Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Thứ hai, 12/12/2022, 09:00

Sự giàu có và tầm nhìn quốc gia của Qatar

Qatar đang được cả hành tinh dõi theo vì là nơi đăng cai World Cup 2022. Trong suốt nhiều năm qua, Qatar vẫn luôn đứng trong tốp 5 nước giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người và không ít lần giữ vị trí “quán quân”.

Các tòa nhà cao tầng đồ sộ tại Doha. Ảnh: Reuters.

Chỉ vài chục năm trước, Qatar là một “làng chài” khô cằn. Năm 1971, quốc gia này mới giành được độc lập từ Anh. Vào thời điểm đó, họ là một trong những nền kinh tế nghèo nhất ở Trung Đông, chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp đánh bắt cá. Nhưng GDP bình quân đầu người của Qatar đã tăng từ 2.755USD vào năm 1970 lên con số khổng lồ 61.276USD năm 2021. 

Tận dụng tốt nguồn dầu khí

Trong 3 thập niên qua, Qatar chuyển mình thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới một cách nhanh chóng, bởi nước này không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú mà quan trọng hơn hết họ biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả. Các mỏ dầu đầu tiên được phát hiện ở Qatar vào những năm 1940 nhưng nó không biến Qatar thành một quốc gia giàu có. Vào những năm 1970, “tài sản” lớn nhất ở nước này mới được tìm thấy, đó là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới nằm ở phía Bắc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên không nhiều do nó chỉ có thể được vận chuyển bằng đường ống dẫn. Qatar cũng cách xa những nơi có nhu cầu về khí đốt tự nhiên, Doha vì vậy sớm quên đi số lượng mỏ khí đốt khổng lồ của mình.

Cho đến tận năm 1996, Tiểu vương Qatar khi đó là Hamad bin Khalifa al Thani mới bắt đầu cho khai thác các mỏ khí đốt lớn. Ông đầu tư vào công nghệ hiếm như hóa lỏng để có thể mang khí tự nhiên ở dạng lỏng, giúp nó có thể vận chuyển bằng tàu lớn giống như dầu. Qatar khi đó dù còn là nước nghèo nhưng đã mạo hiểm đầu tư rất nhiều tiền vào phát triển các công nghệ này để tăng nhu cầu về khí đốt của họ. Nỗ lực này tất nhiên đã được đền đáp. Đến nay, Qatar có chi phí khai thác và hóa lỏng khí đốt rẻ nhất trên thế giới, cho phép họ kiếm được lợi nhuận ngay cả với giá thấp. Hầu hết khí đốt tự nhiên của vương quốc được xuất khẩu sang các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc có trữ lượng dầu khí lớn không đảm bảo một nền kinh tế giàu có, Qatar vì vậy bắt đầu tiết kiệm số tiền thu được từ khoáng sản rồi đem đi đầu tư khắp thế giới. Năm 2005, Chính phủ Qatar thành lập Cơ quan đầu tư Qatar, đầu tư số tiền nhận được từ dầu mỏ để giúp nền kinh tế trở nên bền vững hơn và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong dài hạn. Tính đến năm 2022, Quỹ đầu tư Qatar có tổng giá trị tài sản lên đến 440 tỉ USD, “trải tiền” đầu tư trên toàn cầu, vào nhiều loại tài sản như bất động sản, công ty đại chúng và tiền tệ.

World Cup trong tầm nhìn chiến lược

Việc quốc gia Trung Đông nhỏ bé này đứng ra tổ chức World Cup đã góp phần rất lớn giúp quảng bá Qatar đến bạn bè quốc tế. Theo thống kê của tập đoàn kiểm toán quốc tế Deloitte, để chuẩn bị cho World Cup, Qatar đã rót khoảng 200-220 tỉ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, lớn hơn 4 lần tổng chi phí tổ chức 8 kỳ World Cup gần nhất trong giai đoạn 1990-2018 (48,6 tỉ USD). Thậm chí Bloomberg ước tính con số này lên đến 300 tỉ USD. Trong khi đó, GDP của Qatar năm 2022 chỉ ước đạt 180 tỉ USD. Trong số chi tiêu khổng lồ đó, chỉ có 6,5 tỉ USD được sử dụng để xây 8 sân vận động chuẩn quốc tế. Phần lớn số tiền còn lại đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm tối tân, kết nối các sân với nhau cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn... Giới chức Qatar cũng chi hàng tỉ USD cho công tác an ninh, dịch vụ công cộng và nhiều tiện nghi khác dành cho 1,2 triệu du khách đến đây trong một tháng diễn ra World Cup.

Giám đốc truyền thông của Ủy ban Tối cao về chuyển giao và di sản Qatar Fatma Al Nuaimi từng phát biểu: “World Cup là một phần của Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030, kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm phát triển đô thị, hạ tầng, công nghiệp quốc gia và hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe”. Số tiền hơn 200 tỉ USD nằm trong ngân sách phục vụ chiến lược này và hạ tầng phục vụ World Cup có thể được tận dụng để thúc đẩy kinh tế - xã hội nếu được quản lý một cách đúng đắn.

Dù có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 3 thế giới (sau Nga và Iran) và là nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới, nhưng Qatar đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế phi năng lượng, bền vững với tham vọng trở thành một trung tâm kinh doanh và du lịch của khu vực. Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030 bao gồm đa dạng hóa kinh tế, hỗ trợ các sáng kiến môi trường, phát triển con người và tiến bộ xã hội. Sáng kiến này nhằm mục đích biến Qatar thành một xã hội toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nằm ở phía Đông Bắc vùng duyên hải của bán đảo Arab, Qatar được “bao bọc” giữa Vịnh Persic và Bahrain, Iran và UAE. Qatar có dân số khoảng 2,9 triệu người, nhưng chỉ khoảng 10% trong số này mang quốc tịch Qatar, còn lại là người nước ngoài, lao động nhập cư làm việc trong ngành dịch vụ khổng lồ của nước này. Qatar là một trong những cửa ngõ trung chuyển bằng máy bay lớn nhất thế giới hiện nay. Nước này có Hãng thông tấn Al Jazeera đầy ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất tại khu vực Trung Đông.

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/su-giau-co-va-tam-nhin-quoc-gia-cua-qatar-a154213.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Ngắm đàn chim hoang dã ở Thung Nham

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829