Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 1

Thứ bảy, 11/06/2022, 13:00

Trồng rừng kiểu Miyawaki

Năm 1972, nhà sinh thái thực vật học Miyawaki Akira (1928 – 2021) thử nghiệm phương pháp trồng cây mới: Furusato no mori (rừng quê hương). Chỉ 2 năm sau, Miyawaki đã chứng tỏ thành quả tuyệt vời và được toàn cầu tin tưởng, học theo.

 

Nhà sinh thái thực vật học Miyawaki Akira (1928 – 2021).

Phương pháp Furusato no mori

Rừng đóng vai trò to lớn trong việc cô lập carbon dioxide. Kể từ sau Thế chiến II (1939 – 1945), Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng của mất mát rừng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có phát triển đô thị.

Tại các thành phố Nhật Bản, không gian bị xây dựng chiếm lĩnh. Khi các thành phố càng mở rộng, lượng cây xanh mất mát càng nhiều. Trước thực trạng này, Miyawaki - người ủng hộ khôi phục rừng bản địa giữa đô thị, không thể im lặng nhìn. Năm 1972, tại nhà máy của Tập đoàn Thép Nippon (Ōita), ông quyết định thử nghiệm phương pháp khôi phục do chính mình nghĩ ra.

Đầu tiên, Miyawaki tìm kiếm các loài thực vật bản địa Ōita. Ông khảo sát khu vực, lên danh sách những cây cổ thụ cao lớn, đặc biệt là cây cối được người dân xem như linh thụ (cây linh thiêng, thường được thờ cúng).

Ngoài cây cổ thụ, Miyawaki còn tìm kiếm cả cỏ và cây bụi bản địa. Sau khi có đủ hạt giống, ông hợp tác với vườn ươm, tiến hành gieo và chăm sóc cây con. Khi cây con đủ lớn, Miyawaki chuyển tới mảnh đất chọn thử nghiệm, tiến hành trồng xen kẽ. Nhờ quen với khí hậu và đất đai, cây cỏ bản địa nhanh chóng bén rễ, phát triển mạnh mẽ. Chẳng bao lâu, nhà máy thép đã được phủ xanh.

Miyawaki đặt tên cho phương pháp khôi phục rừng bản địa của mình là | Furusato no mori. Ông lấy cảm hứng từ cụm từ “chinju no mori – rừng thiêng”, cách gọi rừng linh thụ của Shintō giáo.

Năm 1974, Miyawaki xuất bản tài liệu trồng rừng, phổ biến trong các cơ sở giáo dục Nhật Bản. Năm 1976, ông áp dụng Furusato no mori vào trồng cây trong khuôn viên Trường Đại học Quốc gia Yokohama (Kanagawa).

Thành công nhờ “cây nhà”

Địa điểm Miyawaki áp dụng Furusato no mori ở Đại học Quốc gia Yokohama là bờ đất rộng 2 – 3m, bị các loài cỏ xâm lấn mọc kín. Sau khi làm sạch cỏ, ông cho trồng shii (cây bụi Nhật Bản), tabu (cây vịnh Nhật Bản) và kashi (sồi Nhật Bản).

Ba năm sau, tán cây sồi đạt độ cao 3m, tầng cây bụi cũng phủ kín mặt đất. Mười năm sau, tán cây sồi đạt độ cao 10m.

Ngày nay, bờ đất Đại học Quốc gia Yokohama không còn dấu vết nào của cây cỏ xâm lấn. Các tầng cây bản địa mọc tươi tốt, “xanh hóa” không gian thành công.

Khắp Nhật Bản, chính quyền và người dân nô nức làm theo Furusato no mori. Năm 2011, Nhật Bản gặp phải thảm họa đại địa chấn. Các khu rừng phòng hộ ven biển bị gãy đổ, cần khôi phục gấp.

Chính phủ Nhật Bản cũng ký dự án tái lập bằng phương pháp Furusato no mori. Tính đến nay, khoảng 900 dự án trồng cây ở Nhật Bản đã áp dụng kỹ thuật này.

Từ Nhật Bản, trồng rừng kiểu Miyawaki lan tỏa khắp châu lục. Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nhiệt tình học theo, thu nhiều kết quả đáng mừng. Dần dà, các quốc gia châu Âu, châu Mỹ… cũng ứng dụng trồng rừng kiểu Miyawaki. Tại rừng Amazon, Furusato no mori thể hiện hiệu quả tích cực, khuyến khích các chính phủ tiếp tục. 

Bờ cây bên lối vào Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản được ứng dụng phương pháp trồng rừng kiểu Miyawaki.

Tích tiểu thành đại

Thập niên 1980, Miyawaki lần lượt xuất bản 10 tập Nihon shokusei shi (Thảm thực vật Nhật Bản), ghi chép dữ liệu nghiên cứu của ông về Furusato no mori trên hệ thống thực vật cả nước. Đối với sinh thái Nhật Bản và cả các vùng đất khác, đây là tài liệu tái tạo, khôi phục rừng bản địa quan trọng hàng đầu.

Về cơ bản, trồng rừng kiểu Miyawaki giống như mô phỏng phân bố tự nhiên của các loài thực vật bản địa. Càng trồng được nhiều loại cây bản địa khác nhau, rừng nhân tạo càng đa dạng và giống tự nhiên hơn. Miyawaki lưu ý, khi chọn hạt giống cần đặc biệt thận trọng, tránh loài bị lai tạp để bảo đảm tính thuần chủng.

Kể từ khi có Furusato no mori, các đô thị Nhật Bản thành công đảo ngược tình trạng mất mát cây xanh. Phương pháp trồng rừng kiểu Miyawaki vô cùng thích hợp trong việc phủ xanh các khoảng trống nhỏ lẻ. Không chỉ chính quyền hay các tổ chức mà cả cá nhân cũng có thể ứng dụng, xanh hóa không gian quanh mình.

Lấy ví dụ dải rừng nhân tạo bao quanh Nhà máy Nhiệt điện Higashi - Ōgishima của Công ty Điện lực Tokyo ở Kanagawa. Thập niên 1980, xung quanh nhà máy này hoàn toàn trống trải. Sau khi dọn dẹp cỏ xâm lấn, người ta hạ cây non bản địa với mật độ 1m/cây. Mới mười năm sau, Higashi - Ōgishima đã có rừng rậm rạp bao quanh.

Với đô thị, cây xanh giúp tỏa bóng mát và hạ nhiệt. Tại đất nước lắm thiên tai – Nhật Bản, cây đô thị còn góp phần giảm nhẹ các thiệt hại. Rừng đô thị thì đóng vai trò vách ngăn chống lây lan đám cháy sau động đất.

Trung bình, trồng rừng kiểu Miyawaki chỉ mất 3 - 5 năm để phủ kín mặt đất và 10 năm để xanh hóa. Càng lâu dài, thảm thực vật bản địa càng cao lớn, đa tầng. Tuy đô thị không sẵn không gian rộng lớn cho trồng rừng, nhưng tận dụng mọi khoảng trống thì vẫn đủ để Furusato no mori xanh hóa toàn thành phố.

(Nguồn: giaoducthoidai.vn)

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trong-rung-kieu-miyawaki-RUZajwr7R.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829