Thứ ba, 30/11/2021, 07:00
Đường “đắng”
2020-2021 là năm khó khăn chung của ngành mía đường. Khó khăn không chỉ vì Covid-19 mà còn do lượng nhập khẩu lẫn nhập lậu vào Việt Nam ngày càng tăng.
Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong niên vụ 2020-2021, người nông dân không mặn mà với cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Diện tích trồng mía đã giảm 19,83% so với vụ trước. Thậm chí có những vùng trồng mía bị xóa sổ.
Không ít doanh nghiệp, cũng lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ tiền thuế, tiền lương, BHXH cho công nhân và tiền thu mua mía của người nông dân. Số lượng các nhà máy bị đóng cửa ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 10, đã có tới 17 nhà máy mía đường bị phá sản.
Diện tích trồng mía đã giảm 19,83% so với vụ trước.
Nghịch lý là trong khi nông dân “ngãng” ra với cây mía, doanh nghiệp nếm vị đắng sản xuất đường thì thị trường tiêu thụ vẫn được cho là mảnh đất mang vị ngọt cho đường nhập khẩu cũng như đường nhập lậu tấn công. Mặc dù Bộ Công Thương đã có chính sách chống bán phá giá và qua đó giúp các nhà máy tăng giá thu mua mía, hỗ trợ cho quyền tự chủ trên sân nhà của nhà nông và doanh nghiệp nhưng càng về cuối năm, tình trạng đường “quá giang” từ Thái Lan, Malaysia… và nhiều nguồn khác đến Việt Nam vẫn tăng.
Cùng với đó cuối tháng 9 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2171 về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, còn doanh nghiệp mía đường nội chỉ biết trông chờ vào “thái độ” yêu hàng Việt của người Việt?
(Nguồn: Diendandoanhnghiep.vn).