Thứ năm, 10/03/2022, 06:00
Sức ép cho mặt bằng giá cả
Do nhiều yếu tố tác động, giá một số dịch vụ, mặt hàng thiết yếu đã được điều chỉnh tăng khiến nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Trước tình hình trên, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, bình ổn thị trường...
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự báo trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022, sẽ có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá do nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược như: Xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi.
Giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong lo ngại, việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo việc tăng giá các dịch vụ logistics, vận tải và nhiều mặt hàng thiết yếu khác có liên quan.
Mới đây, hãng xe công nghệ Grab Việt Nam vừa thông báo, từ ngày 10/3, công ty sẽ tăng giá cước hầu hết các loại dịch vụ. Lý do được hãng này đưa ra là "để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng".
Ngoài ra, một yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, theo Bộ Tài chính, đó là giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính cho rằng, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá; trong đó, các chính sách về miễn - giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Nhiều yếu tố gây áo lực lên mặt bằng giá.
Cùng với đó, Bộ cũng chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như: Xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng... Đồng thời, tăng cường phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu hàng hóa...
Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, qua đó giảm áp lực lên giá xăng dầu; kiến nghị một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ giáo dục, y tế không điều chỉnh giá trong tháng 3 và quý II/2022.
(Nguồn: Báo Công thương)