Đang tải ...
  
Kinh doanh Tài chính

Thứ tư, 03/08/2022, 13:30

Sợ 'lâm nợ', nhiều nước hủy các khoản vay từ Trung Quốc

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong (SCMP) hôm 1/8 cho biết, nhằm tránh rơi vào khủng hoảng nợ, Zambia đã hủy khoản vay trị giá 1,6 tỉ USD nhưng chưa được giải ngân từ Trung Quốc. Ðó là một phần trong số 2 tỉ USD mà Lusaka đã hủy trong các khoản vay chưa được giải ngân từ các chủ nợ nước ngoài.

Tòa nhà quản lý dự án cấp nước tại thị trấn Kafue, tỉnh Lusaka của Zambia, do Trung Quốc tài trợ. Ảnh: Xinhua 

Zambia còn đình chỉ hoạt động xây dựng và cải tạo nhiều tuyến đường bộ, đường cao tốc, các dự án công nghệ thông tin, gồm Smart Zambia giai đoạn II trị giá 333,2 triệu USD và hệ thống phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất giai đoạn II, III, chủ yếu do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EximBank) tài trợ, sau khi Lusaka đối mặt với nhiều thách thức trong việc hoàn trả các khoản vay.

Theo SCMP, trong số các dự án bị hủy bỏ có dự án cải tạo tuyến cao tốc nối thủ đô Lusaka với thành phố Ndola trị giá 1,2 tỉ USD do tập đoàn China Jiangxi tài trợ. Lusaka cũng đã yêu cầu China Jiangxi hủy bỏ khoản vay chưa giải ngân trị giá 157 triệu USD, đồng thời đề nghị EximBank hủy bỏ kế hoạch cấp vốn vay 159 triệu USD để xây dựng các doanh trại quân đội ở thủ đô Lusaka. Zambia tổng cộng đã đình chỉ 14 dự án liên quan tới các bên cho vay ở Trung Quốc.

Bên cạnh việc hủy các khoản vay từ Trung Quốc, Zambia còn có kế hoạch hủy các khoản vay từ Ngân hàng Standard Chartered (Anh) để xây dựng đập Kafulafuta trị giá 381,7 triệu USD, 224,6 triệu USD trong số này đã được giải ngân.

Năm 2020, Zambia trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên tuyên bố vỡ nợ trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát khi không thể thanh toán khoản nợ nước ngoài 27 tỉ USD, trong đó gồm 6,6 tỉ USD vay từ Trung Quốc để xây dựng các dự án lớn như sân bay, đường cao tốc và đập thủy điện.

Trước đó, Philippines hồi tháng 7 cũng có động thái tương tự. Tờ Asia Times  cho biết, Bộ Giao thông Philippines đã thông báo hủy 3 dự án đường sắt lớn hợp tác với Trung Quốc, được khởi động từ thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, chính trị gia có chiến lược “xoay trục” về phía Trung Quốc để đạt được các lợi ích về mặt kinh tế cho Philippines trong vài năm qua.

Các dự án trên gồm gói thứ nhất dự án Bicol của Công ty Ðường sắt quốc gia Philippines, dài 380km có kinh phí 142 tỉ peso (tương đương 2,56 tỉ USD); dự án đường sắt Subic - Clark dài 71,12km có chi phí 50 tỉ peso và giai đoạn 1 dự án đường sắt Mindanao dài 102km có chi phí 83 tỉ peso.

Giới quan sát cho rằng động thái trên của chính quyền tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho thấy ông dường như đang nghiêm túc điều chỉnh lại chính sách với Trung Quốc sau thời kỳ nồng ấm dưới thời ông Duterte. Chính quyền mới của ông Marcos Jr còn bày tỏ cam kết kích hoạt lại các dự án bị đình trệ trị giá 5 tỉ USD trải dài trên các hòn đảo lớn của Philippines, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về mức lãi suất rất cao của Trung Quốc so với các đối tác khác như Nhật Bản.

Về phần mình, Tổng thống Tanzania John Magufuli hồi tháng 4-2020 đã hủy “khoản vay chết người”  trị giá 10 tỉ USD từ Trung Quốc, cho rằng “chỉ có người điên mới chấp nhận các điều kiện vô lý của Bắc Kinh” dù thỏa thuận đã được ký từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Thỏa thuận trên nhằm xây dựng một cảng ở thị trấn Bagamoyo của Tanzania. Trước đó, cựu Tổng thống Jakaya Kikwete đã đồng ý cho các nhà đầu tư Trung Quốc xây cảng với điều kiện họ được thuê liên tục trong 99 năm. Một yêu cầu gây sốc khác của các nhà đầu tư Trung Quốc là chính quyền Tanzania sẽ hoàn toàn không có quyền ý kiến về việc ai sẽ đầu tư vào cảng này trong suốt thời gian đó.

Nhiều nước châu Phi hiện đang đau đầu trước các khoản nợ khồng lồ vay từ Trung Quốc. Ngoài việc hủy các khoản vay chưa giải ngân, Zambia đang đàm phán cơ cấu lại các khoản nợ của Trung Quốc. Ethiopia và Chad cũng vậy.  Ethiopia đã vay từ các ngân hàng Trung Quốc 13,7 tỉ USD giai đoạn 2000-2019, tức hơn 10% GDP của quốc gia. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã cho Zimbabwe  vay  tổng cộng 13 tỉ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng trong khi GDP của nước này chỉ khoảng 16,77 tỉ USD năm 2020. 

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/so-lam-no-nhieu-nuoc-huy-cac-khoan-vay-tu-trung-quoc-a149666.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Giao dịch trái phiếu đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gần 50%

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829