Thứ hai, 28/07/2025, 08:30
Vì sao người Mỹ mê đá lạnh còn châu Âu lại dè dặt?
Giữa mùa hè nóng bức, người Mỹ không thể thiếu ly nước đầy đá lạnh trong khi người châu Âu lại ung dung nhâm nhi thức uống âm ấm. Viên đá tưởng nhỏ bé lại phản chiếu hai lối sống đối lập: một bên chuộng sự tiện lợi; bên còn lại tiết chế và tinh tế.
Cảnh chặt tảng băng để dùng cho tủ đá gia đình, tiền thân của tủ lạnh ngày nay, vào khoảng năm 1920. Ảnh: George Rinhart/Corbis/Getty Images.
Người Mỹ ưa chuộng đá lạnh
Vậy rốt cuộc vì sao người Mỹ lại trở nên mê đá đến vậy? CNN dẫn lời nhà sử học Jonathan Rees lý giải thú vị rằng niềm yêu thích đá lạnh của người Mỹ có thể được truy về Frederick Tudor, doanh nhân và nhà khởi nghiệp sống ở Boston (Mỹ) vào thế kỷ 19. Ông gây dựng cả gia tài nhờ buôn bán nước đông lạnh và được mệnh danh là “Vua nước đá”.
Lúc bấy giờ, ông xây dựng “đế chế kinh doanh” bằng cách cắt băng từ ao hồ ở Boston, rồi chở đến tận Ấn Độ, vùng Caribbean và các bang phía Nam nước Mỹ, thậm chí tặng miễn phí nước đá cho các quán rượu, khiến thực khách “nghiện” cảm giác mát lạnh và rồi quay lại mua.
Bước sang thế kỷ 20, đá lạnh trở thành biểu tượng địa vị ở Mỹ. Các chiến dịch quảng cáo nói về nước đá chẳng khác nào nói về ô-tô hay ti-vi. Nước đá từ đó trở thành một phần trong phong cách sống Mỹ, là dấu hiệu của sự tiện nghi, hiện đại và ai sở hữu chiếc tủ đá (icebox) lúc bấy giờ nghiễm nhiên được công nhận thuộc tầng lớp trung lưu.
“Người Mỹ thật sự là trường hợp độc nhất trên thế giới về mức độ yêu thích tuyệt đối với đá lạnh,” là nhận định của Amy Brady, tác giả cuốn sách “Đá lạnh: Từ đồ uống pha trộn đến sân trượt băng, hành trình mát lạnh của một món hàng nóng bỏng”).
Cho đến ngày nay, người Mỹ vẫn có thể uống cà phê đá giữa mùa đông và luôn có đá mát lạnh trong chai nước mang theo. Đối với họ, ly soda mà không có đá là trải nghiệm… chưa trọn vẹn. Đó là góc nhìn rất Mỹ, rất đặc thù.
Người dân thưởng thức đò uống hiếm kèm đá lạnh ở London (Anh). Ảnh: Hollie Adams/Bloomberg/Getty Images.
Châu Âu không mấy mặn mà
Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu, việc cho quá nhiều đá vào đồ uống bị xem là… kỳ quặc, thậm chí có phần thiếu tinh tế. Không ít người Pháp hay Ý cho rằng đá làm loãng hương vị, lạnh buốt không tốt cho tiêu hóa và chỉ nên dùng khi thật cần thiết. Ly nước chanh không bị đá làm nhạt vị; tách cà phê espresso ấm vừa đủ để nhâm nhi chậm rãi trong lúc trò chuyện.
Trong thế giới đó, sự dư dả của đá lạnh dường như là sự phung phí, thậm chí là dấu hiệu của sự “mất kiểm soát” trong cảm nhận vị giác. Điều này có thể được lý giải bởi thực tế văn hóa ẩm thực châu Âu vốn đề cao sự tinh tế và nguyên bản.
Zoe McCormack, người Canada hiện sống ở Paris chia sẻ với CNN Travel về tình cảnh thường xuyên phải “săn lùng” đá lạnh khi đi ăn ngoài, một trải nghiệm không dễ chịu, nhất là giữa mùa hè châu Âu, nơi ngay cả điều hòa không khí cũng không được ưa chuộng. Cứ đến dịp hè, mạng xã hội lại tràn ngập những video của du khách Mỹ đến châu Âu than phiền về việc không được phục vụ đá lạnh.
Suy cho cùng, những viên đá tưởng nhỏ bé phản chiếu thói quen được hình thành qua lịch sử, khí hậu, thị hiếu tiêu dùng và lối sống của từng xã hội, nơi người Mỹ đề cao sự tiện lợi, cảm giác tức thời, còn người châu Âu trân trọng sự cân bằng, tiết chế.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/vi-sao-nguoi-my-me-da-lanh-con-chau-au-lai-de-dat-3298023.html