Thứ hai, 07/08/2023, 10:30
Thiệt hại nặng do lũ đến sớm trên sông Đồng Nai
Đồng Nai - Sau hơn 10 ngày, mực nước trên sông Đồng Nai vẫn ở mức cao khiến hàng trăm ha cây trồng thuộc vùng trũng ven sông H.Tân Phú, H.Định Quán vẫn ngập sâu trong nước. Năm nay, lũ đến sớm kèm mưa lớn, các thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt bất thường và thiệt hại lớn cho người dân.
Khu dân cư ven sông tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) bị ngập trong đợt lũ. Ảnh: Văn Tuấn.
Xuất hiện sớm, kéo dài
Từ đêm 27/7, nước lũ tràn về đột ngột trên sông La Ngà khiến hàng chục dèo nuôi cá bè tại khu vực các xã Thanh Sơn, Ngọc Định (H.Định Quán) bị cuốn trôi. Những ngày tiếp theo, các khu vực trũng, thấp ven hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là tại các huyện Tân Phú, Định Quán bị ngập lụt do lũ.
Cụ thể, các xã Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Hòa và Gia Canh (H.Định Quán) đã xảy ra ngập cục bộ tại một số khu vực trũng. Thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi cá bè khi toàn huyện có 1.845 tấn cá các loại bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên thuộc 269 lồng, bè của 38 hộ nuôi cá bị thiệt hại tập trung tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Vinh. Toàn huyện có 195,5ha đất trồng lúa, rau màu và cây trồng khác bị ngập; 11 căn nhà bị ngập… H.Tân Phú có hơn 565ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập; 35 hộ bị ngập nền nhà, 50 hộ bị ngập chuồng gà, chuồng heo... tập trung tại các xã Nam Cát Tiên, Phú Điền, Phú Thịnh.
Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc HTX Đồng Thuận (xã Phú Điền, H.Tân Phú) lo lắng, hơn 1 tuần qua, nước lũ trên sông Đồng Nai tràn về làm ngập trắng cánh đồng ở xã Phú Điền, nhiều vùng trũng mức nước ngập sâu hơn 1m, tràn lên các tuyến đường nội đồng. Từ ngày hôm qua, nước bắt đầu rút nhưng rất chậm. Khi nước bắt đầu ngập, những cánh đồng lúa sắp chín, nông dân thức trắng đêm gặt lúa chạy lũ nhưng lúa non, lại bị ngâm nước nên giá bán thấp, năng suất cũng giảm mạnh do hao hụt lớn.
Theo ông Thuận: “Lũ năm nay không chỉ xuất hiện sớm hơn mà còn kéo dài vì mọi năm thường 4-5 ngày là lũ rút, năm nay, thời gian ngập đã hơn 10 ngày mà nhiều vùng trũng nước vẫn ngập sâu cả mét. Những đồng lúa còn lại chưa thu hoạch bị ngập sâu, kéo dài xem như mất trắng. Nước rút chậm cũng khiến những nông dân có vườn cây lâu năm bị ngập như ngồi trên lửa vì lo không giữ được cây trồng”.
Phó trưởng phòng NN&PTNT H.Định Quán Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nhiều vùng bị ngập trên địa bàn huyện nước đã rút nhiều, tuy nhiên một số vùng trũng, nhất là một số cánh đồng lúa, nước vẫn ngập trắng đồng. “Năm nay lũ đến sớm và bất thường hơn nhiều so với mọi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với người nuôi cá bè vì trước đó mùa khô kéo dài làm cá nuôi bè chậm sinh trưởng; mặt khác thị trường tiêu thụ chậm cũng là nguyên nhân lượng cá đến kỳ thu hoạch còn tồn tại các bè nuôi nhiều khiến lũ xuất hiện nhiều hộ bị thiệt hại nặng” - ông Giang nói.
Nước sẽ rút nhanh trong vài ngày tới
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai thông báo, từ ngày 5/8, mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) bắt đầu xuống nhanh với mức trung bình khoảng 30cm/ngày. Đến cuối ngày 6/8, mực nước tại đây sẽ từ mức báo động 3 xuống về mức báo động 2. Tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà), mực nước sẽ xuống chậm hơn với mức bình quân từ 10-15cm/ngày. Nguyên nhân vì thượng nguồn khu vực này có nhiều vùng trũng còn chứa nước nhiều, nguồn nước này sẽ tiếp tục đổ về hạ nguồn trong thời gian tới khiến mực nước trên sông La Ngà rút chậm hơn.
Nhà dân tại xã Ngọc Định (H.Định Quán) bị ngập trong đợt lũ.
Ông Huy so sánh, đợt lũ năm nay đến sớm, tuy đỉnh lũ không cao bằng đỉnh lũ năm 2019 nhưng nước rút rất chậm gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân xuất hiện đợt lũ vừa qua là do những đợt mưa lớn kéo dài kết hợp với các thủy điện ở thượng nguồn sông Đồng Nai xả lũ khiến mực nước sông Đồng Nai dâng cao kéo dài nhiều ngày hơn hẳn so với mọi năm.
Khoảng 2 ngày trở lại đây, mưa giảm nhiều, thậm chí không còn mưa nên dự báo mực nước sông Đồng Nai sẽ giảm nhanh trong vài ngày tới. Dự báo từ nay đến tháng 9, lượng mưa sẽ xấp xỉ trung bình mọi năm, từ tháng 10 lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm và có thể mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn mọi năm.
Những ngày qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các huyện: Tân Phú, Định Quán đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện cùng các ban, ngành của xã và ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn các xã đã di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ngập, bị ảnh hưởng bởi lũ đến những khu vực an toàn; các hộ nuôi cá lồng bè cũng đã khẩn trương di chuyển các lồng bè nuôi cá neo đậu vào các vị trí an toàn. Chính quyền huyện và các đơn vị liên quan đã phối hợp với các xã thăm hỏi, động viên kịp thời đối với các hộ dân bị thiệt hại.
(Nguồn: baodongnai.com.vn)
Link gốc: https://baodongnai.com.vn/kinhte/202308/thiet-hai-nang-do-lu-den-som-tren-song-dong-nai-3173669/