Đang tải ...
  
Kinh doanh

Thứ ba, 06/08/2024, 16:30

Thị trường thời trang xa xỉ châu Á thay đổi

Thị trường thời trang xa xỉ phát triển mạnh ở châu Á kể từ sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, ghi nhận mới tại thị trường này đang có sự đảo chiều, nhiều thương hiệu thời trang lớn sụt giảm về doanh thu.

Một cửa hàng Louis Vuitton của LVMH tại Trung Quốc.

Trong báo cáo mới nhất về kinh doanh nửa đầu năm 2024, tập đoàn LVMH ghi nhận doanh thu thị trường châu Á (không bao gồm Nhật Bản) sụt giảm ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể quý I giảm 6%, quý II giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior và một số thương hiệu trang sức xa xỉ. Trong khi đó, tập đoàn Kering cũng ghi nhận doanh thu giảm tới 11% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo tổng hợp từ Reuters, kể từ tháng 3 đến nay, tổng giá trị vốn hóa của 10 công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới đã giảm 250 tỉ USD. Trong đó, nơi ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng nhất chính là Trung Quốc, vốn được xem là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới sau dịch COVID-19. Cụ thể, Richemont - công ty mẹ của thương hiệu trang sức Cartier - ghi nhận doanh thu quý II tại Trung Quốc và Hong Kong giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Jochen Stanzl, chuyên gia phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets, cho rằng: “Thị trường hàng xa xỉ đang biến động. Các nhà đầu tư và người tiêu dùng đang nhìn nhận lại rằng các thương hiệu xa xỉ có còn là một kênh đầu tư an toàn, “tránh bão” trước những cuộc suy thoái kinh tế như trước đây hay không”.

Armelle Poulou, Giám đốc tài chính của Kering, đánh giá “Hiện tại có nhiều sự không chắc chắn trong lĩnh vực xa xỉ. Chúng tôi nhận thấy ở mọi khu vực, lòng tin của người tiêu dùng mong manh và điều đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm xa xỉ”. Theo đó, các phân tích cũng chỉ ra rằng sụt giảm tại thị trường Trung Quốc đang là vấn đề lớn nhất và khó giải quyết nhất. Người tiêu dùng nơi đây đang có xu hướng cắt giảm mạnh chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

Theo Guardian, hiện nay người tiêu dùng rất hạn chế chi tiêu cho túi xách, quần áo hàng hiệu... Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ đang suy yếu rõ ràng, thể hiện qua doanh thu của LVMH, Kering… Trước đó, khu vực châu Âu đã có suy giảm mạnh từ lúc dịch bệnh, các thương hiệu xa xỉ chuyển hướng tập trung cho khu vực châu Á. Tuy nhiên xu hướng “tiêu thụ dưới định mức” đang tác động đáng kể đến thị trường hàng xa xỉ ở thị trường châu Á. Người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu, họ lựa chọn ưu tiên các mặt hàng thiết yếu và tiết kiệm hơn.

Các thương hiệu xa xỉ buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung vào các phân khúc khách hàng có khả năng chi tiêu và tìm cách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Thực tế, vẫn có một số thương hiệu cao cấp giữ vững doanh thu trong bối cảnh biến cảnh hiện nay. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, doanh thu của Hermès tăng 12% trong nửa đầu năm 2024. Hermès có chiến lược hướng đến khách hàng cốt lõi, trong khi LVMH phụ thuộc khá nhiều vào dòng khách du lịch. Điều này cho thấy, các thương hiệu cần có chiến lược mới về sản phẩm, tập trung vào dòng khách cốt lõi, để có thể kịp cải thiện doanh thu cuối năm.

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/thi-truong-thoi-trang-xa-xi-chau-a-thay-doi-a176873.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nhiều người mất tiền triệu phí nhắn tin ngân hàng

Bảng xếp hạng '100 nơi làm việc tốt nhất 2024'

Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra thế giới

Từ 2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829