Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 23/12/2022, 18:00

Trăm năm làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa

Ðồng bằng sông Cửu Long có nhiều làng nghề, trong đó riêng nghề làm tàu hũ ky có ở nhiều tỉnh, nhưng điều làm nên sự khác biệt của tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đó là giữ được "chất" truyền thống làm nên giá trị văn hóa, "cái hồn, cái lửa" của làng nghề.

Phơi tàu hũ ky ở cơ sở sản xuất tàu hũ ky của ông Ðinh Công Hoàng, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Lò tàu hũ ky luôn đỏ lửa

Làng nghề tàu hũ ky nằm nép mình bên bờ sông Cái Vồn thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trước kia, để tới được làng nghề này, người dân phải đi qua con đò. Còn giờ đây, từ trung tâm hành chính thị xã Bình Minh đi thẳng hơn 1 km qua cầu Từ Tải bắc qua sông Cái Vồn, vòng xuống dốc cầu men theo đường đan nhỏ sẽ đến được. Dù đêm hay ngày, làng nghề lúc nào cũng đỏ lửa, cho ra lò những sản phẩm nóng hổi.

Cơ sở sản xuất tàu hũ ky Ðinh Công Hoàng khá quy mô với khoảng 5-6 dãy lò, mỗi người phụ trách một khu vực riêng. Mỗi lò được bố trí 24 chảo (hai dãy, mỗi hàng 12 chảo), mỗi lần sản xuất "lên lò" là 75 ký đậu nành cho ra 25 ký tàu hũ ky (tỷ lệ 1/3).

Theo quan sát, những người thợ làm nghề tàu hũ ky phải chịu cực vì luôn đứng bên các lò và chảo nấu nước đậu nành nóng bức, ngột ngạt khói tỏa nghi ngút. Cả ngày, người thợ làm tàu hũ ky phải canh chừng lúc nào váng đậu đặc lại là vớt lên ngay để treo phơi, canh chừng củi lửa cháy đều trong các bếp lò. Mỗi lò tàu hũ ky có bí quyết riêng, có công thức pha chế nước cốt đậu nành riêng để miếng tàu hũ thành phẩm được đều, đẹp, dai,...

Ðứng bên các chảo nước đậu nành bắt đầu đóng lớp váng đặc để thành tàu hũ ky, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm, béo của đậu nành. Sự nguyên chất tự nhiên chỉ từ hạt đậu nành xay nhuyễn ra rồi nấu lên, không bỏ bất cứ phụ gia gì chính là yếu tố làm nên thương hiệu tàu hũ ky của làng.

Ông Ðinh Công Hoàng, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: "Nghề làm tàu hũ ky của gia đình tôi được cha truyền con nối cũng đã hơn 70 năm nay. Hay tin tàu hũ ky được công nhận di sản, gia đình tôi cũng như anh em trong làng nghề đều rất hãnh diện. Hơn 70 năm, tuy có lúc thăng trầm, nhưng đến nay làng nghề vẫn có 27 hộ với hơn 200 lao động gắn bó và sản xuất ra thị trường khoảng 7 tấn tàu hũ ky/ngày. Sức sống của làng nghề không chỉ mang đến giá trị về kinh tế cho người dân địa phương, mà còn góp phần hình thành nên nét đặc trưng về văn hóa làng nghề".

Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh Nguyễn Thanh Cần cho biết: Việc tàu hũ ky được công bố vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một niềm vui, niềm vinh dự, tự hào của người dân thị xã nói chung, của 27 hộ dân làng nghề nói riêng. Vì từ đây, làng nghề sản xuất tàu hũ ky Mỹ Hòa được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là hoạt động sản xuất mang tính kinh tế nữa, mà còn mang một giá trị văn hóa truyền thống lâu đời… Ðể bảo tồn, gìn giữ, phát huy làng nghề truyền thống này, địa phương xác định cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân làng nghề. Từ đó họ sẽ gắn bó, duy trì, mở rộng phát triển nghề này.

Bảo tồn đặc trưng văn hóa làng nghề

Theo tư liệu của Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long, vào thế kỷ 18 và 19, những biến động của thời cuộc đã đưa đẩy nhiều người Hoa ở Trung Quốc xuôi dạt xuống phương Nam, mang theo nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đến vùng đất này, trong đó có nghề làm tàu hũ ky.

Năm 1912, ông Châu Xường người Quảng Ðông cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh (1894-1974), Châu Sầm (1900-1973) sang Việt Nam làm ăn sinh sống và nghề làm tàu hũ ky là nghề gia truyền. Ban đầu gia đình người Hoa ấy đặt chân đến là vùng Sa Ðéc nhưng chỉ vài tháng sau họ chuyển về Cái Vồn và chọn Mỹ Hòa để sinh cơ lập nghiệp.

Nghề được truyền trong dòng họ nhưng vẫn thuê những hàng xóm đến phụ giúp, dần dần người Việt trong xóm cũng đã theo nghề làm tàu hũ ky của người Hoa, học được kỹ thuật và bí quyết của nghề này, từ đó hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, làng nghề cũng có lúc thăng trầm, nhưng chưa bao giờ bị mất đi mà ngày càng thịnh vượng.

Ðến nay, làng nghề tàu hũ ky ít có sự thay đổi về quy trình chế biến cũng như công cụ sản xuất. Quan sát quá trình sản xuất tại đây, chúng tôi được thợ lẫn chủ cơ sở sản xuất cho biết "trước làm sao, giờ làm vậy", gần như không có sự khác biệt. Ngày nay, do đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện thì các nhu cầu về hưởng thụ cũng ngày càng tăng. Một số công đoạn trong quy trình sản xuất được thay thế bằng máy móc để đáp ứng nhu cầu về số lượng và tiết kiệm nhân công. Tuy nhiên chỉ thay thế trong việc sử dụng điện, máy móc để tách vỏ đậu, còn các công đoạn khác trong quá trình sản xuất đều phải đòi hỏi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người thợ. Ưu điểm của các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa là độ thơm, béo đặc trưng và đặc biệt là độ tươi, mới của sản phẩm.

Tàu hũ ky được phơi khô.

Các chủ cơ sở chia sẻ, chỉ có nguyên liệu duy nhất là đậu nành. Hiện nay chủ yếu sử dụng đậu nhập khẩu do tăng hơn 20% chất lượng của sản phẩm. Ðể có được sản phẩm, đầu tiên, nước cốt đậu nành được cho vào gần đầy các chảo đun liên tục bằng củi, khi củi phía trên cháy hết cũng là lúc lớp than dày cũng bén lửa khi đó nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa, người thợ dùng vợt để vớt hết bọt trên mặt chảo.

Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm tính toán sao cho khi lửa than cháy cũng là lúc vớt hết bọt đậu. Sau đó dần dần trên mặt chảo sẽ nổi lên một lớp váng, bằng kinh nghiệm người thợ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín. Người thợ dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi dùng que tre vớt lên phơi trên sào.

Sào phơi là những cây tre chẻ đôi được bố trí song song ngay trên miệng chảo, thông thường cứ khoảng 25 phút là vớt một lớp váng. Hơi nước trên miệng chảo cùng độ nóng thoát ra từ các miệng lò sau 30 phút sẽ hun và sấy khô dần các miếng tàu hũ ky. Sau đó tàu hũ ky được sang qua sào khác hong gió nhưng tránh ánh nắng trực tiếp để cho dịu lại dễ xếp và đóng gói…

Theo những nghệ nhân nơi đây, nghề làm tàu hũ ky khá cực nhọc. Khâu đốt lò nấu đậu rất quan trọng vì nó quyết định việc thành công hay không của mẻ tàu hũ ky nên chủ lò rất quan tâm đến việc chuẩn bị chất đốt. Thời xưa thợ thủ công nấu tàu hũ ky chủ yếu bằng rơm, sau này người ta đun lò bằng trấu hoặc củi, kết hợp sử dụng than… Thông thường mỗi lò đốt ngày một lần và cần ít nhất một người đứng bếp, thợ nhồi đậu, thợ đãi đậu, người chất than xếp củi, hình thành nên một dây chuyền đơn giản nhưng đồng bộ. Thợ đứng lò là nhân tố rất quan trọng và cực nhọc đòi hỏi sự nhạy bén và kinh nghiệm vì mỗi lần lên lò thường kéo dài suốt 18 giờ liên tục…

Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh Nguyễn Thanh Cần cho biết, thị xã sẽ tập trung một số giải pháp trong thời gian tới, đó là: tổ chức quy hoạch lại làng nghề gắn đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng chung quanh làng nghề tạo thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, mở rộng quy mô làng nghề, thu hút khách du lịch; thường xuyên tập huấn nâng cao ý thức chấp hành bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân; mở rộng và đầu tư khoa học kỹ thuật cho làng nghề tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi công nghệ lò đốt nhằm giảm chi phí nhiên liệu sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đổi mới mẫu mã bao bì gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; gắn kết sản xuất với phát triển du lịch trải nghiệm, ẩm thực...

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh phấn khởi: "Vĩnh Long có 23 làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề tàu hũ ky. Sản phẩm làng nghề đa dạng, nổi tiếng khắp vùng, dùng cho người ăn chay, ăn mặn, đám tiệc, tặng phẩm cho du khách. Nơi đây từ lâu đã là điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Việc Bộ VHTT&DL đưa làng nghề vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của nghệ nhân, địa phương; mở ra cơ hội quảng bá, phát triển làng nghề, thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long".

(Nguồn: Tin tức miền Tây)

Link gốc: https://tintucmientay.baoangiang.com.vn/tram-nam-lang-nghe-tau-hu-ky-my-hoa-a351100.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829