Thứ hai, 15/04/2024, 07:30
TP.HCM: Giảm sâu hơn 26.000 học sinh lớp 6 năm học mới
Năm học 2024-2025, TP.HCM giảm sâu hơn 26.000 học sinh lớp 6 toàn thành phố. Dù vậy, áp lực về sĩ số học sinh/lớp cũng như tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc THCS tại nhiều quận, huyện vẫn “nóng”.
Giảm sâu 26.000 học sinh lớp 6 trong năm học tới, song áp lực về sĩ số học sinh ở nhiều địa phương tại TP.HCM vẫn "nóng".
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2024-2025, TP.HCM có khoảng 128.000 học sinh lớp 6, giảm khoảng 26.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Việc giảm xuất phát một phần từ quan niệm về năm sinh của phụ huynh học sinh, theo đó học sinh lớp 6 năm học tới là tuổi Tỵ (sinh năm 2013).
Năm học 2024-2025, quận Tân Phú giảm sâu 1.500 học sinh lớp 6 so với năm học 2023-2024. Tuy nhiên, xét về tổng thể, tổng số học sinh bậc THCS trong năm học tới vẫn cao hơn nhiều so với năm học 2023-2024 do số học sinh lớp 9 ra trường thấp hơn so với số học sinh lớp 6 đầu cấp.
“Mặc dù số học sinh lớp 6 năm học tới trên địa bàn quận có giảm mạnh nhưng vì tổng số học sinh bậc THCS vẫn tăng, số trường lớp xây mới ít, vì vậy áp lực trường lớp trong năm học tới là vẫn có. Điều này vẫn tiếp tục là khó khăn cho các trường THCS khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đến nay, tỷ lệ học sinh bậc THCS trên địa bàn quận học 2 buổi/ngày mới là 47%” - ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho hay.
Để giải quyết bài toán về áp lực học sinh trong năm học tới, ông Đạt cho biết các trường tiếp tục sắp xếp lại phòng ốc, điều chỉnh kế hoạch dạy học, có thể kết hợp vừa dạy 2 buổi, vừa dạy 1 buổi. Ngoài ra, một số bộ môn cũng được đưa lên dạy trực tuyến song không phải là cố định mà được các trường linh động các giờ học phù hợp cho học sinh học, tăng thời lượng học sinh được học trực tiếp.
Tại TP.Thủ Đức, năm học 2024-2025 ước tính có khoảng 16.703 học sinh lớp 6, giảm gần 3.500 học sinh so với năm học 2023-2024.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, số học sinh đầu vào lớp 6 lại thấp hơn số học sinh đầu ra lớp 9, do vậy về tổng thể thì số học sinh bậc THCS trong năm học tới vẫn tăng: “Dù giảm học sinh lớp 6 song về cơ bản áp lực sĩ số học sinh trong năm học tới trên địa bàn TP.Thủ Đức vẫn cao, đặc biệt là các trường THCS ở khu vực ráp ranh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Vẫn sẽ có khoảng 10% các trường THCS dạy 7, 8 buổi/tuần chứ chưa thể đảo bảo dạy 100% 2 buổi/tuần”.
Ông Nguyên cho biết, để gỡ áp lực tuyển sinh đầu cấp cũng như thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình GDPT 2018 ở cả 4 khối lớp bậc THCS trong năm học 2024-2025, TP.Thủ Đức tăng cường đẩy nhanh việc xây dựng nhiều dự án trường, lớp. Trong năm 2024, các dự án đã được giải ngân rất sớm. Từ đây đến năm 2025, TP.Thủ Đức có tới 22 dự án xây dựng mới và cải tạo, sẽ tăng thêm phòng học trên địa bàn quận. Riêng năm học 2024-2025, TP.Thủ Đức sẽ đưa vào sử dụng thêm 4 trường học mới, bao gồm 3 trường mầm non và Trường THCS Phú Hữu với quy mô 45 phòng học đang gấp rút thi công để có thể kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới.
Theo tính toán, năm học 2024-2025, quận Bình Tân giảm khoảng hơn 2.000 học sinh lớp 6. Thế nhưng, tổng số học sinh bậc THCS lại tăng hơn so với năm học 2023-2024 trên 2.300 học sinh, do số học sinh lớp 9 ra trường trong năm nay là khoảng 8.000 học sinh nhưng số học sinh lớp 6 tuyển mới trong năm tới là hơn 10.000 học sinh.
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân nhìn nhận, năm học tới Chương trình GDPT 2018 sẽ phủ hết ở cả 4 khối lớp bậc THCS, đòi hỏi các trường phải tăng được tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy vậy, tỷ lệ học sinh THCS học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận trong năm tới có thể sẽ không tăng nhiều vì áp lực học sinh vẫn cao.
“Năm học 2024-2025, quận đưa vào sử dụng mới Trường THCS Bình Trị Đông B. Cạnh đó, sẽ có thêm điểm phụ Trường THCS Bình Hưng Hòa được sử dụng từ Trường tiểu học Bình Hưng Hòa 1 (cũ). Hai trường này với khoảng 80 phòng học, tiếp nhận khoảng 3.200 học sinh, mới phần nào đáp ứng đủ số lượng học sinh tăng trong năm học mới. Còn về sĩ số học sinh/lớp cũng như tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên toàn quận thì vần còn áp lực…” - ông Tuyên phân tích.
(Nguồn: Giáo dục Online).