Thứ tư, 05/01/2022, 12:00
Phú Yên: Trồng 'rau nhà nghèo' trên đất xấu, nông dân có thu nhập tốt
Tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), người dân nơi đây thực hiện mô hình trồng rau muống được trồng trên diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả tại xứ đồng Hàn, thôn Bình Thạnh đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Khu đồng trồng rau muống ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) có diện tích khoảng hơn 5 ha. Rau muống ở đây được trồng chủ yếu là cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm. Những đọt non bà con có thể lựa ra và bán làm rau xanh cho con người.
Chị Lúc bên ruộng trồng rau muống của gia đình tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Chị Nguyễn Thị Lúc cho biết: trước đây, gia đình chị có 2 sào ruộng chuyện trồng cây lúa. Tuy nhiên, diện tích này hay bị thiếu nước và nhiễm phèn nên năng suất lúa rất bấp bênh...
Thường thì mỗi gia đình ở đây, đều có chăn nuôi thêm nên ai cũng dành ra một ít diện tích đất để trồng cây rau muống để phục vụ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cây rau muống phát triển tốt mà nhu cầu rau muống ở các địa phương lân cận ngày càng tăng.
Qua nhiều lần đi dự các lớp tập huấn và tuyên truyền của cán bộ xã, chị Lúc đã nhận thức được việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả nhằm ứng phó biến đổi khí hậu là điều thật sự cần thiết.
Vì thế, chị Lúc và nhiều hộ dân nơi đây đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây rau muống trên đất lúa kém hiệu quả. Ngoài ra, gia đình chị còn thuê thêm đất ruộng nữa để mở rộng diện tích trồng rau muống.
Các hộ dân trồng rau muống nơi đây đang cắt rau và xếp thành bó để kịp cung cấp cho mối sỉ. Sau khi thực hiện trồng loại rau "nhà nghèo" này nhưng mang lại năng suất hiệu quả ngoài trông đợi khiến bà con, ai cũng phấn khởi vì rau muống mùa này là tháng nắng nên được giá.
Chị Lúc cũng cho hay, hàng ngày cánh đồng này cung cấp cho mối sỉ trong xã và các xã lân cận tầm 4.000 bó rau muống đó là vào mùa nắng. Còn mùa mưa nhiều tháng 9, tháng 10 thì nhu cầu cao nhưng rau muống bị nước ngập úng nên không có đủ cung cấp ra thị trường mặc dù rau tăng giá có khi lên 4.000 đồng/bó.
Tầm vào tháng nắng thì một sào gia đình chị thu được 1000 bó rau muống/ lứa với giá 2.000 đồng/bó, tổng thu được khoảng 2.000.000 đồng cho một lần thu hoạch.
Cánh đồng rau muống tại xứ đồng Hàn, thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Rau muống rất dễ phát triển và chăm sóc chỉ tầm sau khoảng 20-25 ngày là đã cho thu hoạch lại tùy vào độ chăm sóc của mỗi hộ gia đình.
Một năm thường thu hoạch được khoảng 5-6 lứa rau muống trên một diện tích trồng. Bình quân một sào trồng rau muống thu được khoảng 10 triệu đồng/năm cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Nhưng, những diện tích vào tháng mưa ít bị ngập úng thì thu nhập lại cao hơn.
Thấy được thu nhập ổn định từ việc trồng rau muống nên nhiều hộ dân nơi đây đầu tư giếng khoan để thuận tiện cho việc bơm tưới vào lúc thiếu nước. Vì đủ nước nên rau muống vào tháng nắng luôn đủ số lượng để cung cấp cho nhu cầu thị trường.
Việc chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng rau muống là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, nhiễm phèn mà còn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Được biết, thời gian qua chính quyền xã An Ninh Tây cũng như các tổ chức đoàn, hội đã vận động, tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
Xã An Ninh Tây cũng tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm BVTV và Trạm Khuyến nông huyện Tuy An (Phú Yên) hỗ trợ kỹ thuật trên các loại cây trồng chuyển đổi nhằm góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
(Nguồn: Báo Gia Lai)