Thứ bảy, 19/10/2024, 10:00
Shipper Trung Quốc nhọc nhằn mưu sinh
Từ những tòa nhà chọc trời cho đến các con hẻm chật chội, hàng triệu shipper Trung Quốc lao vun vút trên đường mỗi ngày, chạy đua với thời gian để giao hàng đúng hẹn. Họ là những “anh hùng thầm lặng” của nền kinh tế số, nhưng cũng là nạn nhân của chính sự phát triển ấy.
Những người giao đồ ăn đang ngồi trên xe để nhận đơn hàng tiếp theo vào tháng 10/2024 tại Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: Cheng Xin/Getty Images
Đằng sau vẻ ngoài năng động của các shipper là thực tế phũ phàng: thu nhập bấp bênh, tai nạn rình rập và quyền lợi mong manh. Câu chuyện của họ dường như hé lộ phần nào đó những thách thức dường như không chỉ đang đặt ra với các shipper ở Trung Quốc.
Áp lực đúng hẹn
Ngành giao hàng Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19. Theo ước tính của Công ty iiMedia Research, thị trường này đạt quy mô 214 tỷ USD vào năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này là cuộc sống bấp bênh của hàng triệu shipper.
CNN dẫn nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu việc làm mới Trung Quốc cho biết, thu nhập trung bình của shipper giảm từ hơn 1.000 USD/tháng vào năm 2018 xuống còn dưới 950 USD/tháng vào năm 2023. Điều đáng nói là họ thậm chí còn phải làm việc nhiều giờ hơn để có được mức thu nhập đó. Anh Lu Sihang, 20 tuổi, chia sẻ với CNN rằng anh phải làm việc 10 giờ mỗi ngày, giao 30 đơn hàng và chỉ kiếm được 30-40 USD. Với mức thu nhập đó, anh Lu phải làm việc gần như mỗi ngày để đạt được mức lương trung bình khoảng 950 USD/tháng.
Các shipper phải đối mặt với áp lực rất lớn để hoàn thành đơn hàng đúng hạn. Họ thường phải vi phạm luật giao thông, chạy quá tốc độ hoặc vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Trang Sixthtone dẫn báo cáo năm 2017 cho biết cứ 2,5 ngày lại xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng hoặc tử vong liên quan đến shipper ở thành phố Thượng Hải. Một shipper của Meituan thừa nhận với Sixthtone rằng “không thể hoàn thành đơn hàng đúng giờ mà không vượt đèn đỏ”.
Chưa kể họ còn phải chịu áp lực từ hệ thống đánh giá khắt khe của các nền tảng giao hàng. He Tongyin, một shipper 33 tuổi ở Thượng Hải, cho biết các tài xế thường bị phạt từ 3 đến 7 Nhân dân tệ (0,4-1 USD) cho mỗi đơn hàng bị giao trễ. Điều này gây áp lực lớn cho họ, nhất là khi họ chỉ kiếm được 5 Nhân dân tệ cho mỗi đơn hàng.
Thiếu các phúc lợi cơ bản
Gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến shipper đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. CNN dẫn lại một vài sự vụ trong số đó như việc một shipper đã đập nát điện thoại của mình giữa đường sau khi nhận được đánh giá tiêu cực từ khách hàng; một shipper khác quỳ gối xin lỗi cảnh sát sau khi bị bắt vì vượt đèn đỏ, rồi sau đó đẩy ngã xe máy và chạy qua đường bất chấp nguy hiểm. Đáng kể nhất là vụ đối đầu giữa một shipper và bảo vệ tại khu chung cư ở Hàng Châu đã gây xôn xao dư luận. Theo thông tin trên trang Sixthtone, trong vụ đó, khi một shipper làm hỏng hàng rào trong lúc giao hàng gấp, người bảo vệ đã ngăn không cho anh rời đi và yêu cầu bồi thường. Tình huống phức tạp hơn khi người shipper này quỳ xuống van xin được thả và nhiều đồng nghiệp của anh cũng đã tập trung đến để đòi công bằng.
CNN dẫn lời ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những rối ren trong lĩnh vực giao hàng thời gian qua là do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Người tiêu dùng chi tiêu ít hơn, trong khi các nhà hàng phải giảm giá để thu hút khách, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các shipper. Mặt khác, số lượng người tham gia vào ngành giao hàng ngày càng đông do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã lên tới 18,8% vào tháng 8/2023, theo CNN. Nhiều người mất việc đã chuyển sang làm shipper như giải pháp tạm thời.
Trong khi đó, các nền tảng giao hàng lớn như Meituan và Ele.me đang phải đối mặt với áp lực giảm phí hoa hồng từ nhà hàng, trong khi vẫn phải duy trì lợi nhuận. Nghiên cứu của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết các nền tảng đã đầu tư mạnh lúc ban đầu để có giá thấp nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây, khi đã đạt được sự thống trị, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và lương; đồng thời phát triển thuật toán kiểm soát quy trình , khiến người lao động có ít sự bảo vệ và mất đi sự tự do nhất định.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Meituan, thu nhập của shipper ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân địa phương. Cụ thể, những shipper làm việc đủ thời gian tối thiểu có thu nhập trung bình 11.000 Nhân dân tệ (1.550 USD) mỗi tháng vào tháng 6/2023, theo SCMP.
Ngành giao hàng Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù nó mang lại cơ hội việc làm cho hàng triệu người, song những vấn đề về điều kiện làm việc, thu nhập và an toàn của shipper cần được giải quyết. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ các nền tảng giao hàng, chính phủ và xã hội để tạo ra một môi trường làm việc công bằng và an toàn hơn cho những người lao động.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://www.baodanang.vn/channel/5408/202410/shipper-trung-quoc-nhoc-nhan-muu-sinh-3992154/