Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 20/05/2022, 10:30

Trái ngọt trên đất phèn

Tây Ninh - Với quyết tâm bắt vùng đất phèn sinh sôi quả ngọt, ông Nguyễn Văn Sáu ngụ ấp Bình Hoà, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng đã từng bước phục hoá vùng đất này và thu về những quả ngọt.

Vườn khóm của ông Nguyễn Văn Sáu tại ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Khu vực giáp biên giới của xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) từ xưa đến nay là vùng đất trũng phèn, rất khó canh tác. Những năm trước đây, người dân thường bỏ hoang, hoặc trồng cây tràm nước, một số nơi, người dân cố gắng tháo chua, rửa phèn nhưng chỉ canh tác được một vụ lúa nhưng năng suất không cao. Với quyết tâm bắt vùng đất phèn sinh sôi quả ngọt, ông Nguyễn Văn Sáu đã từng bước phục hoá vùng đất này.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp

Là một trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”, ông Nguyễn Văn Sáu hiện sở hữu hơn 200 ha trồng khóm mang về thu nhập mỗi năm hơn hai tỷ đồng.

Cũng như nhiều nông dân gắn bó với vùng đất trũng phèn khu vực biên giới thuộc ấp Bình Quới (xã Phước Bình), để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Sáu đã trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Chỉ tay về phía ruộng khóm rộng mênh mông trước mặt, ông Sáu cho biết, ngày xưa khu này toàn tràm nước với cây lác, chỉ một vài “lõm” nhỏ trồng lúa, nhiều người có ruộng trồng lúa một vụ/năm năng suất thấp vì đất nhiễm phèn nặng, quanh năm ngập nước nên nhiều người không trụ được, bán rẻ đất để đi nơi khác.

Bản thân ông cũng được cha mẹ để lại một ít đất tại đây, thấy nhiều người bán rẻ, ông bàn với vợ, tích góp dần gom tiền mua lại đất nhiễm phèn của bà con, ban đầu cũng chỉ trồng tràm bán cây, trồng ít lúa kiếm gạo ăn.

Đến nay, cả phần đất thuê lẫn đất của gia đình ông đang canh tác tổng cộng khoảng 200 ha. Riêng đất trồng khóm là 60 ha.

Năm 2016, được sự vận động của các cấp Hội Nông dân và chính quyền địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, được đi tham quan, tìm hiểu thực tế nhiều mô hình canh tác trong và ngoài nước, ông nhận thấy cây khóm đặc biệt thích hợp với điều kiện đất nhiễm phèn nặng nên quyết tâm, dồn sức người, sức của đào mương, làm đường để trồng cây khóm.

Ông Sáu tâm sự: “Trước khi quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng khóm, ông cũng phải đắn đo rất nhiều. Vì từ xưa đến nay đã quen với trồng lúa, dù không có lãi nhiều nhưng cũng đủ ăn, trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình”.

Năm 2017, ông bắt đầu nhập cây giống về trồng, ban đầu vì chưa có kinh nghiệm nên ông phải thuê toàn bộ nhân công từ việc trồng, chăm sóc là người ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện, mới bước đầu thử nghiệm nên trong đợt mưa năm đó, hơn 3 ha khóm bị ngập chết sạch.

Không nản lòng, ông bắt tay vào làm hệ thống đê bao chống ngập, làm hệ thống mương thoát nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đường giao thông nội bộ, ông bỏ ra gần cả tỷ đồng nhưng chưa thu lại được đồng nào.

Với phương châm vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, vùng đất phèn năm nào rồi cũng sinh trái ngọt, mỗi năm mang về cho gia đình ông hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận, trung bình, mỗi héc-ta khóm, sau 3 năm trồng thu hoạch đạt sản lượng khoảng 60 tấn.

Theo ông Sáu, ban đầu ông có ký hợp đồng liên kết với một nhà máy chế biến rau củ quả trên địa bàn huyện Gò Dầu. Tuy nhiên, do nhà máy thu mua không đúng theo hợp đồng bao tiêu nên hiện nay ông bán cho thương lái các chợ đầu mối lớn. “Lúc trước tôi ký kết với nhà máy thu mua bao tiêu, khi thu hoạch xong tôi phải thuê xe kéo đến tận nhà máy, việc thanh toán lại rất chậm, vài tháng sau khi hết vụ mới được thanh toán, nhiều lúc số tiền nhà máy nợ tôi lên đến hơn 1 tỷ đồng. Sau này khi nhà máy không còn thu mua, tôi phải tìm thương lái bên ngoài để tiêu thụ, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, đầu ra đã tương đối ổn định, giá thu mua theo thị trường, tôi chỉ việc thu hoạch mang lên đường lô nội đồng thì thương lái đến tại ruộng thu mua".

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Sáu đang trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác như sầu riêng, bưởi…Bên cạnh đó, ông đầu tư xây dựng được 4 nhà yến mới đưa vào khai thác, hứa hẹn mang về hiệu quả kinh tế cao hơn cho vùng đất biên giới của xã Phước Bình.

Ông Nguyễn Văn Sáu, một trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.

Không chỉ nổi tiếng bởi sự thành công của mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Văn Sáu còn là một công dân gương mẫu với nhiều đóng góp vào công cuộc xây quê hương.

Theo ông Sáu, trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của địa phương rất khó khăn do không có đường giao thông, ruộng của ông cách đường khoảng 200m nhưng mỗi lần vận chuyển phân bón gặp nhiều khó khăn và đến khi thu hoạch lúa cũng không có đường vận chuyển ra. Được chính quyền địa phương triển khai chủ trương làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ông hết sức vui mừng.

Bên cạnh việc cùng đóng góp với bà con và chính quyền để làm đường, ông bỏ tiền ra làm cầu và đường giao thông nội đồng vừa phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của gia đình và phục vụ cho bà con nhân dân phát triển sản xuất. Đồng thời, ông còn thường xuyên đóng góp tiền của cùng với địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Ông Phan Thiện Khâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết, ông Nguyễn Văn Sáu là một nông dân đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cây trồng của địa phương. Với mô hình trồng khóm trên đất phèn mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Sáu đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân khu vực biên giới.

Ngoài việc chủ động làm đường giao thông, bắc cầu qua kênh tạo thuận tiện cho viêc đi lại, ông Sáu còn kéo điện thắp sáng cả một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, ông là hội viên nông dân tích cực đóng góp trong các phong trào của Hội, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân cùng phát triển.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết, thực hiện phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Sáu luôn là người có nhiều đóng góp cho địa phương. Ngoài việc đầu tư đường giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của bà con nông dân, ông Sáu còn tích cực đóng góp trong thực hiện các chương trình thắp sáng đường quê, làm 2 cổng chào chào mừng xã Phước Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, ngoài việc ủng hộ nông sản cho các khu phong toả, cách ly y tế, ông Sáu còn phối hợp với xã thuê xe chuyên chở đội ngũ tình nguyện viên tham gia chống dịch, góp phần cùng địa phương phòng, chống dịch hiệu quả.

(Nguồn: baotayninh.vn)

Link gốc: https://baotayninh.vn/trai-ngot-tren-dat-phen-a145375.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

Loạt đám cưới ngập vàng khiến dân tình ‘choáng ngợp’ năm 2024

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829