Đà Nẵng - Từ tờ mờ sáng, trong cái lạnh thấu da, chưa kịp thấy người, tôi đã nghe phía trước vang lên tiếng “xoèn xoẹt” khuất sau những tảng đá cao khi chỉ vừa đặt chân đến ghềnh đá Nam Ô. Đó là khung cảnh nghề hái rong biển của người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Một tháng trước Tết Nguyên đán hằng năm, người dân làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) lặn lội ra các ghềnh đá ở chân núi Hải Vân hay chèo thuyền đến chân núi Sơn Trà để hái rong (mứt) biển. Theo người dân làng này, nhiều vùng biển ở các tỉnh trên cả nước cũng có món mứt biển, tuy nhiên, ở Nam Ô mứt biển được cho là ngon nhất bởi từng được dùng là món ăn tiến vua. Người dân Nam Ô gọi mứt biển chính là lộc trời bởi mỗi ngày đi hái rong mứt có thể kiếm được tiền triệu.
Khoảng 5 giờ sáng, nhiều người đã tập trung tại ghềnh đá Nam Ô để bắt đầu cạo rong biển (người địa phương gọi là mứt). Thời điểm đầu mùa, có người đi làm từ lúc 2 giờ sáng.
Tiếng xoèn xoẹt được phát ra khi người dân liên tiếp dùng mảnh kim loại cạo phần rong đang dính chặt trên đá.
Càng ra ngoài xa, người dân càng thu hoạch được nhiều rong. Lúc này, họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn khi những con sóng có thể dâng cao bất cứ lúc nào.
Mùa rong kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch. Thời điểm đầu mùa, rong dài (giá bán 200.000 đồng/ký). Đến cuối mùa, rong ngắn (giá bán giảm còn 150.000 đồng/ký).
Người cạo rong phải đối mặt với những con sóng lớn. Vừa cạo, họ vừa quan sát đợt dâng của những con sóng, thỉnh thoảng lại hô vang “Sóng lên, sóng lên” để thông báo cho những người xung quanh.
Người cạo rong phải ngâm mình dưới làn nước lạnh nhiều giờ liền.
Dụng cụ cạo rong gồm: bao tay, mảnh kim loại cán mỏng, vợt lưới để chứa rong.
Trong lúc chờ các tàu cá của ngư dân vào bờ, tranh thủ trước buổi chợ, bà Huỳnh Thị Hai (sinh năm 1962, áo đỏ) và bà Bùi Thị Đa (sinh năm 1961, áo xanh) đã đến ghềnh đá cạo rong từ sớm, lúc này nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 20 độ C.
Bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1959), người có kinh nghiệm với nghề cạo rong cho biết, nghề này tuy mang lại thu nhập khá nhưng đi cùng với đó là sự nguy hiểm. “Đá ở đây rất trơn, nếu mình không cẩn thận hoặc không có kinh nghiệm thì có thể trượt chân bất cứ lúc nào. Chưa kể lúc sóng dâng, chạy không kịp là bị cuốn ra xa ngay”, bà Thuận chia sẻ.
Thời gian này, trung bình mỗi buổi sáng, bà Thuận thu hoạch được 2 ký rong biển. Rong sau đó được bà mang về nhà và bán cho những bạn hàng đã đặt trước.
Dù công việc vất vả nhưng bà Thuận vẫn luôn giữ sự lạc quan và vui vẻ. Vì công việc này giúp bà có thêm nguồn thu nhập khi đã lớn tuổi.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/anh-va-video/202212/loi-nuoc-chay-song-cao-rong-giua-troi-dong-3933315/