Thứ ba, 28/02/2023, 12:00
Thận trọng trong 'cơn sốt' sầu riêng
Đắk Lắk - Nông dân huyện Krông Búk đang mở rộng diện tích sầu riêng do giá thành ở mức khá cao. Kể từ tháng 9/2022, khi lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư, đến nay diện tích sầu riêng trồng mới của huyện đã tăng gần 300 ha.
Nông dân thận trọng
Xã Cư Pơng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, xã có hơn 1.163 ha sầu riêng, chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, mắc ca…
Hội Nông xã đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tại một số diện tích sầu riêng trồng mới cho thấy, các hộ dân đã có sự quy hoạch vườn rẫy bài bản, đó là trồng xen cây sầu riêng vào vườn cà phê vừa tận dụng không gian, vừa tạo bóng mát cho cây cà phê. Việc trồng xen canh giúp tạo ra nhiều nguồn thu trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về giá cả. Điều đáng nói, nhiều nông dân ở xã đã chủ động học tập kiến thức, khoa học kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hội Nông dân huyện Krông Búk kiểm tra, khảo sát diện tích trồng sầu riêng mới của hội viên nông dân xã Tân Lập.
Gia đình ông Trương Hùng, ở buôn Adrơng Điết (xã Cư Pơng) có trên 5 ha đất canh tác, đã trồng các loại cây như: cà phê, tiêu và 700 gốc sầu riêng. Năm 2022, trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, gia đình ông Hùng bắt đầu trồng thêm sầu riêng. “Cách đây 4 năm, cây bơ cho chúng tôi cuộc sống sung túc. Mặc dù ngành nông nghiệp địa phương cảnh báo nhưng bà con nông dân vẫn phát triển diện tích bơ một cách tự phát. Khi nguồn cung vượt quá cầu, giá bơ xuống thấp, đỉnh điểm là vụ thu hoạch năm 2022, giá bơ chỉ còn từ 2.000 - 4.000 đồng, thậm chí có nhà còn không bán được. Người trồng lỗ đậm, lao đao trong cảnh nợ nần, không ít người phải nhổ bỏ để trồng cây khác. Do vậy, khi quyết định tăng số lượng gốc sầu riêng trong vườn, tôi chủ yếu trồng xen canh hoặc trên diện tích bơ booth đã được phá bỏ từ trước”, ông Hùng nói.
Còn tại xã Tân Lập, diện tích trồng cây sầu riêng hơn 300 ha (tăng 40% so với năm 2021); trong đó với 172 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.548 tấn; diện tích còn lại được trồng mới từ năm 2020 đến nay và đa số được trồng xen canh với các loại cây trồng khác.
Riêng tại Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tân Lập Đông (xã Tân Lập) đã được cấp 4 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 49,5 ha. Năm 2022, sản lượng sầu riêng của Hợp tác xã đạt 850 tấn. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đã đưa giá trị trái sầu riêng tăng từ 50 - 60% so với năm 2021. Anh Nguyễn Hữu Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã thông tin: Sau đợt “xuất ngoại” đầu tiên, đơn vị đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng là thị trường Trung Quốc, có thêm những đơn hàng mới. Đây là kết quả đáng mừng, cho thấy việc cấp mã vùng trồng sầu riêng trở nên bức thiết.
Tăng diện tích phải đảm bảo chất lượng
Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay, cây sầu riêng mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây công nghiệp khác, do đó người dân trên địa bàn xã đang chú trọng đầu tư, chăm sóc; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác có hiệu quả.
Tính đến cuối năm 2022, xã Tân Lập đã thành lập 14 tổ hợp tác với 191 thành viên, phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn, xây dựng 14 vùng đề nghị cấp mã vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích 224,36 ha để tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài và bền vững. Song, việc tăng diện tích này địa phương cũng đã chủ động xem xét, khoanh vùng đủ điều kiện cho cây sầu riêng đạt chất lượng của Nghị định thư.
Bên cạnh đó, việc giá thành quả sầu riêng tăng cao khiến giá cây giống tăng theo và hút hàng nên vấn đề chất lượng cây giống được huyện đặc biệt quan tâm để tránh rủi ro. Hội Nông dân huyện đã khuyến cáo, tuyên truyền, vận động hội viên không mua cây giống trôi nổi, không rõ chất lượng.
Người nông dân nên thận trọng trước "cơn sốt" sầu riêng. (Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pắc chăm sóc sầu riêng). Ảnh: Hoàng Gia.
Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ năm 2020 đến nay, việc tăng trưởng của cây sầu riêng tại huyện tương đối đồng đều. Dù vậy, ông Lâm cũng nhìn nhận có sự “đột biến” về diện tích sầu riêng trong năm 2022, song sự tăng trưởng này vẫn phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.
“Phát triển cây sầu riêng theo hướng xuất khẩu là sự bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không phải vì cái mới mà phá bỏ hướng phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Phan Hoàng Lâm.
Ông Lâm nhấn mạnh: “Cà phê vẫn là cây chủ lực của huyện. Dù bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa thể khẳng định tính bền vững của cây sầu riêng. Bà con nông dân cần phải đặt câu hỏi: Trồng để làm gì? Tiêu thụ như thế nào? Còn về phía chính quyền sẽ không vì việc tăng diện tích, tạo điều kiện cho người trồng sầu riêng mà đề nghị cấp mã vùng trồng một cách ồ ạt, thay vào đó ngành nông nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm sầu riêng theo đúng Nghị định thư.
Để người trồng sầu riêng có cái nhìn rõ hơn xung quanh câu chuyện cây sầu riêng, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị về mã vùng trồng. Nội dung sẽ xoay quanh việc tuyên truyền hạn chế mở rộng diện tích sầu riêng; phân tích lợi thế cũng như so sánh giữa những vùng có thể và không thể trồng sầu riêng. Các xã phải tổ chức tập huấn cho nông dân nhằm áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng…
(Nguồn: baodaklak.vn)
Link gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202302/than-trong-trong-con-sot-sau-rieng-5ef0278/