Thứ năm, 06/07/2023, 09:00
Thanh long tiếp diễn điệp khúc… mất giá?
Mấy ngày qua, không khó để nhìn thấy tại các vùng trồng thanh long, hình ảnh nông dân thu hoạch trái rồi chất đống ngay tại gốc trụ, hay chở đi đổ bỏ ven đường. Theo tìm hiểu, đây là lượng thanh long chính vụ, khi thu hoạch bị nhiễm đốm nâu nên thương lái loại ra không mua vì không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ được bán với giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Ảnh hưởng do mưa kéo dài
Ông Nguyễn Tánh, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) hiện có hơn 1.000 trụ thanh long chia sẻ: “Thanh long đang vào giai đoạn chính vụ, những ngày qua gặp mưa nhiều nên nấm bệnh gia tăng. Khoảng 10 ngày trở lại đây, giá bán thanh long chính vụ thấp.
Thanh long bị nhiễm đốm nâu do thời tiết mưa nhiều.
Cách đây 1 tuần, tôi bán được lứa thanh long với giá 5.000 đồng/kg (loại chọn), riêng số trái nhiễm đốm nâu bị thương lái loại ra không mua, hoặc được bán với giá “hạ đáy”.
Theo ông Tánh, vào mùa mưa năm nay, tùy vào mức độ chăm sóc, tỷ lệ trái sau thu hoạch bị loại khoảng 20 – 30%, có hộ chỉ đạt một nửa sản lượng, thậm chí có hộ ít chăm sóc, hầu hết số trái đều bị nhiễm nấm rất khó bán. Rất nhiều hộ trồng thanh long khác trên địa bàn tỉnh cùng chung thực tế ấy. Để tiêu thụ sản phẩm mặt hàng này, không ít hộ đã bán cho các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến thanh long trên địa bàn nhưng số lượng còn hạn chế. Nhiều hộ khác tiếp tục tiêu thụ qua các kênh nhỏ lẻ như chở ky thanh long bán tại các chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết và vùng lân cận…
Người dân bán lẻ thanh long tại các điểm chợ, ven đường.
Vì sao thanh long Bình Thuận lại thường tái diễn điệp khúc mất giá, nhất là vào chính vụ? Nguyên nhân được nông dân, doanh nghiệp nhìn nhận là thanh long vụ mùa thường ra hoa và thu hoạch đồng loạt. Trong khi đó, vào thời điểm cuối tháng 6/2023, nhiều địa phương trong tỉnh có mưa lớn kéo dài, gây gia tăng sâu bệnh trên trái, nhất là đốm nâu, nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Lương Phi Hải – Quản lý Công ty thanh long Gia Việt (Hàm Thuận Nam), nguyên nhân một phần do sản lượng nhiều, thanh long bị nhiễm bệnh, một phần khác do sự biến động của thị trường. Công ty Gia Việt hiện đang thu mua và xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế những ngày qua, nhiều loại cây ăn trái khác trong nước như vải, sầu riêng cũng vào mùa thu hoạch, xuất khẩu qua biên giới phía Bắc rất lớn, dẫn đến biến động giá cả các mặt hàng nông sản khác.
Ông Hải cho biết thêm, đến thời điểm này, khi lứa thu hoạch thanh long vụ mùa cơ bản xong, giá bán đã nhích lên dần, bình quân từ 10.000 – 15.000 đồng/kg hàng đẹp (thanh long đỏ và trắng).
Thanh long đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu vẫn khan hàng.
Vẫn thiếu nguồn hàng đạt chuẩn
Nghịch lý xảy ra, trong khi số lượng lớn thanh long bị nhiễm bệnh không bán được, thì đối với mặt hàng “sạch”, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường châu Âu lại không đủ hàng bán.
Anh Trần Quốc Thắng, một chủ thu mua và xuất khẩu thanh long đi châu Âu thông tin, hiện tại doanh nghiệp thu mua thanh long “sạch” với giá ổn định 17.000 đồng/kg (ruột trắng) và 28.000 – 30.000 đồng/kg (ruột đỏ), nhưng thiếu hụt hàng. Chủ doanh nghiệp này chia sẻ thêm, những ngày mưa vừa qua khiến sản xuất thanh long của bà con gặp khó khăn, nấm bệnh nhiều nên giảm từ 30 - 50% sản lượng trái đạt chuẩn xuất khẩu.
Theo thông tin từ một số hộ trồng thanh long, vào khoảng trung tuần tháng 7 sẽ tiếp tục có lứa thu hoạch thanh long vụ mùa, nên bà con đang tập trung chăm sóc kỹ, hạn chế sâu bệnh và hy vọng giá cả sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trước tình hình mùa mưa vẫn còn kéo dài, giá cả thanh long thường xuyên trồi sụt theo thị trường khiến người trồng không khỏi lo lắng.
Thanh long đạt chuẩn GlobalGAP tại Hàm Thuận Nam.
Về phía Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 27.000 ha thanh long đang vào chính vụ. Theo thống kê tuần cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có gần 2.000 ha thanh long bị bệnh đốm nâu, tỷ lệ bệnh 10 - 20%. Ngoài ra, bệnh thối rễ tóp cành bị nhiễm gần 700 ha, bệnh nám vàng cành 620 ha; diện tích thanh long bị ốc sên gây hại 523 ha, tăng 140 ha so với một tuần trước đó...
Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo đối với bệnh đốm nâu, nông dân thực hiện tốt “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật. Bệnh thối rễ tóp cành, bà con cào lớp vật liệu tủ gốc ra ngoài và xới nhẹ xung quanh gốc để loại bỏ những rễ bị thối ra khỏi bộ rễ, sau đó sử dụng thuốc trừ nấm bệnh hoặc thuốc trừ tuyến trùng tưới đều xung quanh gốc. Sau 7 - 10 ngày, xử lý kích thích cây ra rễ bằng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân hữu cơ kết hợp sử dụng phân bón qua lá.
Trước sự tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá” trái thanh long, thiết nghĩ đã đến lúc nông dân cùng với kinh nghiệm của mình, nếu tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất theo quy cách, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cùng sự “bắt tay” của các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, thị trường thanh long Bình Thuận sẽ sôi động, ổn định và bền vững hơn.
(Nguồn: baobinhthuan.com.vn)
Link gốc: https://baobinhthuan.com.vn/thanh-long-tiep-dien-diep-khuc-mat-gia-110249.html