Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ năm, 06/07/2023, 08:00

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu kim loại hiếm

Trung Quốc áp lệnh hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại hiếm quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là chip hiệu suất cao, mà nước này đang giữ thế độc quyền sản xuất. Giới quan sát nhìn nhận đây là màn đáp trả bất ngờ của Bắc Kinh đối với các động thái tương tự trước đó của Washington và đồng minh.

Biện pháp kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Ảnh: Bloomberg.

Động thái trên là diễn biến đáng chú ý trong cuộc chiến toàn cầu nhằm kiểm soát công nghệ sản xuất chip, thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ điện thoại thông minh và ô-tô tự lái đến máy tính hiện đại và sản xuất vũ khí.

SCMP dẫn thông báo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/7 cho biết, biện pháp kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium có hiệu lực từ ngày 1/8 nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải nộp đơn đăng ký với cơ quan thương mại địa phương khi xuất khẩu mặt hàng liên quan và phải được Bộ Thương mại Trung Quốc phê duyệt.

Nếu xuất khẩu khi chưa được phép, sẽ bị xử phạt hành chính và đối mặt với các khoản tiền phạt. Cấu thành tội phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngày 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, biện pháp kiểm soát xuất khẩu nguyên vật liệu thô thiết yếu trong sản xuất và chế tạo vật liệu bán dẫn nói trên phù hợp với luật lệ và không nhắm vào bất kỳ nước thứ ba nào.

Tất nhiên, không chỉ riêng Mỹ tỏ ra khó chịu, một số nước vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc đối với nguồn cung nguyên liệu chính phục vụ công nghiệp chế biến - chế tạo cũng không khỏi lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung. Hàn Quốc cho biết, biện pháp của Trung Quốc sẽ gây ra tác động hạn chế đối với nước này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do không loại trừ khả năng Bắc Kinh mở rộng biện pháp này nên Seoul đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để ứng phó kịp thời.

Lệnh hạn chế trên được đưa ra sau khi Washington đưa các công ty của Trung Quốc vào “danh sách đen” nhằm ngăn nước này tiếp cận công nghệ Mỹ, gồm chip tân tiến; đồng thời cân nhắc hạn chế mới đối với vận chuyển vi mạch công nghệ cao sang cường quốc châu Á này. Mỹ cũng không muốn “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chip với Trung Quốc khi tiếp tục lôi kéo các đồng minh có bước đi tương tự.

Tháng 9/2023, Hà Lan sẽ áp đặt hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ để sản xuất chip điện tử. Trong khi đó, China Daily cho biết: “Những người chỉ trích chính sách này có thể hỏi chính phủ Mỹ tại sao họ nắm giữ các mỏ germanium lớn nhất thế giới nhưng hiếm khi khai thác chúng. Hoặc họ có thể hỏi Hà Lan tại sao lại đưa một số sản phẩm liên quan đến vật liệu bán dẫn… vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của mình”.

Các công ty bị ảnh hưởng bởi quyết định trên của Trung Quốc đang gấp rút triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung. Ông Peter Arkell, Chủ tịch Hiệp hội khai thác toàn cầu của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc đang tấn công vào các hạn chế thương mại của Mỹ. Thật là ảo tưởng khi cho rằng một quốc gia khác có thể thay thế nguồn cung gallium và germanium từ Trung Quốc trong thời gian ngắn hoặc thậm chí là trung hạn”.

Theo Caixin, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất chính khi kiểm soát 94% nguồn cung gallium và 83% germanium. Hai kim loại này nằm trong danh sách nguyên liệu thô rất quan trọng đối với kinh tế châu Âu.

Các nhà phân tích Jeffries lo ngại, thời điểm áp dụng biện pháp trên cũng có thể khiến Mỹ khó chịu và hủy chuyến thăm Bắc Kinh tuần này của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Bloomberg lại suy đoán, đây dường như là thời điểm để tạo đòn bẩy cho Trung Quốc khi nước này đang tạo sức ép buộc Nhà Trắng phải dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ cản trở phát triển của nước này.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể có bước đi cứng rắn tương tự khi áp những hạn chế mới đối với xuất khẩu đất hiếm như những gì mà Bắc Kinh từng làm với Nhật Bản 12 năm trước. Đất hiếm được sử dụng trong xe điện và thiết bị quân sự và Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Việc siết xuất khẩu kim loại hiếm có tác động sâu rộng hơn so với lệnh cấm một số lĩnh vực trong nước mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ Micron (Mỹ) tháng 5/2023. Do đó, nguy cơ căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang càng hiện hữu rõ hơn.

Gallium và germanium quan trọng như thế nào?

Hai nguyên tố này có màu trắng bạc, sáng bóng và được xếp vào nhóm kim loại hiếm, có giá trị kinh tế cao vì không thể tìm thấy ở tự nhiên. Chúng được sản xuất với số lượng rất nhỏ, tạo ra dưới dạng phế phẩm trong quá trình tinh chế những vật liệu thô khác như kẽm hay nhôm oxit. Thị trường buôn bán chúng rất hẹp so với những nguồn tài nguyên phổ biến khác như đồng hay dầu.

Gallium được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, kết hợp nhiều nguyên tố khác để cải thiện tốc độ và hiệu quả truyền dẫn, được dùng trong ti-vi và màn hình điện thoại di động, tấm pin mặt trời và radar. Germanium được dùng trong sợi quang, kính nhìn ban đêm và khám phá không gian. Hầu hết các vệ tinh đều được cung cấp năng lượng bằng pin mặt trời có thành phần germanium.

(Nguồn: baodanang.vn)

Link gốc: https://baodanang.vn/channel/5408/202307/trung-quoc-siet-chat-xuat-khau-kim-loai-hiem-3948044/

Chia sẻ

Xem nhiều

Thế giới đang trở nên quá nóng đến mức nguy hiểm

Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỉ đô la Mỹ

Thái Lan kiểm soát chặt hàng hóa nước ngoài

UAE đúc thỏi vàng lớn nhất thế giới, nặng 300,12 kg

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829