Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ ba, 12/07/2022, 17:30

Trái cây đổ đống ngoài đường 'ngóng' người mua

Chưa bao giờ trái cây lại được bán dạo trên các xe đẩy, thậm chí cả xe tải nhiều như bây giờ. Từ trung tâm TP ra các quận ven rồi về huyện ngoại thành, đường lớn đường nhỏ đều có người bán trái cây dạo...

Anh Nguyễn Văn Tám chở 5 tấn khóm từ Tiền Giang lên TP.HCM tiêu thụ ở…lề đường

“Từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát, các mặt hàng nông sản bị rớt giá trầm trọng, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây. Có lúc chanh, đu đủ, khoai lang, mít... chỉ 1-2 ngàn đồng/kg nhưng không ai mua. Nhiều nhà vườn lâm vào cảnh lỗ nặng, thậm chí nợ nần. Đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động trở lại bình thường nhưng giá các mặt hàng vẫn chưa được tăng cao”, chị Hoàng Thị Tám (bán trái cây dạo ở vỉa hè đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7) nói.

Tại tỉnh Hậu Giang, mít Thái loại 1 chỉ 3 ngàn đồng/kg, chuối sứ 2 ngàn đồng/kg, đu đủ 4 ngàn đồng/kg… Trước tình cảnh giá rẻ, thương lái không mặn mà, nhà vườn phải tự xoay xở bằng cách đưa hàng lên TP.HCM với hy vọng bán được giá cao, thu hồi vốn.

Chị Đào Kim Cương (tỉnh Hậu Giang) cho biết, 3 công mít của mẹ chị đang trong mùa thu hoạch nhưng giá rẻ. Trước đây, mít loại 1 bán giá 15-20 ngàn đồng/kg, nay chỉ vài ngàn đồng/kg. Thấy vậy, chị đã bàn với mẹ đưa trái cây lên chợ Bà Quẹo (Q.Tân Bình) để bán lẻ.

“Mít chẻ miếng, bỏ cùi bán được 8-10 ngàn đồng/kg, trừ chi phí này kia cũng tạm ổn”, chị Cương chia sẻ.

Các xe bán trái cây ngoài đường.

Dù bán có giá nhưng cũng gây cho gia đình chị không ít khó khăn. “Cách 2-3 ngày, hàng ở quê được mẹ tôi chuyển xe Mỹ Duyên lên tới Bến xe Miền Tây sau đó tôi cùng chồng chở hàng về nhà trọ chứa và bán dần. Do xe chuyên chở khách nên mỗi lần chuyển chỉ được tầm 200kg với phí là 1 ngàn đồng/kg. Nếu muốn chở số lượng nhiều hơn phải thuê xe tải, như vậy chi phí đắt - khoảng 2,5 triệu đồng cho chuyến hàng, không có lời. Vì bán lẻ nên phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của khách hàng. Hôm bán được, hôm ế. Mít không bán kịp sẽ chín, thối xem như bỏ”, chị Cương tâm tư.

Thời gian qua, anh Trần Văn Út (quê Đồng Tháp) phải đưa hàng tấn chuối sứ lên chợ đầu mối Hóc Môn để tiêu thụ. “Gia đình trồng 5 công chuối nhưng bị thương lái ép giá. Trước tình thế đó, cứ nửa tháng tôi phải thuê xe tải chở hàng lên TP.HCM để bán. Tại đây, chuối tôi bỏ mối được 4-5 ngàn đồng/kg. Ban đầu khi tôi chưa tìm được mối, chuối chín đổ đống. Rất may được người quen hỗ trợ, mỗi lần hàng lên tới chợ là có mối sẵn. Hiện tại cái khó là chi phí vận chuyển, thuê nhân công bốc vác. Để có chỗ đậu xe giao hàng tôi phải thuê chỗ. Mỗi chuyến hàng chở chi phí bỏ ra 4-5 triệu đồng nhưng đỡ hơn bán ở quê”, anh Út tâm sự.

Không chỉ khó khăn trong việc vận chuyển, tìm mối giao hàng những nhà vườn đưa nông sản lên TP.HCM còn gặp khó trong việc tìm chỗ bán.

Đang lo lắng cho 5 tấn khóm từ Tiền Giang chở lên TP.HCM tiêu thụ, anh Nguyễn Văn Tám (tỉnh Tiền Giang) cho biết, chưa bao giờ việc mua bán khó khăn như thời điểm hiện tại.

“Trước đây, tới mùa thu hoạch là thương lái đến tận vườn đặt cọc mua, bây giờ tìm nơi tiêu thụ rất khó, nhất là ở quê. Hàng lên được tới TP.HCM cũng không đơn giản. Vô chợ bán phải trả tiền thuế, bán lề đường thì bị công an phạt vì lấn chiếm lề đường. Nếu được tạo điều kiện, được Nhà nước hỗ trợ để hàng hóa của chúng tôi lên TP.HCM bán có giá là niềm vui lớn của người nông dân”, anh Tám hy vọng.

Tuần lễ trái cây vừa được TP.HCM tổ chức tại Q.8 là một trong những hoạt động hỗ trợ người nông dân các tỉnh miền Tây đưa nông sản của mình tới tay người tiêu dùng TP.HCM một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

Tham dự tuần lễ này, anh Huỳnh Thanh Hùng (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã mang 15 tấn bưởi da xanh, chuối, sầu riêng, nhãn…của nhà trồng lên thành phố bán cho người tiêu dùng.

“So với ở quê, nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM cao hơn nên việc bán được là chuyện đương nhiên. Tôi cũng nhận thấy, người dân thành phố rất ưa chuộng sản phẩm quê. Họ cho rằng, hàng ở quê sạch, tươi, chất lượng, giá lại phù hợp. Có những mặt hàng đối với người ở quê thì giá cao nhưng người dân thành phố lại thấy rẻ và rất thích. Điều đó giúp nhà vườn bán được sản phẩm”, anh Hùng cho biết.

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm địa phương, nhất là các loại đặc sản vùng miền, nông sản sạch. Những hội chợ, lễ hội trái cây sẽ góp phần thực hiện điều đó mà không cần phải qua trung gian hay thương lái, giúp sản phẩm quê giữ được uy tín, chất lượng, góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

(Nguồn: giaoduc.edu.vn)

Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/trai-cay-do-dong-ngoai-duong-ngong-nguoi-mua.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Thế giới đang trở nên quá nóng đến mức nguy hiểm

Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỉ đô la Mỹ

Indonesia-'Quốc gia hào phóng nhất thế giới năm 2024'

Thái Lan kiểm soát chặt hàng hóa nước ngoài

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829