Đang tải ...
  
Biết để khỏe Tin sức khỏe

Thứ hai, 10/06/2024, 17:30

Thận trọng trong quản lý chiếu xạ y tế

Nhiều người dân hàng năm đều kiểm tra sức khỏe hai lần và lần nào cũng được chụp X-quang, cộng hưởng từ MRI, chụp CT… Điều này tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe, do đó cần hết sức thận trọng trong quản lý chiếu xạ y tế.

Tiềm ẩn rủi ro từ chiếu xạ

Trung bình mỗi năm, một người sẽ bị chiếu xạ tự nhiên (bức xạ vũ trụ, phóng xạ tự nhiên trong đất đá, phóng xạ trong chính cơ thể con người và chiếu xạ từ khí Radon) với liều 2,4mSv. Chiếu xạ tự nhiên này có một xác suất nhất định dẫn đến ung thư, không thể tránh được.

Chiếu xạ bổ sung ngoài chiếu xạ tự nhiên cũng có xác suất gây ra ung thư tùy thuộc vào liều chiếu xạ. Có giả thiết cho rằng, xác suất gây ung thư là tỷ lệ thuận với liều chiếu xạ với hệ số góc là 0,005%/mSv, tức là mỗi một mSv liều chiếu sẽ có xác suất gây ra ung thư là 0,005%. Như vậy, nếu liều chiếu xạ 100 mSv thì xác xuất bị ung thư sẽ là 0,5%, tức là nếu có 200 người bị chiếu xạ với liều 100 mSv thì sẽ có 1 người bị ung thư. Vì vậy, cần giảm tối đa các liều chiếu xạ không cần thiết khi làm việc với bức xạ.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Đối với người dân bình thường thì liều chiếu xạ bổ sung này chủ yếu là từ chiếu xạ y tế khi thăm khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy quy luật tỷ lệ thuận không đúng với liều chiếu nhỏ, tức là xác suất ung thư do liều chiếu xạ nhỏ còn cao hơn theo quy luật tuyến tính nêu trên. Do đó, cần hết sức thận trọng trong quản lý chiếu xạ y tế. Người dân cần phải cân nhắc và tham vấn bác sĩ trước khi quyết định làm các chiếu chụp y tế.

Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN quy định về giới hạn liều chiếu xạ. Cụ thể, đối với giới hạn liều nghề nghiệp cho những người mà nghề nghiệp của họ gắn với việc sử dụng bức xạ và nguồn phóng xạ, liều hiệu dụng là 20 mSv trong một năm được lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau (100 mSv trong 5 năm) và 50 mSv trong một năm đơn lẻ bất kỳ, nhưng phải bảo đảm trung bình trong một năm cho cả giai đoạn 5 năm vẫn không vượt quá 20 mSv.

Đối với giới hạn liều công chúng, tức là cho người dân bình thường, liều hiệu dụng là 01 mSv trong một năm. Trong những trường hợp đặc biệt có thể áp dụng giá trị giới hạn liều hiệu dụng cao hơn 1 mSv, với điều kiện giá trị liều hiệu dụng lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau không vượt quá 1 mSv trong một năm.

Giá trị liều chiếu xạ khi chụp chiếu y tế có số liệu trung bình đối với chụp X-quang như sau: đầu 0,07 mSv; răng <0,1 mSv; phổi 0,1 mSv; ổ bụng 0,5 mSv; xương chậu 0,8 mSv; cột sống 2 mSv; ruột 6 mSv; chân tay 0,06 mSv. Còn đối với chụp CT đầu là 2 mSv; phổi 10 mSv; ổ bụng 10 mSv; xương chậu 10 mSv; cột sống 5 mSv.

Như vậy, nếu năm nào cũng chụp CT toàn thân hai lần thì liều chiếu xạ đã là 20 mSv. Điều này vi phạm quy định về giới hạn liều chiếu xạ dân chúng chỉ là 01 mSv/năm và có thể có một năm riêng lẻ chịu 5 mSv, nhưng phải bảo đảm trong 5 năm giá trị trung bình cho một năm cũng không được vượt quá 01 mSv. Trong trường hợp buộc phải khám chữa bệnh thì liều chiếu xạ phải theo chỉ định của bác sĩ trên cơ sở cân đối giữa lợi ích và tác hại của bức xạ; phải được trao đổi cụ thể để bệnh nhân hiểu rõ và đồng ý. Nếu thăm khám định kỳ hàng năm thì phải cân nhắc có nên năm nào cũng chụp CT hai lần không vì liều chiếu xạ là khá cao.

Giá trị liều chiếu chụp nêu trên là trong điều kiện chuẩn (thiết bị chuẩn, nhân viên chụp chiếu được đào tạo bài bản). Nếu thiết bị không chuẩn hoặc nhân viên chụp chiếu được đào tạo không bài bản thì liều chiếu xạ có thể còn cao hơn.

Bổ sung quy định quản lý an toàn trong sử dụng bức xạ không ion hóa

Ngoài bức xạ ion hóa như X-quang, bức xạ gamma, các hạt tích điện, notron, trong thực tế còn có các loại bức xạ không ion hóa cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như từ trường, điện trường, tia laze, sóng cao tần, sóng siêu âm… Các thăm khám chữa bệnh cũng sử dụng các thiết bị bức xạ không ion hóa như thiết bị cộng hưởng tử (MRI), thiết bị laze, thiết bị siêu âm, thiết bị từ trường…

Hiện nay, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 chỉ quản lý về bảo đảm an toàn bức xạ ion hóa, còn các loại bức không ion hóa nêu trên thì không rõ có luật nào quản lý về bảo đảm an toàn không? Nếu chưa có thì Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sắp tới cần bổ sung thêm quy định về quản lý an toàn trong sử dụng bức xạ không ion hóa để bảo vệ người dân khỏi các tác hại không mong muốn.

(Nguồn: daibieunhandan.vn)

Link gốc: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/than-trong-trong-quan-ly-chieu-xa-y-te-i375043/

Chia sẻ

Xem nhiều

Ánh sáng xanh làm tăng nguy cơ mắc ung thư?

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829