Thứ bảy, 05/07/2025, 08:50
Vì sao châu Âu không chuộng điều hòa?
Dù thuộc nhóm những nền kinh tế giàu nhất thế giới, phần lớn người dân châu Âu vẫn sống qua mùa hè mà không có điều hòa. Nguyên nhân được lý giải bắt nguồn từ các yếu tố như lịch sử, văn hóa, thói quen và cả vì luật lệ.
Một trong những lý do chính khiến người châu Âu không mặn mà với điều hòa không khí là yếu tố văn hóa và lịch sử. Không giống Mỹ, nơi điều hòa trở thành tiêu chuẩn sống từ giữa thế kỷ 20, châu Âu có truyền thống lâu đời trong việc sống chung với thời tiết mùa hè, kể cả trong những đợt nắng nóng cực đoan.
CNN dẫn lời chuyên gia Brian Motherway, Giám đốc Văn phòng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi toàn diện của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho rằng, khí hậu ôn hòa kéo dài hàng thế kỷ đã hình thành thói quen và tâm lý chấp nhận cái nóng theo mùa.
Với nhiều người dân, đặc biệt ở Nam Âu, việc chống nóng bằng cách kéo rèm, nghỉ trưa, mặc đồ nhẹ và thay đổi sinh hoạt giờ giấc là những giải pháp truyền thống, ít tốn kém mà họ đã tin dùng qua nhiều thế hệ. Thậm chí, những thành phố như Seville (Tây Ban Nha) hay Rome (Ý) vẫn sử dụng cách làm mát tự nhiên như tường dày, cửa chớp và thông gió chéo để giảm nhiệt mà không cần máy lạnh.
Tư duy “chịu đựng” cái nóng được xem như một phần của nhịp sống mùa hè. Trang MotherJones trích một khảo sát năm 2021 do OpinionWay thực hiện cho thấy gần 2/3 người được hỏi không có kế hoạch mua điều hòa, viện dẫn lý do chính là chi phí năng lượng cao và lo ngại về môi trường. Không ít người còn bày tỏ quan điểm rằng điều hòa là “không khí giả tạo”, “gây khô, nhức đầu, dễ ốm”, một cảm giác khó chịu khi phải bước từ không gian ngoài trời với nắng nóng 35°C vào không gian đóng kín lạnh 23°C.
Không chỉ tư duy văn hóa, phần lớn hạ tầng nhà ở tại châu Âu, đặc biệt tại các khu đô thị, đơn giản là không “hợp” với máy điều hòa. Theo MotherJones, trên toàn châu Âu, hơn 50% nhà ở được xây trước năm 1970, thời điểm mà điều hòa chưa từng là một yếu tố được tính đến trong thiết kế.
Những căn hộ kiểu cũ với tường đá dày, sàn gạch lạnh và cửa sổ nhỏ vốn được thiết kế để giữ nhiệt vào mùa đông và chống nóng vào mùa hè. Chúng tận dụng giải pháp làm mát thụ động như thông gió chéo và bóng râm tự nhiên. Ở các thành phố như Madrid hay Athens, hiếm có tòa nhà nào không gắn cửa chớp bên ngoài, một chi tiết nhỏ nhưng góp phần đáng kể trong việc ngăn bức xạ mặt trời xuyên qua cửa kính.Tuy nhiên, chính di sản kiến trúc đó lại khiến việc lắp đặt điều hòa trở nên phức tạp. Việc khoan tường dày, lắp dàn nóng bên ngoài có thể bị cấm trong các khu phố bảo tồn hay công trình di sản.
Chi phí lắp đặt cũng là rào cản lớn. So với Mỹ, nơi điện giá rẻ và thu nhập cao hơn, giá điện tại châu Âu có thể cao gấp đôi hoặc gấp ba. Tại Đức năm 2016, giá điện bán lẻ cao gấp 3 lần so với bang Texas. Ngay cả khi điều hòa hiện đại hơn, tiêu thụ ít điện hơn, nhiều người vẫn thấy “không đáng” đầu tư chỉ để dùng vài tuần mỗi năm.
Thêm vào đó là các chính sách môi trường khắt khe. Liên minh châu Âu đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nên các quốc gia thành viên ít khuyến khích việc phổ biến thiết bị tiêu thụ nhiều điện như máy lạnh. Tại Tây Ban Nha, nhiệt độ điều hòa tại nơi công cộng được yêu cầu giữ ở mức không thấp hơn 27°C để tiết kiệm năng lượng.
Với cấu trúc đô thị dày đặc, châu Âu còn đối mặt với hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”, tức là khi các dàn nóng điều hòa cùng lúc xả nhiệt ra không gian công cộng, khiến nhiệt độ ngoài trời càng tăng cao. Euronews dẫn nghiên cứu tại Paris cho thấy, nếu tất cả các tòa nhà bật điều hòa ở 23°C trong đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài đường phố vào ban đêm có thể tăng thêm tới 2,4°C.
Một điều đáng chú ý là nhiều kiến trúc sư châu Âu vẫn ưu tiên giải pháp “thiết kế trước công nghệ”. Quy định xây dựng mới tại Anh công nhận thiết kế căn hộ thông gió chéo như tiêu chuẩn hợp pháp và yêu cầu các công trình chứng minh đã “áp dụng mọi biện pháp thụ động để hạn chế hấp thụ nhiệt mặt trời” trước khi lắp đặt hệ thống làm mát cơ học. Điều hòa, trong cách nghĩ này, là lựa chọn cuối cùng chứ không phải là mặc định.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/vi-sao-chau-au-khong-chuong-dieu-hoa-3265005.html