Thứ ba, 11/02/2025, 17:00
Trung Quốc với kỳ vọng dự án điện mặt trời ngoài trái đất
Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch đầy tham vọng, theo đó sử dụng tên lửa siêu nặng để xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian và ví dự án này như “một công trình đập Tam Hiệp bên ngoài trái đất”.
Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian.
Trung Quốc là quốc gia có nhiều công trình điện năng đứng hàng đầu thế giới. Trong đó đáng chú ý đập Tam Hiệp nằm ở thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) hiện là công trình thủy điện lớn nhất thế giới.
Tiếp nối sự kỳ vĩ của đập Tam Hiệp, ngày 26/12/2024, Xinhua đưa tin, đập thủy điện khủng mới dự kiến được xây trên sông Yarlung Tsangpo ở khu tự trị Tây Tạng, nằm ở vị trí độ cao gần 5.000 mét so với mực nước biển, khiến nó trở thành con sông cao nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư cho con đập có thể vượt 1.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT), khoảng 137 tỷ USD. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra gần 300 tỷ kWh hằng năm, gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.
Chưa hài lòng với những công trình thủy điện mang tầm thế kỷ đó, nhất là trong bối cảnh công nghệ số phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao ở quốc gia có nền kinh tế và dân số đứng thứ hai thế giới, Trung Quốc muốn đưa điện năng từ bên ngoài Trái Đất về phục vụ cho đất nước mình. Chỉ vài tuần sau khi công bố dự án thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo, theo Interesting Engineering ngày 10/1, Trung Quốc công bố dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng nhà máy điện mặt trời quy mô lớn trong vũ trụ với sự hỗ trợ của tên lửa đẩy siêu nặng.
Theo Nikkei Asia, điện mặt trời hình thành trong không gian vũ trụ là ý tưởng được một nhà vật lý người Mỹ giới thiệu vào năm 1968. Về cơ bản, đó là việc phóng các tấm pin mặt trời vào không gian để tạo ra điện ở độ cao 36.000km. Các công ty như Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ cũng đang tích cực phát triển công nghệ sản xuất điện mặt trời vũ trụ. Viện Công nghệ California (Mỹ) cũng đang tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan.
Người phụ trách dự án, nhà khoa học tên lửa cao cấp Long Lehao mô tả đây là “dự án đập Tam Hiệp khác nằm ở bên ngoài trái đất”. Long Lehao, thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), chia sẻ trong một bài giảng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang làm việc trong dự án này. Dự án có ý nghĩa như đưa đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000km phía trên trái đất”.
Lợi ích chủ chốt của sản xuất điện mặt trời trong vũ trụ là vận hành liên tục, không bị cản trở bởi thời tiết, chu kỳ ngày đêm hay biến động theo mùa. Hơn nữa, cường độ ánh sáng Mặt trời chiếu tới một bề mặt trong không gian lớn hơn nhiều so với trên mặt đất. Long Lehao đang lên kế hoạch lắp đặt bộ pin quang điện rộng một kilomet dọc quỹ đạo địa tĩnh. Năng lượng thu thập trong một năm sẽ tương đương tổng lượng dầu có thể khai thác từ trái đất.
Thành công của dự án sản xuất điện mặt trời trong vũ trụ nằm ở tên lửa mạnh. Ông Long Lehao và cộng sự đang phát triển Trường Chinh 9 (CZ-9), tên lửa đẩy hạng nặng tái sử dụng. Tên lửa khổng lồ này có thể dẫn đầu thế giới về khả năng vận chuyển hàng nặng. Với công suất chở hơn 150 tấn hàng lên quỹ đạo, nó sẽ vượt qua những tên lửa mạnh nhất của NASA như Saturn V và Hệ thống phóng không gian (SLS).
Để chuẩn bị cho công trình vĩ đại này, trước đó, Trung Quốc đang thử nghiệm những công nghệ chủ chốt cho dự án. Tháng 6/2021, Trung Quốc khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời vũ trụ thử nghiệm ở Bích Sơn. Tháng 11/2023, các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Công nghệ điện Tây An công bố kết quả thử nghiệm “Chasing Sun Project”, hệ thống kiểm nghiệm trên mặt đất hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới dành cho điện mặt trời vũ trụ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, dự án đập Tam Hiệp khác nằm ở bên ngoài trái đất có thể phải mất nhiều năm và nguồn lực chi phí cho nó không hề nhỏ để có thể trở thành hiện thực. Nhưng một khi dự án thành công sẽ là một bước ngoặt lớn của nhân loại, đưa điện ngoài trái đất về phục vụ con người, góp phần làm giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch và phát triển xanh, bền vững.
(Nguồn: baodanang.vn)