Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ tư, 09/08/2023, 06:30

Xử lý rác thải: Vấn nạn toàn cầu

Nếu lượng rác quá lớn hoặc khâu xử lý, phân loại rác không được thực hiện tốt, thì sớm hay muộn sự quá tải sẽ xảy ra.

Vấn nạn rác thải trên toàn cầu

Theo dữ liệu của tổ chức Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải (RT) hàng năm đã tăng lên con số 2 tỷ tấn chất thải rắn đô thị (MSW) mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 3,4 tỷ tấn vào năm 2050.

Trong đó, các quốc gia có thu nhập cao sẽ ghi nhận mức tăng chất thải bình quân trên đầu người mỗi ngày là 19%. Con số tương tự ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ là 40% trở lên. Với khoảng 18% dân số thế giới, Trung Quốc là nơi tạo ra MSW lớn nhất trên toàn cầu, chiếm hơn 15% tổng số. Tuy nhiên nếu nói về lượng chất thải trên đầu người, thật đáng ngạc nhiên khi Mỹ mới là quốc gia đứng đầu, với 2,58kg. Tiếp theo là Canada (2,33 kg/người) và Úc (2,23 kg/người).

Là một trong những khu vực chứng kiến sự bùng nổ về tốc độ đô thị hóa, Đông Nam Á cũng đồng thời ghi nhận lượng RT tăng lên chóng mặt. Trong đó, điển hình là Indonesia, khi quốc gia này đã đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về rác trong suốt nhiều năm. Trung bình, người Indonesia thải ra hàng triệu tấn rác mỗi ngày. Việc có quá nhiều rác khiến hệ thống phân lọc và xử lý rác ở Indonesia trở nên quá tải.

Theo Ngân hàng Nhựa Indonesia, hàng năm, trong số 7,8 triệu tấn RT nhựa, có 4,9 triệu tấn không được quản lý đúng cách, với 83% tìm đường vào đại dương, từ đó đe dọa hệ sinh thái biển.

AMP Robotics sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo để phân loại rác thải tái chế.

Các quốc gia xử lý rác thế nào?

Dựa theo Chỉ số Chất thải toàn cầu 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc, Đan Mạch và Đức là 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xử lý RT. Điểm chung của họ, đó là đều tập trung vào phân loại, tái chế rác. Tiêu biểu là Hàn Quốc có tỷ lệ tái chế chất thải thực phẩm đạt gần như 100% mỗi năm, và mô hình của nước này được nhiều quốc gia học theo.

Tính dễ sử dụng và khả năng tiếp cận là 2 điểm nhấn rất quan trọng đối với sự thành công của mô hình tái chế rác ở Hàn Quốc. Từ năm 2013, người dân Hàn Quốc đã được làm quen với những chiếc túi nhựa màu vàng đặc biệt, có thể dễ dàng được mua ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Trên chiếc túi là dòng chữ: “Túi đựng rác thực phẩm được chỉ định”.

Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu người dân phải sử dụng những chiếc túi này để vứt bỏ thức ăn thừa của họ vào bên trong, trước khi cho vào một thùng rác riêng biệt, đặt ở vệ đường. Những chiếc túi sẽ được chuyển đến một nhà máy tái chế để loại bỏ nhựa, đồng thời biến rác thành khí sinh học, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón.

Ở Đan Mạch, rác thậm chí được phân thành 12 loại riêng biệt, và mỗi hộ dân phải có ít nhất 4 chiếc thùng rác trong nhà của họ. Nếu bỏ rác sai quy định, người dân sẽ bị phạt.

Có thể nói rằng, Đan Mạch thực sự coi rác là một tài nguyên, khi có rất nhiều quy định về thu gom, quản lý và tái chế chất thải. Tất cả đều được làm một cách chỉn chu, đồng bộ. Trong bảng xếp hạng Chỉ số Chất thải toàn cầu 2022, Đan Mạch đã tăng 11 bậc, để vươn lên vị trí thứ 2. Cùng với đó, Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đặt mục tiêu tái chế 70% RT vào năm 2024.

Đức thì tập trung vào giảm thiểu RT, đến nỗi đây đã trở thành một trong những nét đặc trưng của quốc gia này. Theo thống kê, ngày nay, người Đức chỉ thải ra 10kg RT mỗi tháng, ít hơn 50% so với mức trung bình của thế giới.

Không chỉ vậy, Đức còn thành công trong việc khuyến khích người dân tự tham gia vào quá trình tái chế nhựa và phục hồi vật liệu. Người dân Đức sẽ phải trả thêm tiền khi họ mua hàng. Nhưng họ có thể nhận lại số tiền này bằng cách đưa vỏ chai nhựa vào các máy tái chế tự động, được đặt ở các siêu thị, trung tâm mua sắm.

Đức cũng liên tục đầu tư vào hạ tầng xử lý chất thải tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, với tiêu chí hàng đầu là giảm tác động đến môi trường. Song song với đó, quốc gia này đã địa phương hóa các nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng, từ đó giúp giảm thiểu khoảng cách vận chuyển chất thải.

(Nguồn: baovinhlong.com.vn)

Link gốc: https://baovinhlong.com.vn/khao-hoc-cong-nghe/202308/xu-ly-rac-thai-van-nan-toan-cau-3173620/

Chia sẻ

Xem nhiều

Băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Fansipan

Indonesia-'Quốc gia hào phóng nhất thế giới năm 2024'

Những thành phố đang ‘chìm’ nhanh nhất thế giới

Thế giới đang trở nên quá nóng đến mức nguy hiểm

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829