Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ hai, 08/04/2024, 12:00

Về thăm thủ phủ nuôi ngựa Đức Hòa

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từng nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua trứ danh khắp vùng. Có lúc cao điểm số ngựa nuôi tại huyện Đức Hòa lên đến hàng ngàn con. Tiếng vó ngựa, lục lạc rền vang khắp các xóm.

Thế nhưng từ khi Trường đua Đức Hòa Thượng rồi Trường đua Phú Thọ đóng cửa, nghề nuôi ngựa dần xuống dốc, nhiều hộ dân cũng bỏ nghề nuôi. Giữa thủ phủ nuôi ngựa một thời giờ đây chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề bởi tình yêu với loài chiến mã. Với họ, ngựa đua không chỉ là thú chơi mà còn là cái nghiệp.

Huyện Đức Hòa từng được xem là thủ phủ của nghề nuôi ngựa đua vang danh khắp vùng. Có lúc cao điểm số ngựa nuôi tại huyện Đức Hòa lên đến hàng ngàn con, trong đó có trên dưới 1.000 con ngựa đua. Tiếng vó ngựa, lục lạc rền vang khắp các xóm.

Giữa năm 2011, Trường đua Phú Thọ đóng cửa, tiếng vó ngựa vang rền mỗi cuối tuần cũng dần im ắng. Thủ phủ nuôi ngựa đua Đức Hòa giờ đìu hiu đến lạ.

Nhiều làng nuôi ngựa trứ danh như Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hòa Khánh Đông,… gần như im lìm. Tuy nhiên, dù nghề nuôi ngựa đua không còn, một số hộ dân tại xã Đức Hòa Thượng vẫn còn duy trì nuôi ngựa như để lưu giữ cái nghiệp trăm năm.

Ghé nhà ông Lê Văn Kiệt, ngụ ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, dù nghề nuôi ngựa dần mai một nhưng gia đình ông vẫn còn nuôi 5 con ngựa, 3 trong số đó được gia đình ông nuôi thuê, lấy tiền trang trải sinh hoạt và để thỏa đam mê chăm sóc 2 con “chiến mã” được ông đam mê từ nhỏ.

Theo ông Lê Văn Kiệt, nuôi ngựa tốn nhiều chi phí, đặc biệt là nuôi ngựa đua. Lúc những Trường đua Phú Thọ hay Đức Hòa Thượng còn tồn tại, trước mỗi cuộc đua, không khí xôn xao cả vùng, ai cũng bàn luận con ngựa nào sẽ giành chiến thắng. Nghề nuôi ngựa khi ấy chẳng khác gì một nghề thời thượng, mang lại thu nhập khá cho các hộ dân.

“Hiện các trường đua đóng cửa, chẳng còn chỗ thi thố. Nuôi ngựa đua mà nhốt mãi trong chuồng chẳng khác gì nuôi bò. Nhìn mấy con ngựa hàng ngày, nghĩ mà xót xa”, ông Lê Văn Kiệt ngậm ngùi.

Còn gia đình ông Huỳnh Văn Lào, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, có truyền thống 3 đời nuôi ngựa hiện còn duy trì nuôi 20 con. Gia đình ông Lào cũng là hộ nuôi ngựa nhiều nhất của huyện Đức Hòa hiện nay.

Ông Huỳnh Văn Lào bên bức ảnh thời ông còn làm nài ngựa tung hoành tại Trường đua Phú Thọ như kỷ niệm về một thời vàng son của nghề nuôi ngựa đua.

Đa số đàn ngựa của gia đình ông Lào đã được lai tạo nhưng vẫn có những con ngựa ông mua có giá hàng trăm triệu đồng, nhập thuần chủng từ Úc để về chăm sóc và làm giống.

“Chăm sóc ngựa đã tốn kém thì với ngựa đua càng tốn kém hơn cả chi phí thức ăn lẫn công chăm sóc. Vì vậy, ai còn duy trì đa số là những người rất đam mê. Nhưng cũng có nhiều người vẫn hy vọng một ngày không xa, môn thể thao này sẽ trở lại để những vó ngựa còn được tung hoành trên các trường đua”, ông Huỳnh Văn Lào cho biết.

Theo ông Lào, sở dĩ hiện nay gia đình ông còn duy trì đàn ngựa với số lượng tương đối lớn bởi nhu cầu thị trường vẫn còn. Ngựa của ông chủ yếu cung cấp cho các khu du lịch cho khách tham quan cưỡi hoặc làm cảnh.

Ngựa là giống rất khỏe nhưng có nhược điểm dễ hoảng sợ. Do đó, khi đưa ngựa đi chở đồ hoặc khi quần thảo phải che mắt ngựa để hạn chế tầm nhìn, giúp ngựa tập trung về phía trước.

Theo ông Lào cũng như những hộ nuôi ngựa hiện nay, đa số việc duy trì nghề nuôi ngựa bởi yêu nghề và tiếc giống ngựa tốt từng một thời làm vang danh quê hương Đức Hòa.

Chiếc lục lạc hiện nay dù không còn được sử dụng nhưng vẫn được cất giữ và xem như kỷ vật của một thời hoàng kim.

Những tấm yên ngựa vẫn nằm im trên nóc chuồng ngựa như mong muốn một ngày được hồi sinh.

Dù hiện nay ngựa đua chưa có cơ hội tranh tài nhưng ông Lào vẫn giữ thói quen dắt ngựa đi quần thảo hàng ngày.

(Nguồn: baolongan.vn)

Link gốc: https://baolongan.vn/ve-tham-thu-phu-nuoi-ngua-duc-hoa-a174084.html

 

Chia sẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829