Đang tải ...
  
Kinh doanh Doanh nghiệp

Thứ ba, 20/08/2024, 12:00

Truyền thông qua 'seeding': Coi chừng 'gậy ông đập lưng ông'!

Theo một nghiên cứu của PowerReviews, 97% người tiêu dùng cho rằng các đánh giá của sản phẩm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Từ đó, “seeding dạo”, một chiến lược trong marketing bỗng trở nên thịnh hành. Tuy nhiên…

“Seeding dạo” biến tướng…

“Seeding dạo” ám chỉ việc tạo và phân tán nội dung hoặc thông điệp quảng cáo đến cộng đồng, nhằm xây dựng nhận thức và tạo ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng trực tuyến.

Không có gì đáng nói nếu như những người “gieo mầm” tốt, tích cực đến khách hàng thay vì như hiện nay, “seeding dạo” biến tướng thành hoạt động mang tính chất giả mạo, với những bình luận, đánh giá không phản ánh chân thực về sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc thúc đẩy các dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp được lan truyền rộng rãi trên nền tảng số.

Ghé vào một hội nhóm kín trên facebook, nơi tập hợp những người có nhu cầu và người cung cấp dịch vụ seeding, mới thấy được sự “nhộn nhịp” của dịch vụ này khi hàng ngày có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm bài viết trao đổi, tìm kiếm lẫn nhau. Các “seeder” làm việc độc lập cũng có, làm việc thông qua công ty cung cấp giải pháp truyền thông cũng có. Khách hàng thì cũng đa dạng vô cùng, thật cũng có, giả cũng có…

Một “seeder” tóm tắt nghề này trong ba chữ “lùa và lừa”. Cậu nói rõ hơn: “Hiện nay chỉ còn một lượng nhỏ các doanh nghiệp (DN) muốn “seeding” sản phẩm, dịch vụ thật, chất lượng, bởi họ đã dần chuyển qua các hình thức truyền thông khác; Đa số khách hàng trung thành với “seeding dạo” là những công ty “ma” với dịch vụ, sản phẩm lừa đảo khách hàng gồm các thầy thuốc đông tây y tự xưng trên mạng, các sản phẩm dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các quỹ tín dụng đen cho vay online với lãi “cắt cổ”...

“Thu nhập thì bấp bênh, công việc mệt mỏi, căng thẳng vì phải liên tục tạo ra những câu chuyện giả mạo, nhưng nhiều DN vẫn còn nhu cầu, nên vẫn cứ làm mà chưa “dứt” ra được…” (một “seeder” chia sẻ).

Để tạo cho sản phẩm, dịch vụ của mình “lớp vỏ” hào nhoáng một cách nhanh chóng, các công ty này không ngần ngại “vung tay” một khoản ngân sách lớn để thuê một đội ngũ “seeder” trẻ, thạo công nghệ thông tin và nắm trong tay một số “trick” (mẹo nghề), để tạo ra hàng ngàn “lời có cánh”.

Khi nhận một “dự án” từ khách hàng, đội ngũ “seeder” sẽ dành hàng giờ để tạo các tài khoản ảo bằng rất nhiều Sim “rác”. Sau đó, họ xây dựng những hồ sơ cá nhân giả mạo nhưng phải giống thật nhất để tạo sự tin tưởng cũng như tránh sự truy quét “gắt gao” từ nền tảng. Ngay như việc chọn tên tài khoản, chọn hình đại diện, viết những dòng mô tả bản thân… cũng phải sát với đối tượng khách hàng mục tiêu mà tài khoản đó sẽ dùng để “seeding” trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để có thể giả mạo giống thật nhất? Đơn giản, lấy ngay thông tin của một tài khoản thật trên mạng thôi! Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người hốt hoảng khi phát hiện một tài khoản Facebook có hình đại diện là mặt của mình, hình bìa là ảnh chụp gia đình mình, nhưng tên thì lại là một người “trời ơi đất hỡi” tận đâu.

Sau khi có một “lớp áo” hoàn hảo, các “seeder” liên tục đăng các bình luận tích cực về sản phẩm mà họ thậm chí chưa từng sử dụng, trong đó có nhiều sản phẩm kém chất lượng, sai lệch với thông tin mô tả. Một số người còn đặt các đơn hàng ảo để tạo cảm giác rằng sản phẩm đang rất được ưa chuộng.

Để “đánh lạc hướng” người tiêu dùng, các “seeder” thường sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau như tạo ra những câu chuyện trải nghiệm sản phẩm giả mạo, những đánh giá “công tâm” trong lời chê có lời khen, những câu hỏi kích thích sự tò mò của khách hàng. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt tự nhiên, gần gũi như gõ sai chính tả, gõ “teen-code”... cũng giúp “seeder” tránh bị phát hiện.

Ảnh minh họa AI.

Doanh nghiệp cẩn trọng hệ lụy

Hệ lụy của việc “seeding dạo”, “seeding ảo” không đúng sự thật không chỉ vi phạm đạo đức của chính người làm công việc này, vi phạm pháp luật về quảng cáo, cạnh tranh…mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, tác dụng “ngược” đến hoạt động marketing của các DN.

Trước tiên, người tiêu dùng ngày càng trở nên cảnh giác và thiếu tin tưởng vào những đánh giá trực tuyến, dẫn đến việc giảm hiệu quả của các chiến dịch marketing. Hơn nữa, việc lạm dụng “seeding ảo” chắc chắn khiến DN mất đi uy tín khi khách hàng phát hiện ra sự thật.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia xây dựng thương hiệu, Công ty CP Truyền thông Việt Á, “seeding ảo” có thể làm lệch hướng các chiến dịch marketing của DN, khi mà DN tin vào những số liệu ảo không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến những quyết định sai lầm trong chiến lược truyền thông và marketing. Nếu nhìn rộng hơn, hiện tượng “seeding dạo” tiếp tục lan rộng mà không có biện pháp ngăn chặn sẽ làm suy yếu sự phát triển của nền kinh tế số. Khi người tiêu dùng mất niềm tin vào các đánh giá trực tuyến, họ sẽ có xu hướng quay lưng lại với mua sắm trực tuyến, khiến các DN khó khăn hơn trong việc tiếp cận khách hàng.

Vậy nên, các DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ seeding cũng cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình khi trao gửi đến tay khách hàng để không tạo những phản ứng “ngược” tới hoạt động truyền thông thương hiệu của DN mình.

“Các nền tảng mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “seeding dạo” như việc xác thực tài khoản, sử dụng thuật toán phát hiện bất thường hay khuyến khích người tiêu dùng cung cấp đánh giá chân thực”.

(Nguồn: doanhnhansaigon.vn)

Link gốc: https://doanhnhansaigon.vn/truyen-thong-qua-seeding-coi-chung-gay-ong-dap-lung-ong-312804.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Bảng xếp hạng '100 nơi làm việc tốt nhất 2024'

Vingroup thành lập công ty nghiên cứu và phát triển người máy

Hellen Yến Phạm: Vượt khó đi đến thành công và viết nên câu chuyện truyền cảm hứng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829