Đang tải ...
  
Kinh doanh

Thứ sáu, 04/08/2023, 11:30

Tổ yến tồn kho, gỡ khó cách nào?

Thị trường yến sào hiện gặp khó khăn do sức tiêu thụ giảm, giá bán thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều cơ sở chuyên thu mua tổ yến thô ở Kiên Giang đã tồn hàng số lượng lớn.

Với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng ước đạt 17,5 tấn/năm, Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà nuôi chim yến lớn nhất cả nước. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 2.456 hộ nuôi chim yến với gần 3.000 nhà tập trung ở TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Hòn Đất, Kiên Lương… 

Thời điểm này của những năm trước, yến sào hút hàng, tăng giá. Vì vậy, nhiều cơ sở thu mua tổ yến thô chưa vội bán ra mà ôm hàng chờ tăng giá, dẫn đến tồn kho. Tháng 4/2022, giá yến thô lên đến 23 triệu đồng/kg, nay chỉ dao động từ 12-15 triệu đồng/kg tùy kích cỡ và độ sạch, đẹp. Giá yến thô thấp nhất từ trước đến nay.

Anh Bùi Phú Hiệp (bên phải) - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên yến sào Nguyên Bản, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Rạch Giá) kiểm tra tổ yến tồn kho.

Anh Trần Quốc Phương - Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang, chủ cơ sở yến sào Du Long, đường Phạm Hùng (TP. Rạch Giá) vừa bán lô yến thô hơn 30kg với giá 13 triệu đồng/kg, lỗ khoảng 3 triệu đồng/kg.

Anh Phương cho biết: “Tôi đang tồn khoảng 200-300kg yến thô. Do thời điểm thu mua tổ yến từ các nhà nuôi chim yến khác với giá cao. Sau đó, giá tổ yến cứ giảm dần đến nay. Những năm trước, cứ cuối vụ thu hoạch, giá yến tăng dần, nhưng năm nay hoàn toàn khác. Bán lỗ là giải pháp tạm thời, ngắn hạn để tôi giảm lượng hàng tồn. Trước mắt, tôi hạn chế thu mua mới, chờ giá bán tăng và đầu ra ổn định hơn, chứ không mua nhiều như trước đây”.

Chị Đoàn Thị Kim Anh - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hiền Kim Anh, đường số 5, khu đô thị Tây Bắc (TP. Rạch Giá) vừa bán 40kg yến thô, lỗ 500.000 đồng/kg chia sẻ: “Hiện tôi còn khoảng 20kg yến tinh chế để bán cho các mối sỉ. Đợt này, tôi không lường trước được giá tổ yến giảm. Hiện tôi vẫn tiếp tục thu yến thô từ các nhà yến khác nhưng điều chỉnh giá mua thấp và chỉ chọn thu mua tổ yến đẹp, ít lông”.

Anh Bùi Phú Hiệp - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên yến sào Nguyên Bản, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Rạch Giá) hiện có 4 nhà nuôi chim yến tại huyện Hòn Đất. Vừa bán vài chục ký yến thô, hiện anh Hiệp còn tồn khoảng 50kg tổ yến. Anh Hiệp tìm nhiều giải pháp thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn. Ngoài việc bán hàng trên website riêng, anh Hiệp còn đẩy mạnh bán hàng trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, TikTok shop, Facebook, Zalo…

Anh Hiệp cho biết: “Ngày 8/7, tôi đã dự hội nghị phát triển ngành yến sào toàn cầu năm 2023 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn, chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia… Tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng từ yến sào mà tôi chưa khai thác. Hướng tới, tôi sẽ nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến từ tổ yến nhằm đa dạng sản phẩm từ yến sào”.

Anh Trần Quốc Phương cho rằng các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hơn về vệ sinh nhà nuôi chim yến; tăng cường kiểm tra và có chế tài mạnh hơn khi phát hiện những trường hợp kinh doanh các sản phẩm tổ yến trôi nổi, pha trộn tạp chất vào yến tinh chế nhằm hạ giá thành sản phẩm, giảm giá trị của tổ yến Kiên Giang.

Nhân viên Công ty TNHH MTV yến sào Nguyên Bản, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Rạch Giá) sơ chế tổ yến.

Để giải bài toán tồn kho, tăng giá trị yến sào tại Kiên Giang, sở, ngành chức năng đang từng bước xây dựng các giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững yến sào, phục vụ xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm yến Kiên Giang. Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc trao đổi về tình hình và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nghề yến tại Kiên Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số cơ sở kinh doanh, nuôi chim yến tại Kiên Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu yến sào qua thị trường Trung Quốc.

Đồng chí Trương Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết Kiên Giang có tiềm năng lớn từ nghề nuôi chim yến nên rất cần thiết hướng đến xây dựng thương hiệu yến Kiên Giang; cần có các giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng nuôi hợp lý, sản xuất, chế biến, thị trường và những vấn đề liên quan khác nhằm phát triển an toàn, bền vững và khai thác hiệu quả sản phẩm tổ yến.

Tận dụng ưu đãi, hỗ trợ từ các chính sách khuyến công nhằm phát triển sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm yến lên thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Kiên Giang. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, chuẩn bị các bước để đưa yến Kiên Giang xuất khẩu ra thế giới.

Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang chia sẻ: “Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu yến sào; quản lý chất lượng yến sào qua các tiêu chuẩn ISO, HACCP… Chi hội Yến sào Kiên Giang sẽ phát huy các thế mạnh của chi hội, mở rộng hội viên. Cần có một tổ chức riêng tại Kiên Giang có thể tập hợp những người trong nghề yến cùng hợp lực, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu yến sào Kiên Giang; đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu thu hoạch, sản xuất đến tiêu thụ để tăng giá trị sản phẩm yến sào Kiên Giang”. 

(Nguồn: baokiengiang.vn)

Link gốc: https://baokiengiang.vn/kinh-te/to-yen-ton-kho-go-kho-cach-nao-16018.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Thu ngân sách ước đạt hơn 43% dự toán

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829