Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 2

Thứ năm, 20/01/2022, 19:00

Thí sinh cần lưu ý gì trước 'ma trận' xét tuyển đại học 2022?

Nhiều thí sinh và phụ huynh lúng túng trước 'ma trận' phương thức xét tuyển đại học năm 2022...

Thí sinh cần làm gì khi gặp 'ma trận' phương thức xét tuyển đại học 2022?

Như ngồi trên đống lửa

Có nguyện vọng thi vào trường Đại học Thương Mại, Trần Minh Anh, học sinh trường THPT Ngô Gia Tự, Vĩnh Phúc cảm thấy khá hoang mang khi có quá nhiều cách xét tuyển.

"Những năm trước chỉ có 2,3 phương thức xét đầu vào thôi đã khiến chúng em thấy rất lo lắng rồi, nên năm nay em lại càng cảm thấy áp lực hơn. Sự đa dạng trong cách xét tuyển làm em rất mông lung khi không biết phải dùng hình thức nào để tỉ lệ đỗ vào trường mà mình thích được cao nhất", Minh Anh chia sẻ.

Với mong muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại Thương, Phó Hà Tuệ Tâm, học sinh lớp 12 ở Cầu Giấy, Hà Nội không chỉ tập trung vào học các môn học chính để xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, Tâm còn được gia đình đầu tư học thêm chứng chỉ IELTS để có thể đảm bảo chắc chắn hơn trong việc xét tuyển của mình. Tuy nhiên, đứng trước việc phải học trực tuyến kéo dài, Tâm lo lắng mình sẽ không đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Tâm chia sẻ: "Đối với cá nhân em, việc học online không đạt hiệu quả như học trực tiếp bởi hình thức học này làm em rất dễ phân tâm và không thể tiếp thu bài một cách trọn vẹn. Ngoài ra, nhiều lúc em cảm thấy rất mệt mỏi và chán chường vì cả ngày cứ phải ngồi trước màn hình máy tính, loanh quanh trong nhà, chẳng thể đi đâu".

"Trong khi chất lượng học tập có thể giảm sút, căng thẳng lại càng tăng lên khi em nhận được thông tin có đến hơn 10 phương thức xét tuyển đầu vào. Khi đó, chắc chắn điểm chuẩn của kì thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng cao. Các bạn lại đổ xô đi học thêm các chứng chỉ ngoại ngữ, còn kỳ thi đánh giá năng lực thì vẫn còn khá lạ lẫm với chúng em", Thúy băn khoăn.

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hay học thêm các chứng chỉ ngoại ngữ là lựa chọn của nhiều thí sinh để bổ sung thêm "phần thắng" trong cuộc đua vào đại học. Bởi hiện nay, có rất nhiều trường top đầu đang muốn sử dụng kết quả của 2 hình thức này để khẳng định chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cái khó là làm sao các em có thể "dung hòa" được hết nội dung kiến thức của các kỳ thi này lại để ôn tập có được một kết quả tốt nhất.

Nhiều học sinh bối rối trước kì tuyển sinh sắp tới.

Có con trai đang trong thời gian "bứt tốc" ôn luyện để xét tuyển đại học, chị Nguyễn Thị Yến (Hà Đông, Hà Nội) khá lo lắng khi con lựa chọn vừa thi tốt nghiệp THPT đồng thời tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Chọn thi 2 hình thức thì gánh nặng sẽ tăng thêm gấp đôi. Cái khó nữa là các con đang cùng phải học và ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT chung, lại vừa phải thi thêm bài thi riêng của các trường đại học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nếu con đã quyết tâm thì làm phụ huynh, tôi chỉ biết động viên con cố lên và làm hết khả năng của mình thôi", chị Yến tâm sự.

Bình tĩnh, tập trung ôn tập

Hiểu được sự lo lắng của thí sinh, các nhà trường đang rất tích cực và gấp rút ôn tập cho học trò của mình. Cô Nguyễn Lan Hương (Giáo viên THPT, Vĩnh Phúc) cho hay: "Nhà trường vẫn đang triển khai kế hoạch dạy và học cho học sinh theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, tôi cùng các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy học sinh lớp 12 cũng đã tìm hiểu thêm đề thi khảo sát năng lực của các trường đại học để có thể đưa ra những đóng góp kịp thời cho các em".

Cô Hương chia sẻ thêm: "Trước hết, các em học sinh và phụ huynh nên ổn định về tâm lý. Không cần phải quá lo lắng trước sự phong phú của cách thức tuyển sinh. Điều các em cần làm bây giờ là bình tĩnh, giữ tâm lý thoải mái và suy nghĩ lạc quan thì mới có thể ôn tập tốt cho rất nhiều kỳ thi ở phía trước".

Thầy Trần Mạnh Tùng (Giáo viên toán tại Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi này là phù hợp với luật giáo dục đại học cho các trường đại học được tự chủ tuyển sinh.

Thầy Tùng chia sẻ: "Nhiều phương thức tuyển sinh đồng nghĩa với khả năng có thể đánh giá năng lực, tư duy logic, khả năng vận dụng kiến thức của các thí sinh, không chú trọng đánh giá tái hiện kiến thức, tránh học tủ, học vẹt. Đây là xu hướng đánh giá tiến bộ trên thế giới, Việt Nam mình đang đi sau, cần phải tích cực thay đổi, không chỉ trong các kì thi mà còn cần thiết trong toàn bộ quá trình dạy và học.

Hơn nữa, điều này còn giúp tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh: Có thể được thi nhiều đợt, dùng nhiều con đường khác nhau, bảo lưu kết quả, tránh rủi ro".

Thấu hiểu được sự bối rối của các em học sinh khi đứng trước "cơn bão" xét tuyển đầu vào, thầy Tùng cũng đã gợi ý những chiến thuật tốt nhất để có thể ôn tập hiệu quả.

"Đầu tiên, các em cần phải cập nhật thông tin tuyển sinh một cách đầy đủ, kịp thời. Tất cả đề án tuyển sinh bao gồm: chỉ tiêu, phương thức, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ,... đều được các trường cập nhật trên website. Thay vì tập trung vào tất cả các cách thức thì hãy chọn lọc ra những phương án xét tuyển mà mình có thể đáp ứng được. Từ đó, các em sẽ tìm ra được từng cách học cụ thể để phù hợp với con đường xét tuyển đã chọn.

Nhiều trường học cố gắng giảng dạy và hỗ trợ cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, cá nhân các em cũng phải chăm chỉ, học nghiêm túc tất cả các môn còn lại, và không được học quá lệch. Coi Toán, Văn là chủ đạo và đầu tư học thêm ngoại ngữ nếu có khả năng. Bởi khối thi năm nay gần như biến mất, chỉ còn tỉ lệ rất thấp (tầm 10-20%). Quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực cũng là một cách thức tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho mình, vì đã có khoảng gần 50 trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xếp loại đầu vào", thầy Tùng nhấn mạnh thêm.

(Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829