Thứ sáu, 09/08/2024, 15:00
Xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm bằng học bạ
Đây là đề nghị của ông Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tại hội nghị “Tăng cường nguồn lực đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học” sáng ngày 9/8.
Ông cho rằng, lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng không cần để nguyện vọng đầu là không công bằng với các thí sinh khác. Do đó, để công bằng, cần sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, sử dụng các tổ hợp xét tuyển.
Ông cũng đề nghị để tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống và chỉ lọc ảo chung 1 lần của Bộ GD-ĐT để bảo đảm công bằng với mọi thí sinh.
Nhiều người cho rằng phương thức xét tuyển sớm làm thí sinh phân tán - Ảnh: Đại Minh.
Cùng nỗi băn khoăn, PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó giám đốc Đại học Thái Nguyên - cho biết, tại đơn vị này, chỉ khoảng 20% thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1. Ưu điểm của xét tuyển sớm là giúp người học yên tâm nhưng "nhiều khi dẫn đến yên tâm quá".
Mặt khác, các trường cũng khó khăn trong dự báo tỉ lệ ảo. Ông đề xuất, từ năm 2025, xem xét lại phương thức xét tuyển sớm, và kiến nghị hạn chế phương án này, chỉ nên dành cho những ngành đặc thù, trọng yếu.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, xét tuyển sớm có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm học sinh phân tán. “Nhiều học sinh khi biết mình đủ điều kiện đậu sớm thì học kỳ II không học. Đây là đề nghị đáng quan tâm vì quan trọng nhất là phải bảo đảm công bằng với mọi thí sinh” - Thứ trưởng nói.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT - cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm công bố cụ thể kế hoạch thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2025, dù đó là công việc cụ thể của các trường nhưng cần công bố sớm để học sinh chuẩn bị.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Bộ lắng nghe một số trường "kêu" chuyện xét tuyển sớm, khiến nhiều em xao lãng học hành.
"Việc xét tuyển sớm tác động đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng, điều đó rất tai hại. Các trường chỉ yên tâm với số thí sinh sớm vào trường mình nên tuyển sinh bằng điểm thi ít, đẩy điểm lên rất cao, dẫn đến mất công bằng. Vì vậy, ở kỳ tuyển sinh năm sau, Bộ sẽ có định hướng" - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các trường không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh và xã hội.
"Các trường tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng phải tự chủ trong khuôn khổ các quy định, có thể thời gian tới, Bộ GD-ĐT phải điều tiết. Các trường hãy yên tâm, nguồn tuyển vẫn còn dồi dào, trường nào uy tín thì không lo, không phải chen lấn xô đẩy" - Bộ trưởng nói.
(Nguồn: phunuonline.com.vn)
Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/xem-xet-bo-phuong-thuc-tuyen-sinh-som-bang-hoc-ba-a1525375.html