Thứ sáu, 04/03/2022, 19:00
Hội chứng trầm cảm hậu Covid, không nên xem thường
Thời gian gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid-19, người trẻ mắc hội chứng trầm cảm tăng lên, trong số đó có người đã tự tử.
Bác sĩ đang tư vấn cho một bệnh nhân trầm cảm. Ảnh: I.T
Chuyên gia tâm thần - thần kinh, bác sĩ Nguyễn Trần Nguyên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hội chứng trầm cảm là rất nhiều, trong đó, phổ biến là do áp lực học hành, kinh tế sa sút, mâu thuẫn trong tình cảm (gia đình, tình yêu), bị lạm dụng tình dục, thay đổi môi trường sống… Đáng chú ý, từ sau dịch Covid-19, kể cả người không bị nhiễm cũng mắc hội chứng này.
“Người trong cuộc” nói gì?
Nguyễn Văn H. (36 tuổi, TP.Tân An, Long An) mắc Covid-19 nặng từ tháng 10/2021 và khỏi bệnh một tháng sau đó. Một tháng - khoảng thời gian quá dài đối với người bệnh và người thân trước lằn ranh sinh - tử quá mong manh. Mừng đó rồi lo đó, từ một người hoạt bát, hay nói hay cười thì H. lại là một con người hoàn toàn khác với những biểu hiệu của trầm cảm mà nặng nhất là mất khả năng kiểm soát hành vi khiến gia đình lo lắng.
“Ngày cũng như đêm, mắt nó cứ trao tráo nhìn bóng đèn nói chuyện một mình, nửa đêm la thất thanh rồi co rút lại trong góc nhà cứ như có ai đó đang uy hiếp mình. Có khi nó mất kiểm soát, đuổi đánh cả người thân. Sợ có chuyện không hay xảy ra, tôi đưa vợ con nó tạm lánh sang nhà người quen, mỗi ngày về thăm chỉ đứng từ xa nhìn vào. Lúc H. tỉnh táo, tôi có đưa con lên TP thăm khám, từ Tây y đến Đông y, bác sĩ cho thuốc uống nhưng không thuyên giảm”, bà Nguyễn Thị C, mẹ H. nói trong nước mắt.
Theo gia đình, trước khi mắc Covid-19, H. hoàn toàn khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình. Qua vài lần thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trước đó H. có dấu hiệu sang chấn tâm lý nhẹ nhưng không được nhận diện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Đến khi mắc Covid-19, áp lực về kinh tế gia đình, lo lắng sức khỏe của mình và người thân đã dẫn đến mất ngủ kéo dài, bệnh trở nặng hơn.
Trường hợp khác là H., thanh niên đã hai lần nhảy cầu Bình Lợi tự tử nhưng đều được cứu sống. Ở lần thứ hai, H. thừa nhận mình có thời gian dài trầm cảm, không kiểm soát được hành vi. Ông Ba Chúc (người có nhiều năm vớt xác và cứu người tự tử ở cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh) cho biết, theo lời H., nguyên nhân dẫn đến tự tìm đến cái chết là do dịch Covid-19 khiến anh thất nghiệp suốt hai năm. Từ một người có bằng cấp, có việc làm nhưng phải chạy xe ôm để kiếm sống, mặc cảm với bạn bè, xấu hổ với gia đình nên đã nghĩ quẩn, tìm đến cái chết để giải thoát”.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, hậu Covid-19, bệnh nhân không chỉ đối mặt với thân bệnh mà còn cả tâm bệnh. Trường hợp dưới đây đã vượt qua thân bệnh và tâm bệnh được cho là kỳ tích.
Nguyễn Văn T. (quận 5, TP.HCM) từng nghĩ đến cái chết sau khi được chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại TP.Thủ Đức. Trước đó, T. bị hôn mê gần 1 tháng tại bệnh viện Chợ Rẫy.
H. người hai lần tự tử đã được cứu sống. Ảnh: L.Phong
“Thời gian này tôi không có thông tin gì về người trong gia đình, không biết họ sống chết thế nào, nằm ở đâu. Lại thêm chứng kiến cảnh bệnh nhân mất, tôi không tài nào ngủ được. Nửa đêm tôi đi ra hành lang tìm nơi nhảy lầu tự tử nhưng đâu đâu cũng có hàng rào bảo vệ. Sau đó, được bác sĩ thông tin rằng mẹ tôi còn sống và phải ráng ăn uống mau khỏe để đón mẹ về. Họ còn bảo tôi bệnh nặng, chỉ sau bệnh nhân phi công người Anh mà được cứu sống là một kỳ tích. Lúc đó, tôi thấy quý những gì xung quanh mình, suy nghĩ của tôi dần tích cực lên."
T. trải lòng: “Trước quá nhiều thứ hỗn độn, đầu óc quay cuồng, thật tình lúc đó mình nghĩ chỉ có cái chết mới giải quyết tất cả mọi chuyện nhưng khi bình tâm lại thấy mình quá dại dột. Nhớ lại những ngày tháng ấy mình ám ảnh, nếu không có sự quan tâm, chia sẻ tinh thần từ mọi người, nhất là đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên thì mọi thứ với mình sẽ tồi tệ hơn”.
Nhận diện và can thiệp kịp thời
Gần đây, các vụ tự tử ở học đường cũng trở nên báo động. Tại TP.HCM, mới đây đã xảy ra vụ học sinh THPT nhảy lầu tự tử tại trường, rất may chỉ bị chấn thương phần mềm. Theo xác nhận của bạn bè, học sinh này sống với bà từ nhỏ và có dấu hiệu trầm cảm trước đó.
Trước vấn nạn tự tử ở người trẻ, có vụ xác định rõ nguyên nhân, cũng có vụ chưa xác định được. Để tránh bị tác động tiêu cực đến tâm lý, các chuyên gia khuyên người lớn cần chia sẻ, trò chuyện với con mỗi ngày, đồng thời, theo dõi để phát hiện các biểu hiện khác thường của họ.
Các biểu hiện của hội chứng trầm cảm nếu theo dõi sẽ dễ nhận diện như giảm chú ý, lời nói và hành động thể hiện sự không hợp tác, không muốn đến nơi đông người, mệt mỏi, chán nản... Khi phát hiện các biểu hiện này cần đưa người thân đến gặp bác sĩ để thăm khám, tư vấn và có phương pháp, liệu trình điều trị hợp lý.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nguyên khẳng định hầu hết các vụ tự tử đều có nguyên nhân trầm cảm nhưng chưa được nhận diện và can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả đau lòng.
“Dấu hiệu trầm cảm không dễ nhận diện bởi đây là hội chứng với rất nhiều triệu chứng. Khi nhận diện được nhưng không đưa đến bệnh viện, phòng khám tâm lý thăm khám, điều trị tâm lý cũng là nguyên nhân khiến trầm cảm nặng hơn. Có nhiều trường hợp, người nhà có những biểu hiện khác thường như rối loạn cảm xúc, mất hành vi… là hoảng sợ, không chia sẻ với ai mà tự can thiệp bằng cách nhốt vào phòng kín, không cho tiếp xúc với bên ngoài, kể cả người thân. Điều này cực kỳ nguy hiểm đối với tâm lý người đang có dấu hiệu về hội chứng trầm cảm, dễ khiến các biểu hiện nặng hơn”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
(Nguồn: Báo Giáo dục)