Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ ba, 20/05/2025, 14:30

Tay ngang làm nghề lạ, 9X đưa ốc gác bếp thành đặc sản Tây Đô

Là cử nhân kinh tế nông nghiệp, chị Đặng Thế Quỳnh Anh dù không có kỹ thuật và kinh nghiệm, nhưng đã mày mò ‘ru ngủ’ thành công hàng tấn ốc gác bếp mỗi năm.

Truyền thống ở miền Tây, ốc lác thường được người dân bắt về, rửa sạch và gác lên bếp. Dưới tác động của khói và hơi nóng từ bếp củi, ốc khô dần nhưng không chết, mà rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhờ đó, ốc có thể được bảo quản tự nhiên hàng tháng trời mà không cần nước hay chất bảo quản.

Khu vực "ru ngủ" ốc gác bếp của gia đình chị Đặng Thế Quỳnh Anh. Ảnh: Kim Anh.

Từ tri thức bản địa được lưu truyền, nhiều mô hình làm ốc gác bếp nhân tạo ra đời và phát triển tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và gần đây là TP Cần Thơ. Món ăn dân dã ngày nào giờ đã trở thành “đặc sản” được người tiêu dùng săn đón.

Tận dụng khoảng trống sân thượng, chị Đặng Thế Quỳnh Anh (ở đường Trần Hoàng Na, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã xây dựng “phòng ngủ” hơn 10m2 cho ốc lác.

Từng được thưởng thức món ốc gác bếp, cộng với các thông tin về mô hình này qua báo chí, chị Quỳnh Anh cùng chồng “nhen nhóm” ý tưởng khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp mới mẻ này.

Năm 2019, chị bắt đầu thử nghiệm làm ốc gác bếp theo cách truyền thống do cha mẹ chỉ dạy lại, với số lượng chỉ vài chục kilogam. Qua nhiều lần thất bại, khi thì ốc chết hàng loạt vì mua nhầm ốc yếu hoặc quá non, lúc lại trúng đợt ốc vừa sinh sản, gầy yếu không thể chịu được quá trình gác bếp. Không có nền tảng kỹ thuật, chị thậm chí còn không phân biệt được loại ốc nào có khả năng ngủ đông.

Ốc lác khỏe mạnh phù hợp để làm ốc gác bếp. Ảnh: Kim Anh.

Nhưng rồi “nghề dạy nghề”, chị tìm tòi, học hỏi và dần nhận ra, ốc chỉ có thể "ngủ đông" nếu đủ khỏe, mập và được nuôi dưỡng tốt trước khi gác bếp. Từ đó, chị cải tiến kỹ thuật bằng cách trải rơm, trấu bên dưới sàn, kết hợp một số thiết bị hỗ trợ kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong phòng. Hằng ngày, chị chủ động kiểm tra để loại bỏ những con ốc yếu, bệnh hoặc sắp chết để không ảnh hưởng đến những con ốc khác.

Khi kỹ thuật đã nắm chắc, tỷ lệ ốc gác bếp hao hụt kéo giảm còn 30-50%. Sản lượng ốc “ru ngủ” thành công tăng lên. Đến nay, trung bình mỗi năm chị Quỳnh Anh nhập khoảng 6 tấn ốc nguyên liệu, cho ra khoảng 3-4 tấn ốc gác bếp thành phẩm.

Năm 2023, nhận thấy mô hình đã đi vào ổn định, chị chính thức mở cửa hàng kinh doanh mang thương hiệu “Ốc lác gác bếp cô Út”.

Để có nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, chị cũng không ngại vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp để chọn mua ốc lác được nuôi tự nhiên.

Chị Đặng Thế Quỳnh Anh - cử nhân kinh tế nông nghiệp, quyết định rẽ hướng khởi nghiệp với mô hình sản xuất ốc gác bếp khá mới mẻ ở khu vực đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Sau khi nhập về, ốc được ngâm nước từ 6-8 tiếng để loại bỏ tạp chất, sau đó gác lên kệ để hoạt động nhẹ và đưa vào phòng “ru ngủ”. Từ 7-30 ngày sau, ốc bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ đông. Sau khoảng 2-3 tháng, ốc được lấy ra, làm sạch vỏ và đóng gói thành phẩm theo các trọng lượng 500g và 1kg, với giá bán 220.000 đồng/kg.

Bao bì sản phẩm do hai vợ chồng chị tự thiết kế bằng giỏ tre, hộp giấy bắt mắt. Hiện sản phẩm được cung ứng cho khoảng 30 đầu mối là khách sỉ trên địa bàn TP Cần Thơ, gồm các cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khu du lịch. Ngoài ra, một số khách hàng miền Bắc cũng lựa chọn ốc gác bếp mang đi làm quà tặng hoặc xách tay ra nước ngoài.

Mô hình này ngoài phù hợp với điều kiện gia đình, không tốn nhiều nhân lực, cũng mang lại thu nhập ổn định cho chị Quỳnh Anh.

Khu vực trưng bày sản phẩm ốc gác bếp đang được người tiêu dùng TP Cần Thơ ưa chuộng. Ảnh: Kim Anh.

Chị Quỳnh Anh cũng chia sẻ bí quyết để chế biến ốc gác bếp ngon là sau khi rửa sạch, ngâm ốc vào hỗn hợp sữa và trứng gà hoặc trứng vịt. Sau khoảng 30-60 phút, ốc hấp thụ hết lượng nước trên là có thể mang đi chế biến và thưởng thức.

Từ một người tay ngang, chị Quỳnh Anh nay đã trở thành một trong những người tiên phong áp dụng mô hình sản xuất ốc gác bếp tại nhà, mở ra hướng đi mới cho nghề kinh doanh ốc gác bếp ở đô thị.

(Nguồn: nongnghiepmoitruong.vn)

Link gốc: https://nongnghiepmoitruong.vn/tay-ngang-lam-nghe-la-9x-dua-oc-gac-bep-thanh-dac-san-tay-do-d753856.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Những vật dụng không nên vứt vào thùng rác

Trồng chuối lấy lá cho thu nhập khá

Ứng dụng AI vào điện ảnh: Hào hứng và thận trọng

Cà phê từ di sản đến đời sống

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829