Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 17/03/2023, 15:00

Cuộc sống đổi thay nhờ lục bình

Đồng Nai - Nhiều năm trở lại đây, nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu từ lục bình làm các sản phẩm đan lát nên đời sống của người dân ven sông La Ngà (H.Định Quán) ngày càng đổi thay.

Trong suốt nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Thao và chị Đinh Thị Hoa (ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) vẫn gắn bó với nghề đan lục bình. Ảnh: T.Tâm.

Đến khu vực xã La Ngà và xã Phú Ngọc (H.Định Quán) vào những ngày giữa tháng 3/2023, không khó để bắt gặp nhiều người dân cắt tỉa, phơi và đan lục bình thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đem bán. Vào mùa nắng nóng, lục bình được phơi đầy ở các khoảng sân trống, ở trên đường đi và tận cả những mé sông.

“Hóa kiếp” lục bình

Lục bình vốn được xem là loài cỏ dại xâm lấn gây hại cho đất và chiếm diện tích mặt nước. Thế nhưng, những năm trở lại đây, lục bình đã “hóa kiếp” và trở thành món quà thiên nhiên ban tặng để giúp cuộc sống của người dân vùng ven sông La Ngà được sung túc, no đủ hơn.

Từ tờ mờ sáng, cha con ông Trần Văn Phú (ngụ xã Phú Ngọc) chèo chiếc ghe nhỏ ra sông rồi nhanh tay cắt từng cây lục bình bỏ lên ghe, đem lên bờ phơi khô và bán kiếm tiền. Nhìn sự nhanh nhẹn, thành thạo khi cắt lục bình của cha con ông Phú, có thể thấy ông đã sống với nghề cắt lục bình nhiều năm nay. Dù quần áo đã ướt sũng và những giọt mồ hôi nhễ nhại nhưng tiếng nói chuyện vẫn rôm rả, xua tan bao mệt mỏi…

Người dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) cắt lục bình về phơi khô để bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: T.Tâm.

Ông Phú kể, từ ngày lục bình được thương lái thu mua thì cha con ông đợi đến khoảng tháng 2, tháng 3 là bắt đầu đi cắt lục bình đem về bán. Sở dĩ phải đợi tháng 3 vì lúc này lục bình bắt đầu trưởng thành, có độ dài khoảng 50-60cm, đảm bảo được chất lượng thân tốt nhất, đẹp nhất. Mỗi ngày, tranh thủ vào buổi sáng, cha con ông Phú có thể kiếm được từ 150-200 ngàn đồng.

Tương tự, chị Trần Thị Mai (ngụ xã La Ngà) cũng tranh thủ vào mỗi buổi sáng một mình chèo chiếc ghe nhỏ cắt từng bó lục bình đem lên phơi. Mọi khoảng trống trước sân và những vệ đường đều được chị tận dụng để phơi lục bình. Mặc cho cái nắng cháy da nhưng chị vẫn cố gắng phơi cho xong những bó lục bình đã cắt. Theo chị Mai, lục bình cắt lên nếu không kịp phơi sẽ dễ bị mốc, hư, không bán được. Cứ 10-12kg lục bình tươi sẽ phơi được 1kg lục bình khô đem bán. Mỗi ngày nếu cố gắng thì chị Mai có thể kiếm được hơn 100 ngàn đồng từ việc cắt lục bình.

“Nhờ có lục bình, cuộc sống của gia đình tôi có thêm khoản thu nhập nuôi con ăn học. Nghề cắt lục bình cũng chỉ được mùa tháng 2-3 rồi sau đó nước xuống, lục bình tự chết. Đến khoảng cuối năm thì lục bình lại bắt đầu trôi dạt về vùng đất này và chen chúc nhau mọc lên thành từng mảng lớn. Đợi khi lục bình đủ cao, đạt chất lượng thì cắt bán” - chị Mai cho hay.

Tạo việc làm, thu nhập ổn định

Cơ sở Tuyết Yến (xã Phú Ngọc) của ông Trần Hoàng Yến là một trong những cơ sở đầu tiên thu mua lục bình trong khu vực để đan thành sản phẩm đem bán cho các công ty xuất khẩu sang nước ngoài từ năm 2002. Lúc trước thấy người dân địa phương nhàn rỗi nhiều, không có nghề nghiệp ổn định, trong khi cứ mùa nước nổi, lục bình lại nhiều nên ông tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để làm thử và hình thành nên cơ sở đan các sản phẩm từ lục bình khô.

Lục bình là nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, chúng trôi trên sông và tự đến đây tấp vào, sinh trưởng. Trước đây, để nguồn nguyên liệu được ổn định, ông Yến từng nghĩ đến việc trồng lục bình. Thế nhưng, do con nước lên xuống thất thường nên việc trồng lục bình gặp nhiều khó khăn và không đạt chất lượng. Từ đó, nguồn nguyên liệu lục bình đều dựa vào sự ưu ái của thiên nhiên.

Tận dụng điều này, ông đã tìm nơi thu mua các sản phẩm đan lát từ lục bình. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, hiện cơ sở của ông Yến đã có 7 đại lý cấp dưới và tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ nhàn rỗi với nguồn thu nhập từ 3-8 triệu đồng/tháng/người.

Ông Trần Hoàng Yến (ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) đã làm nghề thu mua lục bình và một số nguyên liệu từ thiên nhiên để đan thành các sản phẩm bán cho các công ty xuất khẩu. Ảnh: T.Tâm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao (ngụ xã Phú Ngọc) là một trong những người tham gia ngay từ khi hình thành nghề đan lát lục bình. Bàn tay của bà Thao khéo léo luồn những sợi lục bình khô thành hình hài của một chiếc giỏ rất chuyên nghiệp. Dù đôi mắt không còn tinh tường và đôi tay không còn khỏe mạnh như thời đôi mươi nhưng mỗi chiếc giỏ bà Thao đan đều rất đẹp mắt. Bất kể mẫu mã nào mới ra, bà Thao đều có thể dễ dàng làm theo và chỉ lại cho những người thợ khác cùng đan.

Bà Thao kể lại, lúc trước bà chỉ làm nội trợ, nhưng từ khi biết ông Yến thuê người về dạy đan lát thì bà đến tham gia. Miệt mài học hỏi đến khi thành thạo thì bà xin nhận hàng từ cơ sở của ông Yến để về nhà bắt đầu đan lát kiếm tiền. Không chỉ là một người thợ lành nghề, bà Thao còn dạy nhiều lớp đan lát ở các địa phương khác nhau. Với sự cần mẫn, khéo léo của mình, bà Thao trở thành một trong những thợ đan lát có tay nghề tốt nhất, thu nhập cao nhất vùng.

“Lúc đầu tôi chỉ đến nhận hàng đem về nhà đan nhưng những năm gần đây, ông Yến biết tôi tuổi cao nên thuê đến nhà chủ yếu dạy những chị em mới tập đan lát, kiểm hàng hoặc sửa lại những sản phẩm chưa đạt chất lượng. Tôi càng đan càng thấy thích nên không biết mệt mỏi. Nhờ đó cũng có thêm thu nhập để khỏi phụ thuộc vào con cái”, bà Thao cho hay.

Thoăn thoắt kéo sợi, chiết keo, rồi lại cắt dây, chị Đinh Thị Hoa (ngụ xã Phú Ngọc) cho biết đã làm nghề đan lát cả chục năm nay và nhờ nghề này chị có thể nuôi được 2 con ăn học.

Chị Hoa kể lại, khoảng 13 năm trước, chị theo chồng từ Quảng Bình vào Đồng Nai sinh sống và lúc đó chưa có nghề nghiệp. May mắn sau khi tham gia học một khóa đan lát thì chị vừa ở nhà chăm lo gia đình, vừa nhận hàng lục bình về làm thủ công. Lâu dần trở thành thợ lành nghề và có thu nhập ổn định. Theo chị Hoa, nhờ có lục bình mà cuộc sống gia đình chị và nhiều người dân địa phương đã có sự thay đổi. Những người không khéo léo và có sức khỏe tốt thì họ đi cắt lục bình, còn chị em phụ nữ nội trợ, những người lớn tuổi sẽ nhận lục bình về đan lát, tranh thủ mọi lúc kiếm tiền. Nếu siêng năng thì mỗi người cũng có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Lục bình từ một cây mọc hoang dại lại trở thành nguồn sống cho người dân. Nó không chỉ giúp cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn tạo ra các sản phẩm hoàn toàn bằng thiên nhiên, giúp bảo vệ môi trường một cách bền vững.

(Nguồn: baodongnai.com.vn)

Link gốc: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202303/cuoc-song-doi-thay-nho-luc-binh-3160403/

Chia sẻ

Xem nhiều

Bheem, con trâu giá 70 tỉ đồng

Mật ngữ nghề biển

Giữa trưa, bầu trời Yên Bái đen kịt như nửa đêm

Miền Tây nước ngọt không còn dồi dào

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829