Thứ hai, 26/08/2024, 17:30
Theo chân 'ngư dân trên cạn'
Quảng Nam - Ở vùng biển Núi Thành có một nghề thật lạ. Người dân gọi nôm na là nghề “cọ rửa, tắm táp cho tàu cá”.
Những người thợ cọ rửa, làm sạch lớp phù du bám bên ngoài con tàu gỗ mới trở về sau chuyến đi biển dài ngày.
Bình minh ló rạng trên cảng cá An Hòa (Tam Giang, Núi Thành). Mặt trời đỏ như quả cầu lửa trồi lên mặt biển thì cũng là lúc những tiếng rột roạt vang lên cùng lúc.
Hai người đàn ông, ba người phụ nữ trùm kín mặt, mặc đồ dày cộp để chống cái nóng miền biển. Họ chia nhau từng khoảnh đất cát quanh con tàu cá hơn 1.000CV rồi tỉ mẩn kỳ cọ lớp vỏ tàu.
“Ngư dân” trên cạn
Chủ con tàu cá ngàn mã lực mang số hiệu Qna91917 vừa trở về sau chuyến câu mực ở Trường Sa - ông Huỳnh Văn Anh vẻ uể oải rảo quanh con tàu cá vừa được đưa lên “nề” (lên cạn để bảo dưỡng). Ông Anh chà tay gỡ từng lớp rêu, phù du và sần sùi vỏ ốc chết bám thành lớp trên vỏ tàu.
“Tụi này không hiểu ở đâu ra mà bám dai như đỉa, lấy tay gỡ không dứt ra được. Sau mỗi chuyến đi biển, tui phải tốn cả mớ tiền thuê người tới lau dọn, kì cọ vỏ tàu để sơn phết lại, phòng tàu lủng đáy hoặc hỏng hóc” - ông Anh nói.
Con tàu lớn như quả núi nằm gọn trên hai thanh ray, phần đầu được giữ cứng bằng sợi dây cáp to như cổ chân. Ông Anh bảo đây là thời gian quan trọng nhất để tàu được tắm rửa, sửa sang trước khi quay mũi trở ngược ra vùng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Với người dân không làm biển, lớp vỏ ốc, hàu sữa, phù du đang bám dày đặc dưới lớp áo con tàu cá khổng lồ là hình ảnh bình thường nhưng với các chủ tàu thì đó lại là một nỗi ám ảnh.
Các ngư dân cho biết dù tàu di chuyển liên tục trên mặt nước, nhưng mầm sống các sinh vật phù du luôn có giữa biển cả nên khi tàu rẽ sóng, một số mầm giống có thể bám được vào thân tàu và nhân rộng ra. Chỉ cần ít ngày, từ lớp áo nhẵn mịn, láng bóng, con tàu cá sẽ phủ một lớp ốc “chem chép” và hàu sữa bám xếp lớp bên ngoài.
Những người thợ cọ rửa, làm sạch lớp phù du bám bên ngoài con tàu gỗ mới trở về sau chuyến đi biển dài ngày.
Ngư dân Nguyễn Dự, thôn Đông An, xã Tam Giang nói rằng hàu sữa, ốc biển bám vào vỏ tàu không chỉ ăn mòn, đục hư hại thân vỏ mà nếu không được cọ rửa, bóc tách thường xuyên sẽ trở thành một lớp cản dày hạn chế tốc độ di chuyển của con tàu.
“Ngó nó bám thì đơn giản vậy chứ nếu không cạo rửa thì máy chạy ì thấy rõ luôn. Bình thường ví dụ tàu chạy 20 hải lý/giờ thì nếu vỏ áo dính đầy phù du thì tàu chỉ chạy được tầm 16-17 hải lý mỗi giờ” - ông Dự nói.
Những ngư dân đi biển ngàn đời hiểu rõ sự tai hại của các sinh vật bám trên thân tàu sau mỗi chuyến đi và từ đó cũng sinh ra một cái nghề lạ lùng cho những người lao động không đi biển. Đó là nghề “cọ rửa, tắm táp” cho tàu cá.
Người dân miền biển nói rằng dù không đi trên sóng nước, nhưng những người đi cọ rửa là một phần của dịch vụ hậu cần nghề cá, những “ngư dân trên cạn” chính hiệu.
Lặn xuống nước để… kỳ cọ, làm sạch cho tàu
Ngoài các tàu “lên nề”, công việc của những người thợ tắm rửa, kỳ cọ cho tàu cá neo trên cảng biển còn làm cả dưới mặt nước. Đó là các tàu hàng dừng chân trên hành trình di chuyển, các tàu cá neo lâu ngày mà không ra biển hoặc tàu đi hải trình ngắn về đậu dưới nước mà không lên cạn.
Để kỳ cọ, làm sạch cho những tàu cá này, không còn cách nào khác, người thợ phải đeo ống hơi, cầm theo cây sủi lặn xuống mặt nước hàng chục phút để làm sạch. Công việc khó khăn, nặng nhọc và hiểm nguy hơn nên chỉ dành cho đàn ông. Tiền công cũng vì thế mà được trả cao hơn.
Đội thợ trên cạn
Khi một con tàu mệt nhoài, lặc lè về bờ với đầy bụng cá tôm nhưng dưới lớp vỏ bám dày đặc ốc hàu và tới kỳ bảo dưỡng thì việc đầu tiên là phải đưa tàu lên cạn. Ngư dân gọi là “lên nề”. Con tàu được neo buộc cẩn thận, định vị chắc chắn thì sau vài hôm sẽ khô lớp vỏ áo. Lúc này công việc cạo rửa được tiến hành.
Con tàu cá công suất lớn đang được “lên nề” để tắm rửa, kỳ cọ trước khi trở lại biển.
Buổi sáng cuối tháng 3, đội thợ của ông Ngô Hồng Minh, nhà ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang (huyện Núi Thành) nhận công việc tắm rửa, kỳ cọ cho con tàu cá mới trở về sau hai tháng nằm khơi.
Sau khi xem qua lớp hàu và ốc “chem chép” bu bám dày đặc ngoài lớp vỏ, ông Minh ra giá gần 20 triệu đồng cho việc cọ rửa, làm sạch phần vỏ, sơn đáy tàu.
Chủ tàu trao đổi rồi gật đầu chốt giá. Sau vài cuộc điện thoại, hai người phụ nữ đứng tuổi và một nam thanh niên chạy xe máy trờ tới. Trên tay mỗi người là một chiếc “sủi” có hình dạng chữ T với cán bằng ống tuýp sắt dài như cây xà beng, phần mũi là một lưỡi dao được hàn cứng vào tay cầm, lưỡi được mài sắc lẹm.
“Rột! Rột! Roạt! Roạt!” - những âm thanh đồng loạt vang lên. Bốn “ngư dân trên cạn” chia nhau ra bốn góc rồi ngước cổ lên lớp vỏ tàu cá, dùng tay đẩy chiếc sủi hướng về phía trước.
Sủi đi tới đâu lia mũi dao sắc lẹm làm lớp vỏ tàu nhẵn mịn tới đó, lớp ốc “chem chép” và phù du đại dương, hàu non rụng xuống như cầm nắm gạo mà rải xuống lớp cát.
Việc tắm rửa, kỳ cọ cho tàu cá ngó qua tưởng đơn giản mà không dễ làm. Công việc không phức tạp nhưng việc phải cầm trên tay dụng cụ sủi nặng trịch và cổ luôn rướn ngược lên trên lớp vỏ tàu, không thể đứng làm mà phải ngồi xểnh từng chút khiến người thợ chóng mỏi.
Đội của ông Ngô Hồng Minh có 4 thợ cạo, còn lại là thợ sơn và thợ rửa, dọn dẹp boong tàu. Ông Minh trước đây là ngư dân đi biển câu mực, nhưng công việc nặng nhọc khiến ông không bám trụ được lâu.
Cách đây ít năm, khi càng ngày ngư dân càng đầu tư tàu cá lớn thì ông nghỉ đi biển rồi về gọi anh em bà con đi nhận tàu để làm hậu cần. Công việc chính của ông là dọn dẹp lớp áo tàu rồi sơn phết lại.
Cảng cá An Hòa nhỏ, nằm sát các trung tâm làng biển lâu đời nhưng đội dọn dẹp tàu cá của ông Minh không phải là duy nhất mà có cả chục đội thợ khác. Họ đến từ khắp nơi, có khi ở tận Thăng Bình vào nhận việc rồi làm.
Những người làm nghề này rất dễ nhận ra khi đi trên đường hoặc di chuyển trong khu vực cảng bởi trên tay lúc nào cũng cầm một chiếc sủi, mặt lưỡi được mài sắc lẹm. Công việc chính của họ là đi cạo lớp phù du bám trên thân tàu.
Lê Gia Bảo, nhà ở Vân Trai, xã Tam Hiệp (Núi Thành) bảo rằng mới đi theo đội của ông Minh để làm việc. Dù chỉ đơn giản là sủi lớp hàu ngoài áo tàu nhưng hôm nào đi làm về Bảo cũng đuối sức vì phải di chuyển trong không gian bó chật, tay luôn giữ cây sủi cao hơn đầu của mình để làm sạch áo tàu.
“Ngồi làm trong tư thế đó khiến cơ thể nhanh rệu rã, khớp tay như muốn rời ra. Thanh niên như em không đi biển thì chỉ biết làm nghề này phụ gia đình” - Bảo nói.
Theo Bảo, sau khi sủi lớp áo bên ngoài tàu xong thì sẽ quét dọn lại mặt tàu một lần nữa rồi xoa sạch những tàn tích phù du bám trên bề mặt. Những người thợ khác sẽ dùng nước để “tắm ướt” cho tàu lần cuối trước khi đợi bề mặt đủ khô để quét lớp sơn.
Ám ảnh ốc “chem chép”
Ngư dân cho biết, nỗi ám ảnh nhất đối với lớp vỏ tàu ngoài hàu sữa là loài ốc có kích thước như đầu móng tay. Khi trên cạn, loài ốc này co mình lại y như con bướm nhỏ khép cánh đu bám dày đặc dưới đáy tàu. Tuy nhiên chỉ cần tàu chạm xuống mặt nước là lũ ốc này lại “nở hoa”.
Khi ốc thò đầu ra, phần xúc tua bám chặt vào lớp gỗ dính dai hơn cả keo, muốn gỡ thì phải dùng “sủi” để ủi bay. “Loài này sinh sản như nở hoa, vài ngày là phủ kín đáy. Xúc tua nó bám dai như đỉa, tôi chưa thấy ai bắt ăn bao giờ. Bà con gọi nó là ốc “chem chép” - Lê Gia Bảo cho biết.
(Nguồn: baoquangnam.vn)
Link gốc: https://baoquangnam.vn/theo-chan-ngu-dan-tren-can-3140021.html