Thứ sáu, 01/04/2022, 10:30
Về Bạc Liêu vui Tết Thanh Minh
Một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của người dân Bạc Liêu mà nhiều địa phương khác không có chính là lễ cúng Thanh Minh (lễ tảo mộ). Vì vậy, về Bạc Liêu trong những ngày này, du khách sẽ cảm nhận được không khí náo nhiệt chuẩn bị cho ngày Tết đặc biệt này.
Minh hoạ - Minh Tấn.
Tục cúng Thanh minh xuất phát từ phong tục cổ truyền của cộng đồng người Hoa nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa, phong tục này đã được người Việt tiếp nhận và trở thành cái tết chung của người dân Bạc Liêu.
Tết Thanh minh thường bắt đầu từ cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 âm lịch và diễn ra trong vòng 1 tháng (tùy theo năm). Đây là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Do vậy, trong tháng này con cháu dù ở xa cũng tụ tập về làm mả (mộ) ông bà, hoặc cha mẹ quá cố cho thật đẹp như: sơn mả, trồng hoa, dán giấy ngũ sắc trên mả…và tổ chức cúng vào một ngày nào đó của dịp Thanh minh. Nhưng phần lớn thường tập trung vào ngày chính, hoặc ngày cuối tuần để con cháu có điều kiện về đông đủ.
Một trong những ý nghĩa sâu sắc của Tết Thanh minh là giáo dục về đạo hiếu và nhắc nhở mọi người không quên nguồn cội. Bên cạnh đó, đây có là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình. Hàng năm cứ đến dịp Tết Thanh minh là con cháu ở khắp nơi lại tụ họp về, những người thân trong gia đình cùng nhau chuyện trò, san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Với ý nghĩa nhân văn và đậm tính giáo dục truyền thống đó, Tết Thanh minh luôn được cộng đồng giữ gìn và trở thành một trong những mỹ tục đặc sắc của người dân Bạc Liêu.
Để tổ chức cúng Thanh Minh, con cháu chuẩn bị rất nhiều lễ vật khác nhau. Ngoài bánh, trái cây và nhiều món ngon khác như: lẩu, ca ri, đồ hầm, xào, luộc, rượu, bia…, nhất định không thể thiếu món heo quay gói bánh hỏi. Chính vì thế mà thị trường hàng hóa phục vụ Tết Thanh minh rất sôi động và náo nhiệt.
Năm nay, Tết Thanh minh bắt đầu từ ngày mùng 5/3 âm lịch (tức ngày 5/4 dương lịch). Ở Bạc Liêu, trước ngày chính của Tết Thanh minh, tại các chợ đâu đâu cũng thấy người ta bày bán đủ thứ lễ vật, từ các loại đồ mặn, đồ ngọt, bánh trái cho đến thịt heo quay, các loại giấy vàng mã, giấy ngũ sắc...vv.
Để cúng mộ, người ta chuẩn bị bộ tam sanh (gồm thịt heo, gà, khô mực hoặc trứng vịt, tôm), giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy vàng bạc, quần áo giấy…và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống, trong đó không thể thiếu bánh bò, bánh bao không nhân.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, các thành viên trong gia đình lần lượt đem lễ vật ra mộ. Trong tiết Thanh minh, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, hầu hết các tuyến đường dẫn tới những khu nghĩa địa của người Hoa đều đông đúc người, xe cộ qua lại. Những hình ảnh trên tạo nên khung cảnh thật náo nhiệt.
Cái hay của Tết Thanh minh là ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, đề cao đạo hiếu thì phong tục này còn mang đậm tính cộng đồng. Bởi không gian của ngày tết diễn ra ở ngay nghĩa địa và thu hút rất đông người tham gia cúng bái. Khi tổ chức cúng, không chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, mà còn có bạn bè và xóm giềng cùng tham gia ăn uống, vui chơi tại mả. Có gia đình còn thuê cả đội nhạc, kéo điện thắp sáng ra mả để vui tới khuya.
Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, có thể những nghi thức bài bản của người xưa đã ít nhiều thay đổi, nhưng với ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, những người quá cố, Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp văn hoá truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ.
(Nguồn: baobaclieu.vn)