Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7

Thứ sáu, 07/01/2022, 06:30

Về quê ăn Tết: Mỗi địa phương quy định một kiểu

Mặc dù các địa phương đều tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, tuy nhiên quy định phòng chống dịch "mỗi nơi một kiểu" khiến nhiều người gặp khó trong việc lên kế hoạch về quê đón Tết với gia đình.

Hành khách đến ga Sài Gòn mua vé tàu về quê đón Tết  - Ảnh: THU HỒNG

Ngày 5-1, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết đã xây dựng kế hoạch đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, các hoạt động đón Tết được thay đổi phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19.

Lưu ý khi đi/về từ vùng dịch

Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh này không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, người dân về quê ăn Tết ở TP này vẫn áp dụng các biện pháp y tế như ngày bình thường. Cụ thể, chỉ cần khai báo y tế trên ứng dụng PC Covid và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, người đến/về từ các tỉnh, thành có số ca mắc Covid-19 cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…và các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng (tính đến thời điểm về) thì sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên đến Quảng Ngãi; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương. 

Trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc-xin (thẻ vàng trên sổ sức khỏe điện tử) sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Những người chưa tiêm vắc-xin sẽ xét nghiệm RT-PCR 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 khi về địa phương, cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

Đối với người về từ các tỉnh, thành có nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp, đã tiêm đủ liều vắc-xin, tiêm chưa đủ hoặc đã khỏi mắc Covid-19 không quá 6 tháng sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, hạn chế tiếp xúc cộng đồng… 

Những trường hợp F1, F2 đã tiêm đủ vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ sẽ phải cách ly y tế tại nhà từ 7-14 ngày (tùy trường hợp tiêm đủ hay chưa), xét nghiệm RT-PCR từ 2-3 lần (nếu đã tiêm đủ vắc-xin sẽ xét nghiệm 2 lần, tiêm chưa đủ thì xét nghiệm 3 lần). Với trường hợp đặc thù, người nhập cảnh trực tiếp vào Quảng Ngãi sẽ thực hiện theo Công văn 10688/BYT và Quyết định 4158/QĐ-BYT của Bộ Y tế…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cũng đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định; tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân đón Tết, kỷ niệm ngày truyền thống; sinh hoạt tôn giáo; đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang…

Theo ông Lê Trí Thanh, dịp Tết bà con về quê là bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao trong dịp Tết nếu không kiểm soát tốt, nên tỉnh Quảng Nam khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế về quê nếu không thật sự cần thiết. Điều này vừa chủ động trong phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón Tết yên vui.

Ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết công dân về Lâm Đồng ăn Tết, kể cả khách du lịch, đều được qua lại tự do nhưng phải thực hiện theo đúng quy định phòng chống dịch. Người địa phương buộc phải khai báo y tế tại địa phương sinh sống, du khách khai báo y tế tại nơi cư trú. Tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tình hình tương tự.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết trong tình hình hiện nay thì tỉnh chỉ khuyến cáo người dân về quê đón Tết phải thực hiện đầy đủ 5K, không tụ tập đông người, không rượu bia để làm sao bảo đảm công tác phòng chống dịch ở địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng kế hoạch đón dân trở về quê ăn Tết. Sở Giao thông Vận tải là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các hãng xe khách để tổ chức đưa đón một cách an toàn và thuận lợi nhất. Đặc biệt, hãng xe khách Phương Trang đang duy trì hoạt động chuyến xe 0 đồng phục vụ người từ nơi khác về địa phương này. Do đó, người dân có thể liên hệ trực tiếp với hãng xe này để được đón về quê ăn Tết miễn phí.

Tàu xe vắng khách

Dù chuẩn bị từ rất sớm kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua vé xe, vé tàu của người dân sụt giảm mạnh dù Tết Nguyên đán đã cận kề.

Trưa 5-1, tại các quầy vé của Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM), chỉ lác đác vài khách vào bến mua vé đi ngay trong ngày. Một số hãng xe như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thành Bưởi… mở bán vé Tết nhưng không có cảnh hành khách xếp hàng chờ mua vé như những năm trước.

Đứng tần ngần khá lâu trước quầy vé hãng xe Phương Trang, chị Nguyễn Cẩm Tú (quê Quảng Nam) cho biết năm nay mua vé rất dễ, không cần đặt trước như mọi năm, giá cũng hợp lý. Thế nhưng, chị quyết định không về quê mà ở lại TP.HCM ăn Tết dù đã ra bến xe để mua vé.

"Định Tết này cả nhà cùng về quê thăm ông bà. Thế nhưng, mẹ tôi vừa gọi điện bảo ở lại TP.HCM, đừng về vì dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến phức tạp" - chị Tú cho biết.

Tương tự, tại ga Sài Gòn, dù đã mở bán vé Tết từ ngày 15-11 nhưng số khách mua vé khá ít. Hành khách không cần lấy số thứ tự trước mà đến thẳng ga mua vé. Anh Trần Tuấn Tâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), đến ga và chỉ 30 phút đã cầm trên tay 2 vé tàu SE6 đi Huế ngày 29-1 và khứ hồi ngày 6-2. Anh cho biết sở dĩ quyết định mua vé về quê vì biết ở quê không yêu cầu cách ly 7 ngày với người về từ TP HCM.

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã mở bán các đôi tàu khách Thống Nhất (Hà Nội - Sài Gòn: Tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8; Đà Nẵng - Sài Gòn: Tàu SE21/SE22). Từ ngày 4-1, tiếp tục mở bán vé các đoàn tàu khu đoạn từ TP HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại. So với năm ngoái, số lượng đoàn tàu chạy dịp Tết giảm 10 đôi.

Cũng theo ông Tuấn, tính đến ngày 5-1, số lượng vé tàu dịp Tết bán được là gần 18.000 vé, chỉ bằng 8% so dịp Tết năm ngoái. Nguyên nhân là do dịch bệnh vẫn còn phức tạp cùng việc mỗi địa phương có quy định phòng dịch khác nhau nên hành khách e dè, cân nhắc kế hoạch đi lại và về quê ăn Tết.

Đánh giá tình hình đi lại của hành khách Tết Nguyên đán năm nay, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết sẽ giảm rất nhiều. Đơn cử, 4 ngày phục vụ Tết dương lịch (ngày 31-12-2021 đến 3-1-2022), bến xe chỉ vận chuyển 18.500 khách với 1.320 xe phục vụ (so với cùng kỳ của năm 2020 chỉ đạt 15,4%).

Theo ông Phương, hiện bến xe và các doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị kỹ kế hoạch phục vụ khách, từ khâu phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của UBND TP HCM đến phương tiện… Thế nhưng, do tâm lý e ngại quy định phòng chống dịch của các địa phương nên hành khách thay đổi kế hoạch về quê. Các tuyến đường từ TP HCM về miền Tây có cự ly ngắn nên khả năng năm nay hành khách chuyển sang đi xe máy nhiều hơn.

Tương tự, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết bến xe đã sẵn sàng các phương án phòng chống dịch như trang bị máy đo nhiệt độ, máy quét mã khai báo y tế, có đội phản ứng nhanh để nhắc nhở người dân, tài xế, nhân viên không đeo khẩu trang, tụ tập… và đội phản ứng nhanh này còn phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh xử lý các trường hợp test nhanh dương tính. 

Thông thoáng nhưng phải tuân thủ quy định

Tại Cà Mau và Bạc Liêu, các địa phương này cũng không hạn chế người dân về quê đón Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin trở lên khi về đến địa phương chỉ cần khai báo y tế và thực hiện 5K, không bị cách ly theo dõi dưới mọi hình thức. Các trường hợp khác thì phải cách ly y tế để theo dõi.

"Tỉnh đã mở cửa cho phép người dân tiêm đủ liều vắc-xin ra vào tỉnh bình thường, dịp Tết cũng vậy. Tỉnh tạo điều kiện cho dân trong lúc vẫn bảo đảm phòng chống dịch" - ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết.

 

Thành phố Thanh Hóa vận động người dân không về quê dịp Tết

Ngày 30.12.2021, TP.Thanh Hóa đã có thư ngỏ kêu gọi người dân chung tay cùng chính quyền địa phương phòng chống dịch Covid-19. 

Theo thư ngỏ, hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn TP.Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, khó lường, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp xuất hiện. Do đó, TP.Thanh Hóa kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Phó trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 cho biết, thành phố không cấm người dân về quê ăn tết mà đây là kêu gọi để người dân địa phương thông tin cho người thân của mình về tình hình dịch bệnh phức tạp tại quê nhà để cân nhắc, quyết định về hay không về trong dịp tết. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe của người dân, của cộng đồng.  

(Nguồn: baotayninh.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỉ đô la Mỹ

Thế giới đang trở nên quá nóng đến mức nguy hiểm

Thái Lan kiểm soát chặt hàng hóa nước ngoài

Indonesia-'Quốc gia hào phóng nhất thế giới năm 2024'

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829