Thứ bảy, 17/06/2023, 14:00
Thợ điện tử xưa chuyển nghề
Những năm 1980-1990, nghề sửa chữa thiết bị điện tử gia dụng như: tivi, cassette, radio, loa khá “hot” và ăn nên làm ra.
Nay đồ điện tử gia dụng ngày càng phổ biến, nhiều người sẵn sàng vứt bỏ tivi, loa, radio cũ, hỏng hóc để sắm cái mới nên người thợ sửa điện tử bị thất nghiệp.
Thợ điện tử Bảy Tùng (ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chuyển sang sửa đồ dùng gia dụng. Ảnh: Đ.Phú.
Thời hoàng kim
Những ngày giữa tháng 6-2023, tiết trời TP.Biên Hòa mưa nắng bất chợt, ông Ba Lùn (64 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn giữ thói quen mở cửa tiệm sửa điện tử ở chợ Đồn (P.Bửu Hòa) buổi sớm, rồi tạt sang quán cà phê gần đó uống cà phê, tán chuyện cùng bạn bè. Thỉnh thoảng, ông lại thở dài hoặc than thở về công việc sửa điện tử khi được ai đó hỏi tới: “Ế lắm. Giờ mấy ai tiếc của mà đem sửa như trước nữa”.
Theo ông Ba Lùn, những năm 1980-1990, tiệm sửa điện tử của ông ở chợ Đồn cũng như năm, bảy tiệm sửa điện tử uy tín khác ở TP.Biên Hòa lúc nào cũng nườm nượp khách. Tivi, cassette, radio, loa hư của khách gửi để đầy kho mà không sửa kịp, phải hẹn 5-7 ngày mới giao. Thu nhập lúc đó của ông ngày cũng được trên 1 chỉ vàng, chưa nói tiền công dạy nghề của 2-3 học trò.
Thu nhập của người thợ điện tử Ba Lùn ở chợ Đồn quả thật là hấp dẫn so với những ngành nghề khác vào những năm 1980-1990. Điều này được thợ điện tử Bảy Tùng (67 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) khẳng định là đúng.
Ông Bảy Tùng kể, với tấm bằng kỹ sư điện tử ứng dụng, ông chỉ làm công việc nhà nước được vài năm rồi bỏ ra ngoài làm riêng. Lúc đó, thu nhập một ngày của ông bằng hơn 1 tháng lương viên chức nhà nước. Sẵn tay nghề và mối quan hệ, ngoài sửa chữa, mua bán thiết bị điện tử, ông còn nhận sửa chữa, bảo trì thiết bị điện tử tại các đài truyền thanh huyện nên cuộc sống rất thoải mái.
“Lúc đó, nhà đất rất rẻ, chỉ cần vài cây vàng là mua được. Trong khi đó, thu nhập của tôi chỉ cần 2-3 tháng là mua được nhà đất”, ông Bảy Tùng bộc bạch.
Cũng theo thợ điện tử Bảy Tùng, khi tivi, cassette, radio, dàn loa là tài sản, giá trị vài lượng vàng thì sự hỏng hóc của nó luôn cần đôi tay người thợ điện tử sửa chữa. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa khách hàng và người thợ được đề cao, tôn trọng, săn đón. Nhiều gia đình giàu có khi tivi, cassette “xịn” trong nhà bị hỏng đã chấp nhận bỏ tiền công cao để rước thợ giỏi về tận nhà sửa chữa và lo cơm nước tử tế. Riêng việc họ gửi con em vào học nghề thì ngoài tiền học phí 1-2 lượng vàng, họ quan tâm người thầy dạy nghề không thua kém gì ông giáo dạy chữ.
Chuyển đổi nghề
Cái thời vàng son của người thợ sửa chữa điện tử dần mất theo sự phát triển của đất nước, hàng điện tử nhập vào ngày càng nhiều, giá rẻ và người dân dễ dàng sở hữu được thiết bị. Nhất là tâm lý, đồ điện tử khi hết bảo hành, hỏng hóc thì mua cái mới dùng cho tốt, không cần sửa chữa vì tiền sửa cũng gần bằng tiền mua mới, lại mất công mang đi sửa, chờ đợi. Điều đó buộc người thợ điện tử phải linh hoạt chuyển đổi công việc phù hợp để mưu sinh.
Niềm vui của khách và thợ khi tivi được sửa xong. Ảnh: Đ.Phú.
Nắm bắt được xu hướng đó, rất nhiều thợ sửa điện tử chuyển sang nghề mới như sửa: điện thoại, máy vi tính, điện lạnh. Riêng những người thợ già như ông Bảy Tùng thì sửa đồ gia dụng điện tử như: nồi, bếp, quạt…
“Có sẵn tay nghề sửa điện tử, khi nhu cầu sửa chữa tivi, cassette, radio giảm mạnh, tôi linh hoạt học hỏi, chuyển đổi sang sửa điện thoại nên cũng đủ sống và lo cho gia đình”, thợ điện tử Văn Tuấn (nay sửa điện thoại ở chợ Đồn, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ.
“Đồ điện tử gia dụng hiện nay được thiết kế theo kiểu nửa điện tử, nửa phần cơ. Khi nào nó hư phần điện tử thì người dân đem tới tôi sửa. Do giá trị của đồ dùng không cao, chỉ vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng nên tiền công cũng chỉ vài chục ngàn tới 100 ngàn đồng/món đồ là cùng”, ông Bảy Tùng bộc bạch.
Một tiệm sửa chữa điện tử, đồ gia dụng nhỏ nằm lọt thỏm trong một con hẻm cụt ở chợ Long Bình Tân (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) của ông Lý Hải (68 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) ngày càng lèo tèo khách mang tivi đến sửa. Tuy vậy, ông Lý Hải vẫn cảm thấy an ủi vì khách hàng quen vẫn còn nhớ tới ông, tạo cho ông việc làm bằng cách mang đồ gia dụng bị cháy mạch ra sửa chữa.
Ông Lý Hải bày tỏ, do đồ gia dụng ngày càng hiện đại, thiết kế các vi mạch điện tử nhiều nên việc bị cháy, hỏng phần điện tử trong quá trình sử dụng là không tránh khỏi. Vì lẽ đó, tay nghề điện tử của ông vẫn còn hữu dụng đối với các bà nội trợ.
Cũng theo ông Lý Hải, nghề nào cũng cần có sự đam mê, tìm tòi học hỏi và ứng biến sao cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống để sinh tồn. Chính vì vậy, khi công việc sửa chữa tivi, cassette, radio ngày càng ế ẩm, vắng khách hàng, ông và nhiều người thợ điện tử khác chấp nhận sửa chữa nồi, quạt, máy lạnh… bị hỏng hóc phần điện tử. Hiện nay, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện lạnh như: máy lạnh, quạt điều hòa… tăng cao khiến một số vật dụng làm mát nhanh hỏng hóc, nên làm thợ sửa điện lạnh thường có thu nhập cao hơn.
Thợ điện tử Lý Hải (68 tuổi, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Xã hội luôn vận động phát triển, chúng tôi phải biết quên đi quá khứ vàng son một thời để bắt nhịp với cuộc sống hiện tại bằng cách chuyển đổi công việc cho phù hợp để mưu sinh”.
Tại cửa hiệu “điện tử Tùng” trong con hẻm nhỏ ở KP.2, P.Trung Dũng, ông Bảy Tùng, chủ tiệm tỏ ra vui hẳn mỗi khi có người mang tivi tới sửa. Ông Bảy Tùng cho biết: “Bảng hiệu thì sửa điện tử nhưng sửa nồi cơm điện, quạt điện, bình nước hoài cũng thấy tủi lòng. Thấy có khách mang tivi tới sửa là tôi mừng lắm”.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu thành ngữ này quả đúng với những người thợ điện tử những năm 1980-1990 còn sót lại và hiện tại họ chuyển sang công việc sửa điện thoại, máy vi tính, điện lạnh. Với lòng yêu nghề, sự linh hoạt của tư duy chuyển đổi nghề nghiệp thì tay nghề của họ vẫn còn hữu ích và làm nên giá trị cuộc sống khi xã hội không ngừng đổi thay, phát triển.
(Nguồn: baodongnai.com.vn)
Link gốc: https://baodongnai.com.vn/phongsukysu/202306/tho-dien-tu-xua-chuyen-nghe-3169002/