Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ bảy, 24/06/2023, 13:30

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

6 tháng đầu năm 2023, hầu như các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều ghi nhận tình trạng sạt lở khiến nhà cửa, đất đai, tài sản… của người dân bị trôi sông. Hàng trăm hộ dân loay hoay tìm sinh kế.

Để ứng phó, địa phương cho xây dựng công trình kè chống xói lở tại những điểm xung yếu. Thế nhưng, tốc độ thi công kè lại “chạy theo” không kịp với tốc độ sạt lở. 

Đến ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long sau cơn “bão táp”, hiện trạng còn sót lại là hình ảnh những căn nhà “đau khổ”, tường nứt, cột gãy, mái bung, nửa thân nằm lơ lửng trên bờ, nửa thân sụp đổ xuống sông. Gia chủ đã tứ tán “chạy lở”, tìm nơi tá túc.

Vào lúc 4h sáng ngày 12/6, trên đoạn sông Trà Ôn chảy qua địa phận ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện xảy ra sạt lở, chiều dài khoảng 80 m, làm 8 căn nhà liền kề sụp xuống sông, 21 nhân khẩu trắng tay.

Ông Văn Hiền là 01 trong 08 hộ dân mất tài sản nhiều nhất vì ông mới dành dụm được số tiền 600 triệu xây căn nhà mới, vào ở chưa bao lâu đã xảy ra biến cố, căn nhà của ông hư hỏng toàn bộ.

Ông Văn Hiền – ngụ tại ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long xót xa:  “Sức lao động của mình đổ vào làm vườn và chăn nuôi mới dành dụm được số tiền xây được căn nhà mới, bây giờ do thiên tai gây sạt lở, trong lòng buồn lắm. Buồn cũng phải chịu, bây giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi có miếng đất để mà ở, sau này còn có điều kiện làm ăn sinh sống nữa”.

Những căn nhà "đau khổ" gãy cột, sụp nền... còn gia chủ thì tứ tán chạy lở tại Trà Ôn, Vĩnh Long.

Báo cáo được phát đi từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này đã có gần 100 điểm sạt lở mà nhiều nhất là ở 03 địa phương: Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít.

Đưa Vĩnh Long trở thành “điểm nóng” về sạt lở tại khu vực ĐBSCL mà nguyên nhân chính được xác định là do tác động của con người làm thiếu đi lượng phù sa bồi đắp cho các bờ sông.

Mỗi vụ sạt lở xảy ra đều tác động nặng nề đến đời sống của các hộ dân, như: giao thông bị chia cắt, của cải mất trắng, đất đai không còn để tái canh và sinh kế gần như bế tắc do phải di dời, “ăn nhờ ở đậu”.

Chị Nguyễn Ngọc Triều – hộ dân bị ảnh hưởng mất nhà cửa sau vụ sạt lở tại huyện Long Hồ cho biết:

“Ở xóm có một người hảo tâm, nhà trống, cho mình dọn vào ở nhờ 10 ngày hay nửa tháng gì đó. Tới khi nào địa phương hỗ trợ thì sẽ dọn đi. Mà nếu địa phương chưa hỗ trợ thì bắt buộc phải dọn ra thuê nhà trọ ở”.

Đồng cảnh ngộ với chị Triều, bà Đinh Thị Thiệp – hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở sống tại xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho hay:

“Nó sụp đất như thế này, ban đêm biết nó sạt lở lúc nào, nhà lại có con nít nên tôi gửi cháu cho hàng xóm. Tối thì tôi đến đó ngủ nhờ. Xe cộ cũng gửi nhà hàng xóm. Tôi sợ lắm”.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Long có gần 100 điểm sạt lở lớn nhỏ.

Thời điểm này, nhiều địa phương khác cũng “oằn mình” gánh chịu sạt lở như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…làm hàng trăm hộ dân mất toàn bộ nhà cửa, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thông tin:

“Tình hình sạt lở đầu năm đến nay rất phức tạp, đặc biệt ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như hạ tầng kiến trúc trên bờ. Ở góc độ địa phương thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo các địa phương kiểm tra các điểm xung yếu, cấm biển báo, tuyên truyền để người dân biết, tránh xa các điểm sạt lở”.

Để ứng phó với tình huống được cho là “thiên tai” này, các địa phương triển khai “rầm rộ” dự án kè bê tông phòng chống sạt lở. Thế nhưng tốc độ thi công lại “chạy” không kịp với tốc độ sạt lở. Thậm chí, có nơi vừa xây vừa sạt hoặc xây xong vẫn bị sạt.

Điển hình là dự án “Đê bao sông Măng” dài 47km, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng đi qua 4 địa phương tỉnh Vĩnh Long. Công trình thi công chưa xong nhưng đã bị sạt lở 3 lần, làm người dân thấp thỏm. Khi đề cập đến chất lượng công trình thì Chủ đầu tư dự án cho rằng, nguyên nhân sạt lở là vì tác động tự nhiên.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long) khẳng định: “Do khu vực đất ở đây là nền đất yếu, đoạn sông cong, dòng chảy khu vực này rất phức tạp nên tình hình sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một nguyên nhân gây sạt lở là vì sông Măng là tuyến đường thủy nội địa quốc gia rất quan trọng nên có rất nhiều tàu bè tải trọng lớn lưu thông”.

Kế đến là công trình kè chống xói lở chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Dự án này tổng nguồn vốn đầu tư 90 tỷ, nhưng hoàn thành chưa bao lâu đã bị sạt lở trên 5 lần, tiêu tốn ngân sách thêm 18 tỷ tiền sữa chữa gia cố.

Sạt lở từ sông lớn đến sông nhỏ, từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đến cửa sông ra biển Đông, biển Tây. Theo số liệu thống kê toàn vùng ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610km. Hàng ngàn hộ dân khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng đang ngày đêm thấp thỏm, lo âu về tính mạng, sinh kế khi sạt lở được dự báo là chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương lên tới trên 13.000 tỉ đồng.

Ngân sách này được phân bổ về địa phương và phải được kiểm soát chặt chẽ thông qua giám sát chất lượng công trình nhằm đảm bảo phát huy tối đa công năng của dự án phòng chống sạt lở.

Còn về nguyên nhân gốc rễ, lượng phù sa đã không còn bồi lắng kịp do tác nhân của con người. Thế nên, đứng đầu là các địa phương phải ngăn chặn cho được việc “đánh cắp” phù sa tại các “điểm nóng” hiện nay.

(Nguồn: vovgiaothong.vn)

Link gốc: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/sat-lo-bua-vay-dong-bang-song-cuu-long-d34136.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Chuyên gia chỉ cách cha mẹ dạy con bơi

Món ăn độc lạ đậu hũ thúi: Người mê mẩn, kẻ chê bai

Kỳ lạ người phụ nữ tuyên bố không ăn uống suốt 16 năm

Ra mắt không gian giới thiệu nghề làm giấy dó Kẻ Bưởi

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829