chào đời, đứa trẻ được bố mẹ đưa lên chùa lễ Phật, cầu phúc và nhờ sư đặt tên.
Khi đến tuổi đi học, cha mẹ lại gửi vào chùa để học giáo lý, kinh kệ, học cách ăn nói, đi đứng, học đạo lý làm người… Đến khi từ giã cõi đời, người dân Lào đều mong muốn xương cốt của mình được gửi vào chùa để được siêu thoát, bởi theo quan niệm của người Lào khi người ta chết đi tức là thuộc về cõi Phật, cõi chùa.
Chính những dấu ấn của Phật giáo trong đời sống văn hóa đã tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa nhà sư với người dân ở xứ sở Triệu Voi. Nếu như người dân chăm lo cho các nhà sư về đời sống vật chất, thì nhà sư là những người chăm lo cho người dân về đời sống tinh thần.
(Nguồn: baodongthap.vn)