Thứ ba, 01/02/2022, 07:30
Mừng tuổi ngày Tết: Nét đẹp đầu năm mới của người Việt
Đã từ lâu, mừng tuổi hay lì xì trở thành một nét văn hóa mỗi dịp đầu năm mới của người Việt Nam. Mừng tuổi như là một lời chúc tốt đẹp với hy vọng có một năm mới may mắn và bình an.
Mừng tuổi từ lâu đã là một nét văn hóa của người Việt mỗi độ Tết đến Xuân về.
Tiền mừng tuổi thường được đặt vào chiếc phong bao nhỏ màu đỏ với ý nghĩa cầu mong điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ; trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi; người già thì mừng thọ, chúc sức khỏe dồi dào.
Nguồn gốc của mừng tuổi
Theo một số nhà nghiên cứu, tục lì xì bắt nguồn từ Trung Quốc. Tương truyền cứ đến đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, ma quỷ lại có cơ hội tự do, có một loại yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên và sẽ bị bệnh.
Một lần, có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ đứa trẻ, khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng và chúng sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền ra, rồi cứ Tết đến người ta thường bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con giúp xua đuổi tà ma, cầu mong bình an cho đứa trẻ.
Tục mừng tuổi đã có từ lâu đời, trong tài liệu Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có nhắc tới: Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn gọi là tiền “mở hàng". Xưa còn có lệ tiền cho vào phong bao phải là tiền lẻ (chứ không dùng tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Số tiền trong phong bao lì xì không quan trọng số lượng, cả người nhận và trao lì xì đều trao nhau sự vui vẻ cho một ngày đầu năm mới đầy may mắn.
Mừng tuổi vào ngày nào
Theo tục lệ từ xưa, cứ vào sáng mùng Một tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình.
Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Con cháu nhận bao đỏ mừng tuổi như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm.
Theo thời gian, thời điểm trao nhận tiền mừng tuổi đã có sự thay đổi, mở rộng thời gian cả về trước Tết và sau Tết cùng việc đến thăm, chúc Tết, tặng quà…
Không chỉ trẻ em mới được nhận tiền mừng tuổi.
Đối tượng trao nhận mừng tuổi cũng đã được thay đổi theo. Người nhận tiền mừng mừng tuổi không chỉ có trẻ con mới được nhận tiền mừng tuổi từ người lớn, mà đối tượng trao nhận cũng mở rộng cho tất cả. Trong gia đình, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, anh em mừng tuổi cho nhau…; ngày đầu năm đến công sở, ai cũng hân hoan nhận những phong bao đỏ lì xì đỏ kèm những lời chúc tốt đẹp từ lãnh đạo, đồng nghiệp để khởi đầu một năm làm việc thật vui vẻ, hiệu quả. Sự mở rộng này theo chiều hướng tích cực đã mang lại thêm ý nghĩa mới của tục mừng tuổi, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Những điều cần lưu ý khi mừng tuổi
Mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn tuổi: Cần chú ý số tiền mừng phải tăng theo từng năm, tăng ít hay tăng nhiều đều được, miễn là tăng. Bởi mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn tuổi là chúc họ khỏe mạnh, sống lâu, viên mãn, vì vậy năm này cao hơn năm trước sẽ tốt hơn.
Mừng tuổi cho trẻ con, người kém tuổi, số tiền phải đồng nhất, không nên mừng hơn, mừng kém khác nhau. Điều này sẽ tránh được sự so sánh, bì tị của trẻ con, gây tranh cãi ngay đầu năm mới.
Không nên dùng bao lì xì của năm cũ.
Số tiền mừng tuổi cho trẻ con nhất định không được lớn hơn tiền mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn. Đây là sự tôn trọng, lễ phép.
Mừng tuổi nên dùng tiền mới, ý nghĩa người mừng năm mới sẽ có nhiều nguồn thu mới, phú quý, giàu có hơn.
Phong bao lì xì nên chọn những loại có in câu chúc phù hợp với từng đối tượng, không nên qua loa, đại khái, khiến người nhận mất hứng.
Không nên dùng bao lì xì của năm cũ. Năm nào dùng bao lì xì của năm đó.
Tuyệt đối không chủ động đòi tiền mừng tuổi, như vậy rất không lễ phép.
Sau khi nhận được tiền mừng tuổi nên đáp lễ người mừng bằng những câu cảm ơn, chúc phúc.
Không nên mở luôn phong bao lì xì để ngó xem có bao nhiêu tiền mừng tuổi. Sau khi về nhà, muốn xem thế nào, đếm ra sao cũng được.
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)