Thứ sáu, 22/04/2022, 12:30
Sự vươn lên của sách nói trong xu hướng kỷ nguyên số tại Việt Nam
Xuất hiện từ khoảng năm 1932 tại Mỹ với mục đích nhân văn là dành cho người cao tuổi hoặc người khiếm thị, nhưng sách nói mới chỉ phát triển tại Việt Nam những năm gần đây.
Giao diện sách nói Voiz FM - Ảnh: Hương Giang.
Sách nói là loại sách truyền tải nội dung bằng âm thanh thay vì hình ảnh của chữ viết như sách in hay sách điện tử. Khi mới xuất hiện, sách nói vẫn còn giới hạn về chủ đề, chủ yếu là các tác phẩm thơ, ca.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhờ các thiết bị hiện đại mà sách nói ngày càng tiếp cận được nhiều độc giả.
Sự vươn lên mạnh mẽ
Hiện tại, sách nói dù chưa phong phú các tựa sách so với thể loại sách khác nhưng đã đa dạng hơn chủ đề và thể loại. Ở Việt Nam, có thể kể tới một vài đơn vị kinh doanh sách nói như Voiz FM, Fonos…
Voiz FM là một trong những ứng dụng sách nói có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam, hợp tác với các đơn vị xuất bản như Nhà Xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam, Alpha Books…Ứng dụng này ra mắt vào tháng 1/2020, đến nay có hơn 500.000 người dùng, hơn 2000 tựa sách.
Cũng ra đời năm 2020, ứng dụng sách nói Fonos có hơn 200 tựa sách có bản quyền từ các đơn vị xuất bản uy tín, có hơn 100.000 sử dụng. Đặc biệt, trong thời gian cả nước chung tay chống dịch Covid-19, các nhà sách buộc phải tạm dừng phục vụ, nhiều độc giả đã tìm kiếm các xuất bản phẩm điện tử để thưởng thức.
Độc giả sách nói đa số là những người trẻ, những người thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử, internet. Nhìn về tương lai, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy công chúng của sách nói rất tiềm năng, bao gồm tất cả mọi người ở nhiều độ tuổi, lĩnh vực hoạt động, giai tầng trong xã hội vì tính linh hoạt của dạng sách này.
Để nghe sách nói, độc giả có thể sử dụng các trang web, ứng dụng chuyên cung cấp sách miễn phí hoặc trả phí. Một số công ty xuất bản cũng sản xuất sách nói ở dạng bang cassette, CD, VCD, thẻ nhớ, USB, chỉ cần kết nối với thiết bị phát là có thể nghe được.
Xã hội ngày càng phát triển, con người dần trở nên sống vội vã hơn, quỹ thời gian để đọc sách ngày càng hạn chế. Sách nói giúp độc giả có thể tận dụng tối đa những khoảng thời gian trống như khi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, di chuyển, tập thể dục...Họ không nhất thiết phải ngồi một chỗ để đọc sách nên có sự chủ động hơn về thời gian.
Ngày nay, internet kết nối tới khắp mọi nơi khiến một số người cũng mất đi khả năng tập trung. Nhiều độc giả thừa nhận ngồi đọc sách trong một thời gian là rất khó và thường bị xao nhãng bởi điện thoại, cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội.
Sách nói cũng giúp độc giả có thể thư giãn nhiều hơn, không cần đọc bằng mắt nên giúp mắt nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc với các thiết bị điện tử. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 làm tăng khoảng cách vật lý trong xã hội cũng góp phần thúc đẩy loại hình đọc này có “thiên thời” phát triển bùng nổ.
Nỗi lo bản quyền và những hạn chế
Bản quyền là vấn đề khiến các đơn vị xuất bản lo lắng rất nhiều từ khi sách nói trở nên phổ biến. Sự thuận tiện từ quá trình sản xuất tới tiếp nhận của sách nói dẫn tới khó để kiểm soát hành vi xâm phạm bản quyền.
Giao diện ứng dụng sách nói Fonos - Ảnh: Hương Giang.
Các đơn vị xuất bản sách muốn bắt kịp xu hướng tiếp nhận của độc giả cần nhanh chóng có kế hoạch chuyển đổi phương thức sản xuất từ sách truyền thống đến kết hợp cả sách nói, sách điện tử. Năm bắt được sự thuân tiện của sách nói cũng sẽ giúp độc giả kết hợp sử dụng để tiếp cận được nhiều đầu sách hay hơn.
Sách nói có đặc tính không cần độc giả tập trung hoàn toàn trong khi tiếp nhận, hay nói một cách khác là tiếp nhận thông tin thụ động.
Độc giả có thể làm nhiều việc khác trong khi nghe sách nói dẫn tới không nhận được trọn vẹn thông tin từ sách, có thể bỏ lỡ một phần nội dung, không ghi nhớ được nhiều kiến thức.
Vì vậy, để việc đọc sách hiệu quả, độc giả cần có sự lựa chọn, kết hợp giữa các loại hình sách khác nhau, phù hợp cho từng mục đích.
(Nguồn: baoquocte.vn)
Link gốc: https://baoquocte.vn/sach-noi-trong-xu-huong-cua-ky-nguyen-so-tai-viet-nam-180994.html