Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Giao thông

Thứ hai, 20/03/2023, 14:00

'Ðỏ mắt' tìm vật liệu san lấp đường cao tốc đồng bằng

Chỉ tính 4 dự án cao tốc trọng điểm ở vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2025 cần tới 47,81 triệu m3 cát đắp nền; trong đó 3 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản đã cơ bản có nguồn cát để triển khai. Riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn thiếu hơn 15 triệu m3 cát đắp nền, khiến chính quyền địa phương và các đơn vị thi công như ngồi trên lửa…

Các sà lan vận chuyển cát trên địa bàn Tiền Giang, cung ứng cho các công trình giao thông, xây dựng…

Thiếu  cát

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các tỉnh ÐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp mở rộng các quốc lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 112.600 tỉ đồng. Trong số này, 8 dự án cao tốc phải đảm bảo cơ bản hoàn thành giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, nâng độ dài của đường cao tốc ở vùng ÐBSCL lên 554km, đáp ứng sự mong chờ nhiều năm của người dân đồng bằng.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay: "Từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc ở ÐBSCL đồng loạt triển khai, kéo theo nhu cầu vật liệu cát đắp nền vô cùng lớn. Cụ thể, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110km cần khoảng 18,5 triệu m3 cát; cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 189km cần 23,8 triệu m3 cát; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài hơn 27km cần 2,43 triệu m3 cát; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài hơn 26km cần hơn 3 triệu m3 cát; tổng nhu cầu của 4 dự án cao tốc trên cần khoảng 47,81 triệu m3 cát - một con số rất lớn".

Cũng theo Bộ GTVT, đến nay ở ÐBSCL đã cấp 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3). Ðiều lo ngại là qua khảo sát thì trữ lượng cát san lấp còn lại chỉ khoảng 37 triệu m3, trong đó một số giấy phép đã hết hạn, một số giấy không được gia hạn; đồng thời có nhiều mỏ cát chất lượng không đáp ứng yêu cầu về đắp nền đường… đây là vấn đề rất khó trong thời điểm cần nhiều cát cho dự án cao tốc.

Khi các đơn vị chuyên môn khảo sát tại 24 mỏ cát ở ÐBSCL có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn san lấp; đề xuất tăng công suất khai thác của các mỏ này thêm 50% trong 2 năm nhằm thêm 6,17 triệu m3 cát. Toàn bộ số cát này dành cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu trầm trọng hiện nay, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Trước tình hình cấp bách trên, Bộ GTVT đã chủ động làm việc với các tỉnh ÐBSCL để tìm giải pháp về nguồn vật liệu san lấp càng nhanh càng tốt.

Trong tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 cát của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì đề nghị UBND tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Ðồng Tháp bố trí 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3; song đến giờ này các địa phương có chủ trương bố trí vỏn vẹn 3 triệu m3 (bằng 16% nhu cầu dự án, còn thiếu hơn 15 triệu m3; trong đó An Giang hứa cấp 1,1 triệu m3, còn Ðồng Tháp hứa cấp 1,9 triệu m3, phía Vĩnh Long đang xác định mỏ cát để hỗ trợ dự án).

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, bộc bạch: "Nguồn cát trên địa bàn ngày càng giảm, cộng với tình trạng sạt lở phức tạp nên địa phương tăng cường kiểm soát việc khai thác. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết về cát để làm đường cao tốc thì tỉnh sẽ nỗ lực tìm nguồn bố trí".

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lo lắng, sau khi khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào đầu năm 2023  nhà thầu và các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện. Ðến nay, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng đạt 89%, hiện có 9 mũi đang triển khai thi công với 63 đầu xe; còn dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao mặt bằng hơn 88%, hiện có 32 mũi thi công với 91 đầu xe. Cái khó là vật liệu cát san lấp thiếu trầm trọng, một số đoạn đào xong nhưng không có cát để đắp nền ảnh hưởng  tiến độ dự án… 

Gấp rút triển khai nhiều giải pháp

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay: "Ở vùng ÐBSCL, ngoài An Giang và Ðồng Tháp thì 9 tỉnh khác đang được cấp 30 giấy phép thăm dò các mỏ với tổng trữ lượng đất và cát khoảng 39 triệu m3. Số lượng này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho những dự án cao tốc của vùng, nếu các địa phương cùng nhau thống nhất hỗ trợ theo tinh thần ưu tiên đường cao tốc. Vấn đề lúc này là cân đối chính xác tiến độ khai thác toàn vùng và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, điều tiết trên cơ sở trữ lượng cát của từng địa phương để cung ứng một cách hợp lý".

Cũng theo Bộ TN&MT, qua thăm dò cho thấy trữ lượng đất ở Long An là khoảng 34 triệu m3 có thể làm vật liệu đắp nền, song việc này cần Bộ GTVT thẩm định về yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các mỏ đá ở An Giang và nguồn cát biển ở Trà Vinh, Sóc Trăng theo quy hoạch với trữ lượng khoảng 13,9 tỉ m3…

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thông tin: "Tỉnh đã cấp 6 giấy phép khai thác mỏ đá, với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Nhìn chung mỏ đá ở An Giang khá nhiều nhưng quan điểm của tỉnh là không khai thác quá mức nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan. Dù vậy, trước bối cảnh cần vật liệu đắp nền hiện nay và nếu các đơn vị chuyên môn cần tới đá phục vụ cho dự án cao tốc thì tỉnh sẽ tính toán hỗ trợ hợp lý.

Ðối với những mỏ cát, hiện tỉnh cấp 15 giấy phép, với tổng trữ lượng 19 triệu m3; trong đó ưu tiên cung cấp cho dự án trên địa bàn tỉnh và bố trí hơn 9 triệu m3 của dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tới đây, An Giang sẽ nâng công suất khai thác tại các mỏ đang hoạt động, tính toán cấp phép cho các mỏ mới, xem xét các mỏ dự phòng…Tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ đánh giá những tác động nếu khai thác quá nhiều trong thời gian ngắn…".

Bí thư Tỉnh ủy Long An, Nguyễn Văn Ðược cho rằng, với trữ lượng đất của tỉnh khá dồi dào chủ yếu phục vụ các công trình của địa phương và sản xuất gạch…Vì vậy, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ đất cho dự án cao tốc…

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua Chính phủ rất quan tâm đến nguồn vật liệu san lấp để đảm bảo các dự án cao tốc ở ÐBSCL triển khai thông suốt. Hiện tại, sau khi nắm tình hình về nguồn cát sông, cát biển, mỏ đá và đất, thì thừa sức cung cấp cho 4 dự án cao tốc của ÐBSCL, nếu các địa phương cùng chung sức, cùng chia sẻ.

"Ðây là những công trình quan trọng, mang tính liên kết vùng; vì vậy nếu tỉnh nào không có cao tốc đi qua thì cũng cần chia sẻ nguồn vật liệu, bởi đây là nhiệm vụ chung…", Phó Thủ tướng lưu ý  Bộ GTVT đánh giá tiêu chuẩn của cát biển, đất và đá trong việc san lấp nền đường cao tốc đảm bảo yêu cầu ra sao, cần sử dụng bao nhiêu là đạt tiêu chuẩn; đồng thời lập biểu đồ chi tiết nhu cầu cần vật liệu san lấp cho từng năm bao nhiêu, loại gì…Bộ TN&MT nắm chắc lại trữ lượng những mỏ cát sông, cát biển, mỏ đá và đất ở ÐBSCL; sau đó phân bổ thời gian khai thác hợp lý theo nhu cầu của các dự án cao tốc…

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/-o-mat-tim-vat-lieu-san-lap-duong-cao-toc-dong-bang-a157617.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Vietnam Airlines Group tăng thêm hơn 650.000 chỗ dịp Tết

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829