Thứ hai, 09/09/2024, 10:30
Tại sao bão mạnh như Yagi ngày càng nhiều?
Sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão mạnh lên nhanh hơn, tấn công đất liền lâu hơn với sức tàn phá lớn như bão Yagi quét qua tại các nước mà tâm bão đi qua.
Lực lượng cứu hộ Philippines sơ tán người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Ảnh: Cảnh sát biển Philippines.
Những diễn biến liên quan đến sức tàn phá của bão Yagi ở các quốc gia là sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua, khi truyền thông quốc tế và mạng xã hội liên tục đưa tin cập nhật. Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo AFP, Yagi hình thành ở biển Philippines, khiến ít nhất 20 người chết và 26 người mất tích ở quốc gia này. Sau đó, cơn bão này mạnh lên nhanh chóng ở Biển Đông và trở thành siêu bão (một cơn bão nhiệt đới ở tây bắc Thái Bình Dương với sức gió ít nhất là 240km/h).
Với cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, Yagi được cho là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua tại Biển Đông. Cơn bão này hai lần đổ bộ vào Trung Quốc ngày 6/9, đầu tiên là tỉnh đảo Hải Nam và sau đó là tỉnh Quảng Đông. Theo Tân Hoa xã, đến nay, 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương ở Trung Quốc do bão. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đang huy động mọi nguồn lực để ứng phó khẩn cấp trong bối cảnh tác động của siêu bão vẫn tiếp diễn.
Global Times dẫn nhận định của giới chuyên gia cho biết, các đặc điểm cốt lõi của Yagi gồm đường đi ổn định, gia tăng cường độ nhanh chóng, thời gian đổ bộ kéo dài, cấu trúc đối xứng và nhỏ gọn, sức tàn phá khủng khiếp. Tuy nhiên, theo Wired, sức mạnh dữ dội của Yagi không phải là điều bất thường, hiếm gặp như mọi người nghĩ bởi thực tế Tây Thái Bình Dương có khả năng đặc biệt hỗ trợ một số cơn bão mạnh nhất trên Trái đất.
Tất cả các cơn bão nhiệt đới đều giống nhau trên khắp thế giới và điểm khác biệt duy nhất là chúng ta gọi tên chúng ra sao. Một cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương được gọi là bão lốc xoáy nhiệt đới (hurricane), trong khi bão ở tây Thái Bình Dương được gọi là bão nhiệt đới (typhoon). Siêu bão rất phổ biến ở Tây Thái Bình Dương. Các cơn bão trong khu vực hiện nay hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và tấn công đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu.
Các nhà khí tượng học ghi nhận hàng trăm siêu bão trong khu vực từ năm 1945 đến năm 2022. Chỉ riêng trong năm 2021, có 4 cơn siêu bão ở Tây Thái Bình Dương. Một trong những cơn bão đó, siêu bão Rai, khiến hơn 400 người thiệt mạng khi nó đổ bộ vào miền bắc Philippines không lâu sau khi đạt đến đỉnh điểm sức mạnh.
Hãy so sánh tần suất “nhộn nhịp” đó với những gì chúng ta đã thấy ở Đại Tây Dương, nơi cùng thời kỳ chỉ có 30 cơn bão đạt đến cường độ cấp 5. Không chỉ tần suất của các cơn bão lớn ở Đại Tây Dương thấp hơn nhiều so với ở phía bên kia của Trái đất, mà những cơn bão Đại Tây Dương này có xu hướng đạt đỉnh trong thời gian ngắn hơn so với các cơn bão tương tự ở Tây Thái Bình Dương.
Vậy tại sao Tây Thái Bình Dương lại trở thành mảnh đất màu mỡ với những điều kiện lý tưởng để “nuôi dưỡng” những cơn bão dữ dội nhất Trái đất như vậy? Tất cả đều phụ thuộc vào “bản chất mong manh” của các cơn bão nhiệt đới dù chúng có tiềm năng to lớn. Thực tế, chúng cần sự hiện diện của các thành phần chính trước khi có thể gia tăng sức mạnh. Những cơn bão như Yagi có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần miễn là chúng vẫn tiếp cận được vùng nước oi bức và các điều kiện thuận lợi trong bầu khí quyển xung quanh.
Trước tiên, nguồn nước biển ấm là yếu tố cần thiết làm tăng sức mạnh của bão và đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Điều này càng đáng lo ngại khi Đông Nam Á, cùng nhiều khu vực khác trên thế giới, chứng kiến nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao trong 12 tháng qua. Nhiệt độ nước biển 29oC hoặc ấm hơn có thể cung cấp cho các cơn giông bão của một hệ thống tất cả năng lượng mà chúng cần để đạt sức mạnh tối đa. Nhiệt độ trung bình tại các vùng nước xung quanh Philippines hiện trên 31oC.
Theo AFP, miền nam Trung Quốc vốn thường hứng chịu những cơn bão hình thành ở các đại dương ấm phía đông Philippines và Thái Lan, thường bão vào mùa hè và mùa thu.
Điều kiện khác như độ ẩm dồi dào trong khí quyển cũng quan trọng để cơn bão phát triển. Những cơn bão dữ dội là hiện tượng tương đối hiếm xảy ra ở Đại Tây Dương vì những điều kiện này khó xuất hiện thường xuyên. Luồng không khí khô từ sa mạc Sahara làm tắt nhiều cơn bão đang phát triển. Các đợt không khí lạnh từ Mỹ có thể tạo ra điều kiện không thuận lợi trong khí quyển của Đại Tây Dương để phát triển bão nhiệt đới.
Tình hình lại khác hẳn ở phía Tây Thái Bình Dương. Các luồng không khí lạnh, gió đứt mạnh và sự xâm nhập của không khí khô hiếm khi là vấn đề ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, nơi điều kiện vẫn ẩm ướt quanh năm ở Đông Nam Á và các quốc đảo như Philippines. Những điều kiện thuận lợi này trên khắp phía tây Thái Bình Dương có thể cho phép hàng chục cơn bão hình thành mỗi mùa. Số lượng lớn các cơn bão phát triển làm tăng khả năng hình thành siêu bão có thể gây ra thảm họa nếu chúng đổ bộ vào đất liền.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/channel/5408/202409/tai-sao-bao-manh-nhu-yagi-ngay-cang-nhieu-3985642/