Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ hai, 24/02/2025, 09:00

Xây lại mùa cá đồng U Minh hạ

Mùa hạn năm 2023, ông Nguyễn Văn Diễn, một nông dân ở vùng đệm rừng tràm Cà Mau, bắt được con cá lóc đồng nặng gần 2,8 kg, mang đi dự thi tại Vườn Quốc gia U Minh hạ và giành được Giải nhất ở hạng mục "con cá lóc đồng to nhất". Chuyện vui của ông Diễn nhưng khiến nhiều nông dân thứ thiệt ở miệt rừng U Minh hạ lại cảm thấy... không vui.

Thu hoạch cá đồng theo cách thức truyền thống của nông dân vùng ngọt tỉnh Cà Mau.

"Hơn chục năm đi mua cá ở xứ rừng tràm U Minh hạ, thỉnh thoảng vẫn có cá lóc tự nhiên nặng đến 4-5 kg, thậm chí to bằng bắp chân, chứ cá lóc chưa đến 3 kg mà giải nhất thì bé quá", ông Tư Thắng (Tăng Văn Thắng), nông dân có 14 ha đất lâm nghiệp ở ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau), góp chuyện nửa đùa, nửa thật...

Ký ức cá đồng Cà Mau 

Nhà ông Tư Thắng nằm trên trục lộ bê-tông tuyến T19, giao cắt với lộ nhựa tuyến T23 giáp ranh Vườn Quốc gia U Minh hạ. Đây là khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia, một thời nức tiếng với các loại cá đồng tự nhiên. Năm 1995, gia đình ông từ ấp 15 (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) qua U Minh hạ, chuyển nhượng thành quả lao động 14 ha đất rừng để trồng tràm kết hợp sản xuất nông nghiệp. Đất nhiễm phèn nặng, chỉ canh tác được một vụ lúa mùa trong năm. Năng suất lúa thấp nhưng bù lại cá đồng tự nhiên có đủ điều kiện, thời gian sinh trưởng, phát triển, giúp gia đình ông có thêm nguồn thu để vượt qua những tháng ngày "giáp hạt".

Để trụ vững ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" này, trong thời gian chờ cây tràm đủ tuổi để thu hoạch, ông Tư Thắng đi thu mua cá của các hộ dân trong lâm phần rừng tràm. Cao điểm cá nhiều là mùa gió chướng và thời điểm Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời gian sau khi việc thu hoạch thóc lúa đã xong, nước trên ruộng rút cạn, nguồn cá trên đồng gom tụ về ao, đìa, mương, trảng..., nông dân bắt đầu thu hoạch bằng cách tát cạn nước hoặc dùng lưới (còn gọi là chụp đìa).

Nhớ lại thời hoàng kim xưa, ông Tư Thắng tâm sự: Một đìa cá thời ấy dù thấp nhất cũng kiếm được 500-600 kg cá thương phẩm, có những con tầm 4-5 kg hoặc lớn hơn. Những con to chủ nhà thường không bán mà để lại đãi bà con chòm xóm đến phụ lựa cá chụp đìa. Còn loại cá lọt búng (loại cá nhỏ) thì được nhà nông thả lại làm giống cho vụ sau...

Lớp cư dân qua miệt rừng U Minh hạ lập nghiệp hàng chục năm qua như gia đình ông Tư Thắng không phải ít. Đa phần, họ có chung cảnh ngộ: Gia đình đông anh chị em, ở quê nhà ít hoặc không có đất canh tác... Trong số này, trụ vững và có kinh tế phát triển khá ổn định phải kể đến gia đình chú Mười Ngọt (Phạm Văn Ngọt), có hơn 60 ha đất rừng ở ấp 4 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Sau hơn 20 năm cùng các con ra sức cải tạo, khu đất rừng nhà chú đã trở thành một trong nhiều điểm "du lịch sinh thái cộng đồng" có tiếng ở Cà Mau, đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm.

Bên lán trại dành cho du khách nghỉ chân cặp bìa rừng tràm, chú Mười nhắc lại thời điểm cả nhà rời quê ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) qua miệt rừng U Minh hạ lập nghiệp hàng chục năm về trước. Buổi đầu xuống vùng đất mới, chung quanh toàn đồng không hiu quạnh, cây tràm ngập nước chậm lớn, còn trồng lúa thì không đủ gạo ăn vì bị chim, chuột... cắn phá.

An ủi lớn nhất với gia đình chú Mười là khắp đồng ruộng lênh láng nước, đâu đâu cũng có cá. Chỉ cần dùng lờ, lợp, lưới, câu... thả dưới các kênh, mương..., là gia đình chú có cá ăn cho cả ngày làm đồng. Còn vào mùa hạn, chỉ cần tìm được "công sự cá" (lung, bàu, trấp hoặc những hố bom sâu) là tha hồ bắt đem về, có khi đựng đầy cả giỏ đệm. Vào mùa hạn, khi mặt đất vừa khô, cỏ và dây choại phủ đầy phía trên nhưng dưới mặt đất của những lung, bàu... vẫn còn sền sệt nước. Đó chính là "công sự" cho vô số các loài cá ẩn náu để chờ tới mùa sa mưa cá lên đồng. "Khi cần đồ ăn, cứ quảy gánh vào rừng tìm "công sự cá" là tha hồ bắt đem về, có con to bằng bắp chân, cả nhà ăn một bữa không hết...", chú Mười chia sẻ.

Nông dân vùng quê Khánh An, huyện U Minh trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng.

Sớm phục hồi nguồn lợi cá đồng  

Dòng người đến vùng đất lắm phèn U Minh hạ khai hoang, khẩn đất làm quen, rồi dần gắn bó mật thiết với con cá đồng. Đây cũng là một trong những nguồn thực phẩm quý giá, góp phần nuôi sống cư dân rừng tràm trong suốt một thời gian dài. Nguồn lợi ấy cũng là cơ hội để gia đình chú Mười Ngọt tích góp tiền mua ngư cụ, hành nghề chụp đìa thuê cho cư dân địa phương. Nhờ đó, gia đình chú mở rộng thêm nhiều đất đai như ngày nay.

Chú Mười Ngọt tâm sự: "Buổi đầu sống nhờ vào cá đồng, đặt trúm bắt lươn còn khá bấp bênh. Cuộc sống ổn định dần nhờ đi chụp đìa thuê, rồi khu rừng bắt đầu sinh lợi. Nói thiệt lòng, đất đai tuy lớn nhưng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để cải tạo mới được như bây giờ"...

Với chú Mười Ngọt, ông Tư Thắng và lớp lớp cư dân miệt rừng U Minh hạ, những mùa cá đồng trù phú giờ chỉ còn trong ký ức. Đất ngày càng hẹp, người ngày càng đông và nhiều nguyên nhân khác khiến "của trời cho" ngày càng kiệt quệ. Trong đó, nguyên nhân chính là nạn khai thác cá bằng xung điện, kích điện. Thay vì bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ, truyền thống như trước thì gần đây, nhiều người sử dụng xung điện để bắt cá. Họ bắt được cá lớn nhưng cũng làm chết luôn cá non. Con nào may mắn trúng xung điện nhưng trốn thoát cũng chậm lớn, bị dị tật và mất khả năng sinh sản.

Ông Nguyễn Văn Tong, nông dân có 7 ha đất lâm nghiệp ở ấp 14 (xã Khánh An, huyện U Minh) cho rằng, cá đồng tự nhiên ở kênh, rạch U Minh hạ trước đây 10 phần thì nay chỉ còn chừng 1-2 phần. Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng xóm (nhà ông Tư Thắng) bỏ luôn nghề thu mua cá đồng, chuyển sang trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng như gia đình ông Tong trong khoảng 6 năm gần đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Nguyễn Thành Đượm cho biết, trước thực trạng nguồn lợi cá đồng kiệt quệ, đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị nêu trên, các địa phương trong tỉnh triển khai chương trình hành động, phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt, từng bước tiến tới việc "nói không với xung điện, kích điện".

Tại vùng ngọt của các huyện U Minh, Trần Văn Thời..., song hành các giải pháp tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi bị cấm, chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương triển khai xây dựng khu bảo tồn và phát triển nuôi cá đồng, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản. Chỉ riêng miệt rừng tràm xã Khánh An có hàng trăm hộ dân gây nuôi cá đồng với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến là bao ví khuôn hộ để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng (nuôi lang, không cho cá ăn). Trong đó, tập trung nhiều ở các ấp 13,14 và An Phú với hơn 150 hộ, tổng diện tích khoảng 200 ha.

"Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng 3 lần so với canh tác lúa thông thường. Tại ấp 14, hiệu quả của mô hình này không chỉ góp phần xóa trắng hộ nghèo mà còn giúp khoảng 80% hộ dân trong ấp có cuộc sống khá giả và xây được nhà kiên cố", ông Đượm cho biết thêm.

Mùa khô năm nay, những nông hộ như ông Tong, ông Tư Thắng không thu hoạch một lần khi cá đồng rút về ao, đìa, kinh, mương. Thay vào đó, họ vẫn trữ nước trong khuôn hộ để phát triển cây bồn bồn, con cá đồng và chỉ chọn lựa loại cá lớn để thu hoạch dần theo thời gian nhất định. Những nông hộ này còn cho thuê dịch vụ câu cá đối với những cần thủ đam mê, mỗi ngày có thêm thu nhập từ vài trăm đến hơn một triệu đồng.

Còn với chú Mười Ngọt, trong quỹ đất 60 ha đã dành riêng 20 ha để làm khu nuôi cá đồng, được bảo tồn nghiêm ngặt và rất ít khi khai thác. Nguồn lợi ấy chỉ phục vụ ẩm thực cho khách tham quan và thi thoảng tái hiện cảnh chụp đìa, giúp du khách có thêm trải nghiệm chân thực về cuộc sống vùng thôn quê thuở trước...

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh (Cà Mau) Lê Hồng Thịnh cho biết, địa phương đang triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá đồng theo hướng bảo vệ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi toàn huyện là 12.700 ha, sản lượng cá đồng khoảng 3.228 tấn. Để hiện thực các mục tiêu đề ra, huyện đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xây dựng mô hình, hỗ trợ nguồn cá giống để các nông hộ đủ điều kiện thực hiện, góp phần bảo tồn, phát triển nguồn lợi cá đồng, giúp nông dân làm giàu chính đáng.

(Nguồn: baokiengiang.vn)

Link gốc: https://www.baokiengiang.vn/nong-nghiep/xay-lai-mua-ca-dong-u-minh-ha-24645.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Độc đáo cách xem Lịch Tre của người Mường Hòa Bình

Nỗi lo từ cơn cuồng búp bê

10 loại cây trong nhà dễ chăm sóc mà ai cũng nên có

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829