Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ ba, 14/01/2025, 12:00

Xuất hiện chiêu lừa đảo mới để chiếm tiền trong tài khoản

Chiêu thức mới của tội phạm là đăng nhập sai mật khẩu nhiều lần vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân khiến tài khoản bị khóa. Sau đó chúng giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu nạn nhân vào đường dẫn (link) và làm theo hướng dẫn để mở khóa tài khoản, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Anh T.T.N. (TP Thủ Đức, TPHCM) kể: tối 11/1, ứng dụng (app) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên điện thoại của anh bỗng hiện thông báo: “Quý khách đã nhập sai mật khẩu quá 5 lần”. Vài phút sau, anh nhận được cuộc gọi của người xưng là nhân viên Vietcombank, thông báo tài khoản của anh đã bị khóa do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

“Nhân viên” này kết bạn qua Zalo và gửi cho anh một đường link, yêu cầu anh làm theo hướng dẫn để có thể mở khóa tài khoản. Anh bấm vào đường link và làm theo hướng dẫn, thậm chí cung cấp cả mã OTP. Liền đó, “nhân viên” này buông những lời lẽ thô tục do khi thấy trong tài khoản không có tiền. Đến lúc này, anh N. mới biết mình đã bị kẻ xấu mạo danh nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Kẻ lừa đảo đang dùng thủ đoạn nhập sai mật khẩu nhiều lần khiến tài khoản ngân hàng của người dùng bị khóa để lừa đảo - Ảnh: T.H.

Chị Ngọc Vy (quận 7, TPHCM) cũng bị lừa với hình thức tương tự. Chị kể, do bán hàng online nên chị công khai số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội để người mua hàng chuyển tiền. Ngày 6/1, dù không truy cập ứng dụng ngân hàng, chị vẫn nhận tin nhắn báo “tài khoản bị khóa do sai mật khẩu quá số lần cho phép”. Liền đó, chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là “nhân viên ngân hàng”, thông báo tài khoản bị khóa, cần truy cập vào link để được hỗ trợ khôi phục tài khoản. Tuy nhiên, khi người này yêu cầu cung cấp mã OTP, chị nghi ngờ và dừng thao tác.

Chị nói: “Trước đây, tôi từng bị chiếm quyền sử dụng tài khoản do truy cập vào link và làm theo hướng dẫn của một người tự nhận là khách mua hàng, sau đó tiền trong tài khoản bị chuyển mất hơn 10 triệu đồng. Lần đó lo sợ có thể mất thêm nên tôi chủ động đăng nhập ứng dụng ngân hàng, cố tình nhập mật khẩu sai 5 lần để tài khoản bị khóa nhằm giữ lại tiền trong tài khoản, không để bị mất thêm. Không ngờ bây giờ, tội phạm lại dùng cách này để lừa đảo”.

Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - các chiêu thức nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng đang ngày càng trở nên tinh vi. Chiêu thức làm cho tài khoản bị khóa rồi giả danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu nạn nhân vào link thực hiện các bước mở khóa chỉ mới xuất hiện gần đây.

Theo ông, dù chiêu thức có thay đổi nhưng tựu trung vẫn là dẫn dắt nạn nhân truy cập vào link lạ rồi chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại và tài khoản ngân hàng. Khi truy cập link lạ, tải ứng dụng lạ thì mã độc sẽ xâm nhập vào điện thoại, âm thầm đánh cắp thông tin đăng nhập, mã OTP, dùng chính gương mặt của nạn nhân để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân.

Theo đại diện Vietcombank, thời gian qua, một số khách hàng của Vietcombank đã bị kẻ xấu dụ cài đặt ứng dụng giả mạo rồi chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Đại diện Vietcombank khẳng định, nhân viên ngân hàng không bao giờ gọi điện thoại yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng, cung cấp mã OTP. Các phòng giao dịch, chi nhánh Vietcombank chỉ hỗ trợ khách hàng mở khóa tài khoản trực tiếp tại quầy giao dịch và yêu cầu mang theo căn cước công dân để làm thủ tục.

Vietcombank khuyến cáo, khách hàng cần đặc biệt cảnh giác khi nhận được cuộc gọi thông báo yêu cầu cài đặt các ứng dụng; chỉ cài đặt ứng dụng từ kho ứng dụng App Store trên hệ điều hành iOS và Play Store trên hệ điều hành Android; tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ các link được gửi qua SMS, Zalo, Viber và các phần mềm tin nhắn. Nếu phát hiện các dấu hiệu lạ trên điện thoại như màn hình màu đen, có thông báo ứng dụng đòi quyền truy cập, xuất hiện app lạ trên điện thoại, máy chạy chậm, nóng, nhanh hết pin... thì phải khôi phục cài đặt gốc cho điện thoại ngay. Khách hàng nên cập nhật ứng dụng Vietcombank phiên bản mới nhất và cập nhật sinh trắc học để tăng cường bảo mật.

Ra mắt nhận diện ứng dụng chính thức của Chính phủ

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Google vừa phối hợp cho ra mắt nhận diện ứng dụng chính thức của Chính phủ nhằm bảo vệ người dùng Việt Nam trước nạn cung cấp ứng dụng giả mạo và lừa đảo trực tuyến. Ông Ngô Minh Hiếu cho biết, khi truy cập kho ứng dụng Google Play hoặc CH Play, các ứng dụng chính thức của Chính phủ sẽ hiển thị biểu tượng Chính phủ trên phần thông tin ứng dụng, giúp người dùng yên tâm về tính xác thực và độ tin cậy của ứng dụng. Hiện đã có hơn 80 ứng dụng tại Việt Nam được cấp nhận diện ứng dụng chính thức của Chính phủ. Khách có thể vào hệ thống tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để tìm hiểu thêm.

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/xuat-hien-chieu-lua-dao-moi-de-chiem-tien-trong-tai-khoan-a1539403.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Khói ngùn ngụt tại trụ sở UBND tỉnh Bình Phước

Các ngành học được miễn học phí 100%

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng đổi mới toàn cầu

Gia Lai: Cháy trang trại, thiệt hại 1.600 con heo

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829