Đang tải ...
  
Kinh doanh Doanh nghiệp

Thứ hai, 14/02/2022, 10:30

Triển vọng của Drone 'make in Việt Nam'

MiSmart chỉ là một công ty khởi nghiệp nhưng đã phát triển bùng nổ trong năm đại dịch, doanh thu tăng 500% nhờ sản phẩm thiết bị bay không người lái (drone) “make in Việt Nam”.

Drone MiSmart thực hiện nhiệm vụ.

Những ngày cận Tết, đội ngũ MiSmart (Công ty CP Công nghệ thông minh MiSmart) vẫn miệt mài làm việc trong nhà máy, trên đồng ruộng. Theo Phạm Thanh Toàn, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành MiSmart, để đáp ứng nhu cầu vụ Đông Xuân cho bà con, MiSmart phải “chạy xuyên Tết”.

“Năm 2021, doanh thu MiSmart tăng 500% so với năm 2020. Khách hàng của MiSmart đã ở khắp miền Tây như: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Phát triển ngay trong đại dịch là may mắn của MiSmart, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đội bay miền Tây để hoàn thành sản phẩm make in Việt Nam”-  Anh Toàn điểm lại những dấu ấn đặc biệt của năm qua.

Phạm Thanh Toàn, sinh năm 1988, đã ấp ủ giấc mơ về drone từ khi học thạc sĩ chuyên ngành AI (trí tuệ nhân tạo) tại Nhật Bản nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam khi điệp khúc “giải cứu” nông sản năm nào cũng diễn ra ở quê nhà.

Theo đó, drone sẽ bay “thăm đồng” và phun thuốc giúp quản lý đồng ruộng và xử lý dịch hại hiệu quả, tiết kiệm bảo đảm chất lượng nông sản, minh bạch nguồn gốc và hạ giá thành.

Đến năm 2019, anh Toàn cùng bạn là Trần Phi Vũ (tiến sĩ ngành drone tại Úc) chính thức khởi nghiệp khi lập MiSmart tại TP Hồ Chí Minh.

Những ngày đầu nghiên cứu chế tạo drone, nhóm của anh Toàn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các linh kiện, vì ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa mạnh. Đặt mua thì bị nhà sản xuất từ chối với lý do đơn hàng nhỏ. Sau đó, anh đã phải thuyết phục họ rằng khi MiSmart đi vào sản xuất sẽ sớm trở thành đối tác lớn.

“Với giải pháp sử dụng các thiết bị công nghệ tự động kết hợp với công nghệ AI, vận hành trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), MiSmart đang trên đường trở thành nhà cung cấp các giải pháp số hóa nông nghiệp số 1 Việt Nam, top 3 khu vực Đông Nam Á”-  anh Toàn tin tưởng.

Năm 2020, drone của MiSmart bắt đầu được thương mại hóa. Chỉ 6 tháng sau, hơn 100 sản phẩm đã được cung cấp cho những khách hàng là các đơn vị cung cấp dịch vụ phun tưới, trang trại, công ty, hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước... Nhiều trang trại, công ty trồng cây công nghiệp có độ cao trên 10m bị sâu rầy phá hoại không phun thuốc được đã xem MiSmart như “vị cứu tinh”.

Anh Toàn cho biết do điều kiện đặc thù về trình độ của người điều khiển drone, khách hàng chủ yếu của MiSmart không phải nông dân trực tiếp mà là các tập đoàn nông nghiệp, công ty dịch vụ nông nghiệp, hợp tác xã… có trình độ nhất định, do vậy việc chuyển giao công nghệ sẽ dễ dàng hơn.

MiSmart cũng được thiết kế “máy đo” cho các vùng chuyên canh hoặc từ đặt hàng của khách hàng để hoạt động hiệu quả nhất.

Đến nay, MiSmart đã làm chủ được việc sản xuất bộ phận cơ khí, khung carbon và phần mềm của drone thậm chí đã tiến hành nghiên cứu việc sản xuất pin tại Việt Nam. Drone của MiSmart trở thành sản phẩm “make in Việt Nam” thực thụ.

Với anh Toàn và MiSmart, drone mới chỉ là hành trình đầu tiên cho giấc mơ cơ giới hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam. Anh Toàn cho biết MiSmart đang hướng tới sản xuất, số hóa các máy cày, máy gặt tự động, xe phun xịt tự động. MiSmart cũng đang triển khai dự án cung cấp các sản phẩm tàu ngầm lặn cho các bể nuôi thủy sản ngoài biển để quan sát, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của tôm, cá...

“Với những dự án và giải pháp công nghệ tự động này, chúng tôi khát khao mang đến nhiều lợi ích hơn cho nền nông nghiệp, cho nuôi trồng và người nông dân”- anh Toàn chia sẻ.

Nói về tương lai, anh Toàn cho biết: ngoài lĩnh vực nông nghiệp, MiSmart đang sản xuất và sẽ thương mại hóa các dòng drone giám sát để phục vụ lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quản lý thiên tai; theo dõi các hệ thống truyền tải điện và viễn thông; kiểm tra an toàn trong ngành xây dựng, giao thông; bảo vệ tài nguyên môi trường như: đất, nước, rừng, khoáng sản... cũng như xây dựng bản đồ địa lý. Tương lai không xa, MiSmart có thể phát triển mảng logistics và taxi bay.

(Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Chia sẻ

Xem nhiều

Bảng xếp hạng '100 nơi làm việc tốt nhất 2024'

Vingroup thành lập công ty nghiên cứu và phát triển người máy

Hellen Yến Phạm: Vượt khó đi đến thành công và viết nên câu chuyện truyền cảm hứng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829