Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 11/03/2022, 10:00

Nông dân khấm khá nhờ nuôi con đặc sản

Bà Rịa Vũng Tàu - Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hội viên nông dân huyện Xuyên Mộc thời gian qua đã đầu tư, phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mô hình nuôi nai lấy nhung của cơ sở ông Lâm Quang Long (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho thu nhập 400 triệu đồng/năm.

Từ 5 cặp chim trĩ thời điểm mới nuôi cách đây 3 năm, ông Nguyễn Thanh Tân (ấp 7, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) hiện đã phát triển tổng đàn lên hơn 200 con. Cơ sở của ông cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp giống chim trĩ cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ cơ duyên đến với mô hình nuôi chim trĩ, ông Tân cho biết, năm 2019, khi Hội Nông dân huyện triển khai chương trình trồng cây, nuôi con đặc sản tại địa phương, ông lên mạng internet tìm hiểu và ấn tượng với mô hình nuôi chim trĩ, bởi loại gia cầm này có hình dáng và màu sắc khá bắt mắt. Sau khi tìm hiểu, ông dựng chuồng và mua 5 cặp chim từ Thanh Hóa và bắt đầu thực hiện mô hình nuôi chim trĩ.

Do chưa nắm đặc tính và môi trường sống của loại chim thay đổi nên ông Tân mới đầu nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kiên trì áp dụng các phương pháp khoa học, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, đàn chim trĩ của ông dần thích nghi với điều kiện sống và phát triển khỏe mạnh. Ở vụ nuôi đầu tiên, chỉ sau hơn 4 tháng nuôi, chim trĩ đã có trọng lượng từ 1,2-1,7kg và đến tháng thứ 6 thì bắt đầu đẻ trứng. Loại chim trĩ mỗi lần sinh sản khoảng 14-16 trứng/lứa, nhờ đó, chỉ sau 3 năm, từ 10 con giống, đàn chim trĩ đã tăng lên hơn 200 con.

Ông Tân phát triển mô hình với 2 hình thức vừa bán chim thịt và cung cấp giống. Trung bình mỗi năm ông xuất bán khoảng 3 lứa, mỗi lứa 200 con chim thịt, giá trung bình khoảng 190 ngàn đồng/kg. Còn đối với chim giống, ông xuất bán liên tục hàng tháng với số lượng từ 100-200 con, giá dao động 35-40 ngàn đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 120-150 triệu đồng.

Theo ông Tân, chim trĩ cũng tương đối dễ nuôi, chuồng trại không cần quá kiên cố nhưng phải bảo đảm an toàn, tránh để chim sổng ra ngoài. Thức ăn của chim trĩ giống như của gà, gồm: thức ăn công nghiệp, lúa, bắp và các loại rau màu. Thịt chim trĩ là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, ngon nên rất được ưa thích, nhờ đó, đầu ra sản phẩm khá ổn định. Hiện nay, gia đình ông Tân đang cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Còn ông Lâm Quang Long, chủ trại nuôi nai Ba Long, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cũng thành công với mô hình nuôi nai. Mày mò tìm hiểu về kỹ thuật nuôi nai qua mạng internet, sách, báo và thực tế các hộ đang nuôi ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, năm 2013, ông gom góp số vốn 200 triệu đồng và vay người thân mua 5 con nai. Đến nay, đàn nai đã lên đến 12 con với 7 con đực đang cho lấy nhung, 2 con cái sinh sản và 3 nai con. Trung bình mỗi con cho khoảng 3kg nhung nai/năm, có con đạt 5kg nhung/con/năm. Tổng đàn nai của gia đình ông mỗi năm cho khoảng 30kg nhung với giá bán trung bình khoảng 14 triệu đồng/kg nhung đã sơ chế. Sau khi trừ chi phí chăn nuôi, ông Long thu về 400 triệu đồng/năm.

Đến nay, cơ sở nuôi nai Ba Long của ông Lâm Quang Long đã gây dựng được thương hiệu, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua các sản phẩm nhung nai về dùng. “Nhờ nuôi nai mà gia đình tôi từ một hộ cận nghèo đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, kinh tế vững vàng ”, ông Long nói thêm.

Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, trong những năm gần đây, Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân các xã vận động các hội viên thực hiện các mô hình mới, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” nuôi con đặc sản để phát triển kinh tế. Riêng mô hình nuôi nai lấy nhung đã có 12 hộ nuôi với tổng đàn hơn 60 con.

“Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, các mô hình hiện mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Hội đang phối hợp cùng các hộ dân và địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân đàn trong thời gian tới”, ông Dậu cho biết.

(Nguồn: baobariavungtau.com.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829