Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ bảy, 04/05/2024, 09:30

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Vùng đất Vũng Liêm, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp mộc mạc của những cánh đồng lúa bạt ngàn mà còn ghi dấu ấn bởi hình ảnh đặc trưng của những cánh đồng lác. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho nền nông nghiệp của địa phương, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích trải nghiệm cuộc sống quê hương.

Cây lác mở ra hướng đi mới là phát triển du lịch sinh thái, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương. Ảnh: TẤN TÂN.

Vũng Liêm là 1 trong 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Vĩnh Long, có địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông đường bộ, đường thủy đều thuận lợi với 2 dòng sông lớn chảy qua, đồng thời cũng là ranh giới của huyện gồm sông Tiền (với 2 nhánh là sông Pang Tra, sông Cổ Chiên) và sông Măng Thít là các tuyến giao thông thủy quốc gia và quốc tế của ĐBSCL nói chung và Vũng Liêm nói riêng. Nước ngọt hầu như quanh năm, đủ cung cấp cho toàn bộ đất canh tác và người dân của huyện sinh hoạt.  

Mặc dù có lượng nước ngọt dồi dào, tuy nhiên nguồn nước ở một số địa phương của huyện cũng thường xuyên bị nhiễm mặn trong những tháng đầu của mỗi năm, trong đó có xã Trung Thành Đông. 

Thành lập vào ngày 24/8/1994, Trung Thành Đông là một trong những xã có nền kinh tế kém phát triển của huyện Vũng Liêm. Đời sống Nhân dân chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, lúa là cây chủ lực, nhưng do vị trí địa lý giáp sông Cổ Chiên, hệ thống đê bao khép kín chưa được xây dựng nên thường xuyên bị ngập úng khi triều cường dâng cao, xâm nhập mặn tấn công ảnh hưởng đến năng suất lúa đạt thấp, cây ăn trái lại không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, làm cho kinh tế người dân không ổn định, mức sống thấp.

Từ những trăn trở đó, sau khi tham quan, nghiên cứu mô hình trồng lác làm chiếu xuất khẩu ở xã Thanh Bình, xã Quới Thiện của huyện, Đảng ủy- UBND xã Trung Thành Đông quyết định chọn cây lác làm cây nông nghiệp chủ lực của địa phương, vận động Nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lác xuất khẩu.

Vào mùa thu hoạch, từ sáng sớm nhiều người dân đã ra đồng thu hoạch lác.

Điểm nổi bật của cây lác là dễ trồng, trồng một lần có thể thu hoạch từ 7-10 năm mới trồng lại và chống chịu được hạn mặn, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao. Với bước đột phá, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, mà giờ đây đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 

Từ Trung tâm Hành chính huyện Vũng Liêm, du khách đi xe theo ĐT907 về hướng Đông Nam tầm 4km là đến xã Trung Thành Đông. Vừa đến địa phận của xã, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng lác xanh mượt mà đung đưa như “mái tóc người thiếu nữ” đang tung bay trong gió. 

Ông Nguyễn Quốc Tân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thành Đông, cho biết, toàn xã có gần 300ha với 900 hộ làm nghề trồng lác. Mỗi năm có 2 vụ chính là vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, cây lác trồng vụ Đông Xuân có gốc màu trắng tinh, chiều cao cây lác từ 1,8-2m, cộng với điều kiện thổ nhưỡng cây lác nơi đây có độ bóng, dẻo và đạt chất lượng hơn so với những địa bàn khác, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước. 

Thời gian thu hoạch lác vụ Đông Xuân kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch. Vào những ngày này, từng cánh đồng lác xã Trung Thành Đông bỗng trở nên rộn rã hơn bao giờ hết, bởi tiếng cười, tiếng nói của những người thu hoạch lác. 

Hàng ngày, bắt đầu từ tờ mờ sáng, sau khi thu xếp công việc gia đình, người dân tranh thủ ra đồng thu hoạch lác. Cánh đàn ông khỏe mạnh thì đảm đương công việc nặng nhọc hơn như: phát lác, cắt tề gốc và ngọn cây lác, búng đuôi phơi lác, bó lác… còn phụ nữ phụ trách những phần việc nhẹ hơn như lặt bông lác, lựa bỏ những cây lác kém chất lượng, chẻ lác... 

Thu hoạch lác có thời gian nhất định, diễn ra thường xuyên, liên tục, thu hoạch xong cánh đồng này tiếp tục đến cánh đồng khác, cứ 1.000m2 cần 10 nhân công thu hoạch trong khoảng 10 ngày, mỗi người đảm nhận một công đoạn. 

Chính vì vậy, để đảm bảo thời gian thu hoạch, các gia đình ở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm thực hiện phương thức “vạn vần đổi công” cho nhau. Tức là gia đình này đến hỗ trợ gia đình khác thu hoạch và ngược lại, phương thức này được thực hiện đến khi những cánh đồng lác kết thúc mùa thu hoạch. Do đó, nhiều người ví von, mùa thu hoạch lác ở xã Trung Thành Đông vui như ngày hội.

Đây cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống của người Nam Bộ còn giữ được đến hôm nay. Thông qua phương thức vạn vần đổi công, bà con nông dân có điều kiện gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, tăng tính tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình và từ đây “sợi dây” cố kết cộng đồng cũng thêm thắt chặt hơn.

Màu xanh của lác xen lẫn nắng vàng bên hàng dừa trên bờ đê tạo bức tranh miền quê thêm tươi đẹp.

Lác sau khi được thu hoạch, những cây lác đạt chuẩn, đủ kích thước sẽ được làm sạch, phơi khô và được bó lại thành từng bó để giao cho cơ sở gia công. Phần lớn, lác ở xã Trung Thành Đông được bà con sử dụng dệt chiếu và chế tác thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như thảm, giỏ xách và được cung ứng ra nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho bà con nông dân xã Trung Thành Đông.

Không những là cây chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương, thời gian qua hình ảnh cánh đồng lác xanh mướt hòa quyện với ánh nắng vàng óng ả của những ngày đầu hè xen lẫn hàng dừa trên bờ đê đã trở thành bức tranh nghệ thuật nơi đồng quê thu hút nhiều người đi đường, du khách và cả những cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tìm về xã Trung Thành Đông viết tin, bài, thực hiện phóng sự và lưu lại những bức ảnh đẹp của mùa thu hoạch lác. 

Có thể nói, hình ảnh, thông tin cánh đồng lác xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm được nhiều du khách phương xa lưu lại và sự truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí được xem là tín hiệu vui để người dân nơi đây mở ra hướng đi mới là phát triển kinh tế kết hợp với giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch từ cánh đồng lác quê hương. 

Việc phát triển du lịch từ cánh đồng lác Vũng Liêm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy giá trị biểu tượng của sự gắn kết của người dân với đất đai, nghề nghiệp của mình.

Lác được xếp phơi như hình chiếc quạt trông thật bắt mắt.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thành Đông, cho hay, trong tương lai xã tiếp tục giữ nguyên diện tích đất đồng lác như hiện nay để bà con nông dân canh tác phát triển sinh kế gia đình. 

Bên cạnh đó, xã cũng tập trung phát triển 2 làng nghề trồng lác và xe lõi lác ấp Đại Hòa, ấp Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông) đã được công nhận và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch phát triển du lịch sinh thái, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ từ cây lác địa phương. 

Đồng thời, xã sẽ phối hợp với các hộ dân tạo điều kiện cho du khách tham quan, trải nghiệm các công đoạn thu hoạch lác nhằm tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, từ đó thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến với xã Trung Thành Đông.

Mong rằng, trong tương lai, với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch từ cánh đồng lác Vũng Liêm sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển toàn diện của du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước.

(Nguồn: baovinhlong.com.vn)

Link gốc: https://baovinhlong.com.vn/phong-su-ky-su/202405/ve-mien-dong-lac-vung-liem-3182940/
 

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày lễ Độc thân 11/11

Nhà ga, không chỉ là nơi để lên tàu

Nạn trộm cà phê - mối lo trong mùa thu hoạch

Những mối nguy tiềm ẩn khi dùng lò vi sóng hâm nóng thức ăn mà ít ai biết

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829