Thứ ba, 21/11/2023, 10:30
Những bữa cơm tiếp sức cho trẻ vùng cao tới trường
Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường vùng cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để các em có điều kiện đến trường học tập.
Với các em học sinh vùng cao do đặc điểm địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hành trình đến trường của các em cũng gặp không ít gian nan, thử thách.
Để mang trí thức tới những bản làng xa xôi ấy, các cấp chính quyền tình Yên Bái quan tâm đặc biệt với giáo dục vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn, bằng nhiều chính sách nhân văn để hỗ trợ đối với các em học sinh nhất là học sinh bán trú tại các trường vùng cao để các em có điều kiện đến trường học tập. Từ đó, các huyện vùng cao duy trì được số lượng học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường của hai huyện vùng cao.
Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Bản Công, huyện Trạm Tấu, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông ở 5 thôn, bản của xã Bản Công. Thôn xa nhất cách trường cũng gần 20 cây số nên việc được hỗ trợ tiền ăn trưa, ăn tập trung bán trú tại trường đã tạo thuận lợi cho các em học sinh không phải đi lại nhiều, được nghỉ ngơi ngay tại trường, giúp các em có sức khỏe để học tập tốt hơn.
Em Mùa Thị Giang – Lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Bản Công, huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Ăn trưa ở trường có nhiều món, thịt gà, giò hay thịt lợn, ăn cơm ở trường ngon hơn ăn cơm ở nhà rất nhiều. Con rất thích đến trường và được ăn cơm ở trường”.
Đến giờ ăn trưa các em học sinh rất hào hứng, ăn ngon lành hết suất của mình.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Bản Công có 665 học sinh. Trong đó, có gần 100 em được hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung theo nghị quyết 38 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái. Đây là nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025 – 2026. Trong đó hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Bà Hà Thị Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Bản Công cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ các em học sinh mà tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đã tăng lên. Chúng tôi cảm thấy chính sách hỗ trợ cho các em rất thiết thực và hợp lý, khi các em đến trường chuyên cần chất lượng giáo dục của nhà trường đã được cải thiện.
Nếu như những năm trước đây, tỷ lệ chuyên cần của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Phình Hồ chỉ đạt khoảng 80% thì từ khi có nghị quyết số 38 hỗ trợ tiền ăn trưa cho các em học sinh, tỷ lệ này đã được nâng lên trên 98%. Hiện toàn trường có 424 học sinh, trong đó 231 em được hưởng chế độ bán trú theo nghị định 116 của Chính phủ và trên 200 em được hưởng chế độ theo nghị quyết 38 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Phình Hồ cho biết: Từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, tỷ lệ các em đến trường cao hơn rất nhiều, thường xuyên đạt trên 98%. Đặc biệt tỷ lệ học sinh đi học buổi sáng về nhà ăn trưa và nghỉ luôn buổi chiều không còn nữa.
Nhờ được hỗ trợ bữa ăn trưa mà tỷ lệ chuyên cần của các trường vùng cao đều được nâng lên.
Năm học 2023-2024 toàn huyện Trạm Tấu có trên 1.300 học sinh được hưởng chính sách theo Nghị quyết 38 với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng, trong đó học sinh tiểu học là 940 em, Trung học cơ sở là 379 em.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày theo Nghị quyết 38 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái là một chủ trương sát thực tế, giàu tính nhân văn, tạo sự công bằng, giúp các em học sinh là người dân tộc thiểu số, con em hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn.
Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương vùng cao, góp phần giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi, hướng tới phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.
(Nguồn: Tài Nguyên và Môi Trường).
Link gốc: https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/nhung-bua-com-tiep-suc-cho-tre-vung-cao-toi-truong-365930.html