Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Quốc tế

Thứ tư, 31/05/2023, 11:30

Trung Quốc đạt bước tiến mới trong cuộc đua vào không gian

Ngày 30/5, Trung Quốc đạt bước tiến mới trong nỗ lực khẳng định vị thế cường quốc không gian với sự kiện phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh-2F, mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16, đưa 3 phi hành gia của nước này lên trạm vũ trụ Thiên Cung, qua đó thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua vào vũ trụ với Mỹ.

3 phi hành gia Trung Quốc tham gia sứ mệnh Thần Châu-16 vào ngày 30/5. Ảnh: China Daily

Thêm những cái đầu tiên đáng giá

Global Times dẫn thông báo của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết, đây là chuyến bay đầu tiên của thế hệ phi hành gia thứ 3 của Trung Quốc và là lần đầu tiên có sự tham gia của phi hành gia dân sự trong sứ mệnh trên tàu vũ trụ. Hành trình lần này cũng đánh dấu nhiệm vụ phi hành đoàn đầu tiên sau khi trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này bước vào giai đoạn ứng dụng và phát triển; đồng thời cũng là điểm hẹn và lắp ghép xuyên tâm đầu tiên được thực hiện theo cấu trúc chữ T do 3 module tạo thành của trạm vũ trụ.

Trong nhóm 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-16, trưởng đoàn là Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng, người lần thứ 4 thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian. Người thứ hai là kỹ sư hàng không vũ trụ Chu Dương Trụ. Người thứ 3 là GS. Quế Hải Triều (36 tuổi) thuộc Trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh. Ông Quế Hải Triều là gương mặt đáng chú ý nhất bởi ông là cá nhân dân sự đầu tiên ở Trung Quốc bay vào vũ trụ. Trước đó, tất cả phi hành gia của nước này được đưa vào vũ trụ đều thuộc biên chế quân đội. Tháng 6/2022, ông được chọn tham gia sứ mệnh Thần Châu-16, trở thành nhà khoa học Trung Quốc đầu tiên thực hiện chuyến bay vũ trụ. 

Nhóm phi hành gia sẽ tiến hành nghiên cứu chuyên sâu kéo dài 5 tháng, tiếp quản công tác từ các đồng nghiệp thuộc sứ mệnh Thần Châu-15. Sứ mệnh Thần Châu-16 sẽ thực hiện các thí nghiệm quy mô lớn, trên quỹ đạo... để nghiên cứu các hiện tượng lượng tử mới lạ, các hệ thống tần số thời gian không gian có độ chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc của sự sống. Tàu Thần Châu-17 dự kiến được phóng vào tháng 10/2023.

Đưa phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030

Con người đã không đặt chân lên mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng của NASA vào năm 1972. Giờ đây, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính trong cuộc đua vào hành tinh này. New York Times dẫn thông báo của CMSA cho biết: “Theo kế hoạch dự án chuyến bay thám hiểm mặt trăng có người lái, người Trung Quốc sẽ đặt chân lên mặt trăng lần đầu tiên trước năm 2030”. Trong chuyến bay, 2 phi hành gia sẽ điều khiển tàu thám hiểm mặt trăng có người lái để nghiên cứu khoa học. Trung Quốc cũng đang triển khai nghiên cứu và phát triển những thiết bị thế hệ mới để phục vụ tham vọng chinh phục mặt trăng và thành lập trạm nghiên cứu ở đó.

Tham vọng đổ bộ lên mặt trăng là một phần của dự án Khám phá mặt trăng rộng lớn hơn của Trung Quốc, còn được gọi là “Dự án Hằng Nga”. Theo đó, con người có thể lưu trú ngắn hạn trên bề mặt mặt trăng, cũng như thu thập các mẫu và tiến hành nghiên cứu. Diễn biến này cho thấy sự cạnh tranh trong vũ trụ ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết, Bắc Kinh có thể đang muốn tiếp cận những địa điểm giàu tài nguyên nhất trên mặt trăng.

Trong 2 thập niên qua, Trung Quốc đạt những thành tựu vũ trụ nổi bật, trong đó có việc xây dựng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu để thay thế cho GPS của Mỹ; thực hiện nhiều chuyến bay có phi hành đoàn kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 2003; đưa đồng hồ nguyên tử lạnh đầu tiên trên thế giới vào không gian vào năm 2026, hoàn thành việc xây trạm vũ trụ Thiên Cung cuối năm 2022; lắp đặt cánh tay robot vào module lõi của Thiên Cung; trở thành nước đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ ở phía xa của mặt trăng vào năm 2019; đưa xe tự hành lên sao Hỏa vào năm 2021... Mỹ cũng không chịu kém cạnh khi tiếp tục đạt tiến bộ đáng kể. Tên lửa của SpaceX gần đây đưa 4 phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế, trong đó có phi hành gia nữ đầu tiên của Saudi Arabia.

Khoảng trống pháp lý

Tranh cãi pháp lý vẫn nổ ra về chuyện Mỹ và nhiều nước khác đang có bước đi nhằm độc quyền tài nguyên trên mặt trăng. Hiện nay, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngoài không gian giữa các nước là Hiệp ước Không gian năm 1967 được quản lý bởi Cơ quan Không gian trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ). Theo đó, thỏa thuận hướng đến sự tự do cho các nước trong khai thác vũ trụ nhưng nhấn mạnh không gian vũ trụ không thuộc chủ quyền hay sở hữu của bất cứ nước nào. Thỏa thuận giới hạn sử dụng, khai thác tài nguyên không gian ở các hành tinh chỉ cho mục đích hòa bình.

Năm 1979, Đại hội đồng LHQ xây dựng Hiệp ước Mặt trăng, xác định đây là di sản chung của nhân loại. Song, Mỹ và nhiều nước từ chối ký, sau đó thông qua luật cho phép sở hữu hợp pháp tài nguyên mà tổ chức, cá nhân khai thác được trong không gian. Các nhà chiến lược quân sự lo ngại, bất kỳ cuộc chiến không gian nào có thể xảy ra đều sẽ liên quan đến việc các nước tấn công vệ tinh của nhau nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng. Do vậy, cần phải có cơ quan chuyên trách về không gian và giải quyết tranh chấp về thương mại hay chạy đua quân sự trong không gian.

(Nguồn: baodanang.vn)

Link gốc: https://baodanang.vn/channel/5408/202305/trung-quoc-dat-buoc-tien-moi-trong-cuoc-dua-vao-khong-gian-3945763/

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829