Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống

Thứ sáu, 17/12/2021, 18:00

Sầm Sơn phát huy tiềm năng để phát triển thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia

Là một địa danh nổi tiếng du lịch của xứ Thanh, trong hơn một thập kỷ thay đổi tích cực, Sầm Sơn với bãi biển sạch đẹp, đa dạng các loại hình dịch vụ, nghỉ dưỡng đã để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng và trải nghiệm khó quên.

Lợi thế từ những tài nguyên du lịch tự nhiên

Thành phố Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách Thành phố Thanh Hoá khoảng 16 km; phía Bắc giáp huyện Hoằng Hoá (ranh giới là sông Mã); phía Nam và phía Tây giáp huyện Quảng Xương (cách sông Đơ); phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Sầm Sơn có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, Sầm Sơn còn có bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh. Ngay từ thời Pháp thuộc, làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm được coi là khu nghỉ mát cho người Pháp, dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương.

Sự đan xen giữa các loại địa hình (sông, núi, biển) giữa các bãi biển với núi Trường Lệ và cảnh quan sông nước, cùng với các hồ, đầm ở Quảng Cư và những rặng thông, phi lao dọc ven biển... tạo nên sự phóng phú và đa dạng của tài nguyên du lịch trên địa bàn, là điều kiện rất thuận lợi để Sầm Sơn phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Diện mạo mới của khu đô thị Sầm Sơn

Khí hậu ở Sầm Sơn tuy có sự phân chia rõ rệt theo mùa, nhưng do có tác động điều hòa của biển nên khí hậu tương đối dễ chịu, mát vào mùa hè, ít lạnh vào mùa đông, khá phù hợp cho tắm biển, thăm quan, nghỉ dưỡng và phù hợp cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Theo đánh giá, Sầm Sơn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa đông, đồng thời là thị trường tiêu dùng, mua sắm lớn cho 1,5 - 2 triệu khách du lịch vào mùa hè và khoảng 4 - 5 triệu du khách trong tương lai, tạo cơ sở để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa và các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của các vùng lân cận.

Lợi thế từ những giá trị văn hóa, lịch sử

Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Sầm Sơn còn có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú gồm: các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, ngành, nghề truyền thống và các giá trị văn hóa khác.

Núi Trường Lệ cao 76m nằm sát biển, được xem là hòn ngọc của Sầm Sơn, các vách đá dốc đứng về phía biển đã tạo nên sự hùng vĩ. Mặt khác, ở đây có những bãi cỏ rộng, những sườn thoải và các đồi được cấu tạo từ đá granit cổ sinh hay đá biến chất dạng bát úp (điển hình là khối hoa cương Độc Cước) phù hợp cho du lịch cắm trại và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Núi Trường Lệ rất có giá trị du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Đặc biệt, hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ là cảnh quan tự nhiên độc đáo của Sầm Sơn cũng như của cả nước, rất hấp dẫn khách du lịch.

Bãi biển Vua Bảo Đại ở núi Trường Lệ tuyệt đẹp.

Đến với Sầm Sơn không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú mà còn giầu chất nhân văn với những lễ hội được lưu giữ từ bao đời nay như Lễ hội Tế thần Độc Cước, Cô Tiên, (từ ngày 21 - 23/8 Âm lịch); Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy (ngày 12/5 Âm lịch); Lễ hội Cầu Ngư (ngày 15/5 Âm lịch)...

Ngoài những lễ hội truyền thống về lịch sử, về truyền thuyết còn có các Lễ hội tôn vinh những người có công với dân, với nước, với làng hoặc Lễ hội tưởng niệm Bà Triều, tổ sư nghề dệt săm súc, lễ hội Cá Ông... mang đậm nét sinh hoạt của cư dân vùng biển, làm cho du lịch của Sầm Sơn càng thêm phong phú và hấp dẫn.

Lễ hội cầu phúc ở Sầm Sơn

Ngoài ra, cảnh quan tự nhiên dọc hai bờ sông Mã, sông Đơ cũng là điều kiện lý tưởng để Sầm Sơn phát triển các tuyến du lịch sinh thái trên sông, trên biển. Xuất phát từ Cửa Hới ở phía Bắc, du khách có thể đi thuyền đến Hòn Mê và xa hơn về phía Nam, hoặc ngược dòng sông Mã đi thăm các di tích Hàm Rồng, Lam Sơn, di tích triều vua Lê và các di tích, danh thắng khác trong tỉnh.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND Thành phố Sầm Sơn cũng thông tin tới báo chí về dự định thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư cảnh quan tự nhiên dọc hai bờ sông Đơ, vì nhận thấy được tiềm năng du lịch lớn từ cảnh quan thiên nhiên nơi đây mang lại.

Tài nguyên thuỷ sản cũng là một lợi thế lớn

Với bờ biển dài hơn 9 km, vùng biển, ven biển Sầm Sơn và phụ cận có nguồn lợi hải sản khá phong phú, đa dạng đã tạo lợi thế rất lớn về khai thác hải sản với nhiều loại hải đặc sản khác có giá trị.

Sầm Sơn có trên 158,7 ha mặt nước thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là ở Quảng Cư (138.7 ha) và một phần ở Quảng Tiến (20 ha). Toàn bộ diện tích này nằm trong đê sông Mã, đã hình thành các ao, đầm có thể nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ghẹ, rong câu...

Điều hấp dẫn khách du lịch mỗi khi tới đây cũng chính từ những nguồn tài nguyên thủy sản. Được tận mắt nhìn ngắm, cảm nhận không khí sôi nổi, tấp nập của ngư dân mỗi khi thuyền cá trở về vơi những mẻ lưới đầy ắp tôm, cá và niềm hân hoan của những ngư dân khi trở về cùng mẻ cá tươi, ngon, giá rẻ.

Phát triển nhờ du lịch

Được biết đến với bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn, Sầm Sơn có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ đạo, có tiềm năng và lợi thế phát triển nhất của Sầm Sơn. Do đó, Thành phố Sầm Sơn tập trung phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch. Cùng với, gắn kết chặt chẽ với các điểm du lịch lớn trong tỉnh và cả nước, sớm đưa Sầm Sơn thực sự trở thành đô thị du lịch biển hiện đại. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Hình thành một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí tổng hợp, hiện đại có tầm quốc gia và quốc tế như: Quần thể nghỉ dưỡng FLC, Khu du lịch sinh thái ven Sông Đơ, Khu du lịch sinh thái – văn hóa Núi Trường Lệ,…

Để khai thác tối đa lợi thế phát triển các ngành kinh tế của Sầm Sơn, nhất là kinh tế du lịch, trong giai đoạn tiếp theo Sầm Sơn tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và các thành phần kinh tế tham gia, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ mới để kích thích sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, ưu tiên các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao như tài chính, ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sầm Sơn đón hơn 22,53 triệu lượt khách, doanh thu đạt 19.212 tỷ đồng, gấp 2,78 lần giai đoạn 2011-2015. Thu ngân sách địa bàn trung bình hằng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 636,2 tỷ đồng. Năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả, lượng khách và doanh thu ngày càng tăng. Đó là kết quả từ việc đã phát huy được những tiềm năng lợi thế sẵn có, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nâng tầm du lịch biển Sầm Sơn.

Mặt khác, tỉnh Thanh Hoá sớm ban hành quy chế quản lý đô thị du lịch Sầm Sơn và ban hành cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch Sầm Sơn, hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch sinh thái Quảng Cư, khu vực núi Trường Lệ và Nam Sầm Sơn để tạo ra sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào khai thác du lịch trên địa bàn.

Không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác quản lý và đội ngũ lao động nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực du lịch.

Chính sách phát triển đúng đắn, kịp thời

Từ những tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã có những chủ trương, giải pháp tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân đẩy mạnh phát triển du lịch. Có thể thấy, từ những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, một Sầm Sơn hiện đại, thân thiện, hấp dẫn ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.

Sầm Sơn có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo điều kiện các doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển, cải tạo không gian ven biển. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án, xây dựng Sầm Sơn thành điểm đến hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.

Trong thập kỷ trở lại đây, Sầm Sơn không còn những điều tiếng về dịch vụ yếu kém, “chặt chém” du khách,… thay vào đó là những số điện thoại đường dây nóng được viết lên những biển hiệu to, được treo ngay tại bãi biển, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các hàng quán bán rong, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị được dẹp bỏ thay bằng những ki-ốt mới, hiện đại, chuyên nghiệp trải dài dọc đường Hồ Xuân Hương ven biển.

Có thể thấy, với chủ trương đúng đắn, với những giải pháp, định hướng phát triển bền vững, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của TP Sầm Sơn trong việc thay đổi chất lượng dịch vụ du lịch, diện mạo Sầm Sơn đang phát triển đúng hướng, sẽ trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

Nhận thức rõ những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến du lịch thành phố Sầm Sơn, thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đưa du lịch Sầm Sơn phát triển bền vững với phương châm "Sầm Sơn - điểm đến an toàn, hấp dẫn".

(Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bắt tay làm du lịch

CNN ca ngợi phở trong 20 món súp ngon nhất thế giới

Sẽ không miễn vé tham quan di tích Huế 3 ngày Tết Nguyên đán

Hang động Lascaux tại Pháp - nơi lưu giữ thông điệp của người tiền sử

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829